Theo thống kê của Ban An toàn giao thông TP.HCM, trung bình một tuần trên địa bàn TP.HCM xảy ra từ 15-20 vụ tai nạn giao thông (TNGT), trong đó số người chết và bị thương tương đương với số vụ tai nạn.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT chết người nhưng đau lòng nhất vẫn là những vụ TNGT mà nạn nhân bị luống cuống, giật mình ngã vào các phương tiện lưu thông trên đường và mất mạng. Đó là tiếng còi hơi bất thình lình, bấm vô tội vạ khi lưu thông trên các tuyến đường đông người qua lại…
Những hình ảnh xé lòng…
Người phụ nữ trẻ ôm ghì lấy xác đứa con gái hai tuổi gào thét thảm thiết như không muốn buông ra để lực lượng nhà xác đưa đi. Sau tiếng khóc chị ngất lịm nhưng hai tay vẫn quàng chặt thi thể cháu bé làm ai chứng kiến cũng phải rơi nước mắt. Đó là hình ảnh một trong những vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên đường Kha Vạn Cân, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức trưa 14/6 mà nguyên nhân của nó cũng chỉ vì tài xế nhấn còi hơi một cách vô tội vạ.
Người phụ nữ ôm xác con được đưa lên băng ca rời khỏi hiện trường. Còn lại người chồng và một phụ nữ lớn tuổi (bà nội cháu bé) ở lại hiện trường chết lặng, tay run rẩy lượm nhặt, gói ghém những gì còn sót lại. Những dòng nước mắt nhạt nhòa trên gương mặt một già, một khắc khổ này làm nhiều người chứng kiến đang ồn ào bỗng im lặng, đâu đó có tiếng khóc vỡ òa, tiếc thương.
Nhiều người chứng kiến từ đầu vụ việc bất bình kể lại. Đường Kha Vạn Cân lúc này xe cộ nêm chặt cứng. Hòa trong dòng người chị Lê Thị Loan (31 tuổi, ngụ Bình Chiểu, Thủ Đức) điều khiển xe tay ga chở phía trước cháu Đinh Phương Vy (2 tuổi) từ hướng chợ Thủ Đức ra cầu vượt Linh Xuân.
Cùng lúc này chiếc xe bồn biển số: 57L-0967 thuộc Công ty Kỹ nghệ que hàn Sovigaz do tài xế Nguyễn Văn Tuân (24 tuổi, quê quán Nam Định) điều khiển chạy cùng chiều phía sau.
Đường đông, tài xế bấm còi xin đường để vượt lên phía trước. Hoảng hốt trước tiếng còi xe quá lớn, cháu Vy hoảng hốt chúi người về phía trước, theo phản xạ, chị Loan giơ tay trái ra đỡ, tay phải bóp thắng làm hai mẹ con ngã xuống đường. Không may cho cháu Vy bị ngã ra phía đường bị xe bồn cán qua.
Vụ TNGT đau lòng tại TP.HCM (14/6) mà nguyên nhân là do còi xe gây ra làm nhiều người rơi nước mắt…
Đây không phải là vụ tai nạn chết người đầu tiên do tiếng còi xe tải làm người điều khiển phương tiện chạy bên cạnh hoảng hốt, loạng choạng tay lái bị nạn.
Cách đây một tháng, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (23 tuổi, ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) điều khiển xe gắn máy biển số: 60V4-9809 lưu thông trên quốc lộ 1A (hướng từ Biên Hòa về ngã tư Trị An). Cùng lúc này xe tải biển số 60N-8728 lưu thông cùng chiều do muốn qua mặt đã bấm còi. Tiếng còi quá lớn làm chị Ngọc giật mình, loạng choạng tay lái và ngã vào bánh xe tải chết tại chỗ…
Qui định cấm, tài xế vẫn sử dụng
Chuyện người dân đang lưu thông trên đường giật mình vì tiếng còi xe loạng choạng tay lái dẫn đến tai nạn xảy ra thường xuyên trên các tuyến đường xe cộ lưu thông dày đặc. Nhất là vào những giờ cao điểm, tiếng còi xe đinh tai nhức óc được các tài xế bấm một cách vô tội vạ gây mất an toàn giao thông cho người đi đường. Nhiều loại còi "khủng" như còi hơi, còi ngân, còi ưu tiên… với âm lượng kêu gấp nhiều lần còi thông dụng thông thường được cánh tài xế yêu thích thay thế để tạo uy trên đường phố.
Theo một chiến sĩ CSGT đội Rạch Chiếc đang làm nhiệm vụ trên xa lộ Hà Nội cho biết, rất nhiều xe tải, container lưu thông trên xa lộ thay đổi kết cấu của còi xe thông dụng bằng còi hơi, còi ngân… để giành phần ưu tiên trên đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, chỉ những phương tiện khi bị phạt mới bị kiểm tra còn lại thì không thể kiểm soát được.
Trong Nghị định 34/2010/NĐ-CP về qui định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì hành vi bấm còi có âm lượng lớn, bấm còi hơi trong đô thị, trong khu dân cư có mức phạt từ 300 đến 500 ngàn đồng. Tuy nhiên qui định về thay đổi kết cấu còi, bấm còi vượt mức âm lượng cho phép trong khi lưu thông trên đường thì chưa được nêu cụ thể.
Với mức phạt được coi là "nhẹ" này làm cánh tài xế… “nhờn thuốc”. Cũng trong tháng Nghị định 34 ra đời, Bộ GTVT cũng gửi văn bản đến Hiệp hội Ôtô Việt Nam yêu cầu kết hợp với các doanh nghiệp vận tải tăng cường tuyên truyền, giáo dục tài xế không được lạm dụng còi xe để giảm thiểu những vụ TNGT đáng tiếc. Tuy nhiên chuyện giảm thiểu này vẫn chưa thấy chuyển biến.
Nhiều cái chết thương tâm đã xảy ra cũng chỉ vì tiếng còi khiếp đảm của những lái xe vô cảm và sẽ còn nhiều cái chết oan khuất nếu như chuyện chiếc còi xe không được giải quyết một cách triệt để.
Còi vượt mức cho phép bán tràn lan Theo Cục Đăng kiểm, quy định âm lượng còi xe của các phương tiện khi tham gia giao thông dao động từ 90-115 dB. Trong khi đó trên các tuyến đường tại TP HCM, nhiều phương tiện đã gắn hệ thống còi hơi, còi ngân, còi hụ… có âm lượng đạt tới ngưỡng 120 - 250 dB gây nguy hại cho các phương tiện hai bánh, nhất là phương tiện này do phụ nữ điều khiển. Tại TP HCM , các loại còi hơi có âm lượng cao (chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông) bán nhan nhản với giá dao động từ 300.000đ đến 1 triệu đồng. Khu vực bán nhiều nhất là khu vực vòng xoay Hàng Xanh (Bình Thạnh), đường Ký Con (quận 1), Nguyễn Chí Thanh (quận 5)… Nghinh Phong |
Theo Minh Đức (CAND)