Trước thông tin hướng dẫn viên (HDV) người Hàn Quốc dẫn khách Hàn ở TP Đà Lạt, Lâm Đồng, nhiều ý kiến lo ngại việc HDV người nước ngoài dẫn khách sẽ làm sai lệch thông tin về lịch sử, văn hóa Việt Nam (VN). Do đó, ngành chức năng cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng này, không chỉ ở TP Đà Lạt mà còn ở các địa phương trên cả nước.
Cần chế tài nặng
Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông Công ty Truyền thông Du lịch VN, cho rằng: HDV người Hàn Quốc không đeo thẻ, đưa khách đến điểm tham quan ở Đà Lạt đã tạo sân chơi không lành mạnh giữa các hướng dẫn viên và công ty lữ hành. Trong khi đó, HDV du lịch tại VN hoạt động thị trường quốc tế hay nội địa cần phải đổi thẻ theo thời hạn quy định để đảm bảo chất lượng và quản lý.
Công ty lữ hành ở VN muốn đón khách quốc tế bắt buộc phải có giấy phép lữ hành quốc tế. HDV khi tác nghiệp, thuyết minh tại điểm đến bắt buộc phải có thẻ, chương trình tour bằng tiếng Việt và hợp đồng lao động.
ThS Hoàng Ngọc Hiển, Phó Trưởng khoa Du lịch Trường ĐH Văn Lang, cho rằng: Bản chất của tour 0 đồng xuất phát từ sự cạnh tranh khốc liệt về giá, về sản phẩm du lịch. Công ty lữ hành gom khách (lịch trình được định sẵn ở nước bạn) đi theo quy trình khép kín, thậm chí không sử dụng dịch vụ của địa phương. Chính vì khép kín nên có tình trạng HDV người nước ngoài thản nhiên hành nghề ở VN.
ThS Hiển cho biết khi phát hiện hướng dẫn viên người nước ngoài “chui” có hành vi giới thiệu sai lệch về lịch sử, văn hóa... thì chính các khu điểm du lịch ở các địa phương cần phải kiểm tra, xử lý nghiêm khắc. Điều tiên quyết là cần kiểm tra ngay việc có thẻ HDV (thẻ HDV được quy định là quốc tịch VN, thường trú tại VN trong Luật Du lịch năm 2017) hay không.
TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch quốc gia VN), cho rằng: “Chuyện hướng dẫn viên người nước ngoài hoạt động tại VN đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Công tác thanh tra, kiểm tra điểm đến đang bị buông lỏng và biến tướng của tour 0 đồng nên HDV người nước ngoài mới có “đất” hoạt động “chui” tại VN”.
Theo TS Lương, du lịch VN đã thất thu rất nhiều tour 0 đồng, hậu quả lớn nhất chính là hình ảnh ngành du lịch VN trong mắt du khách bị ảnh hưởng.
“Vì vậy, công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất và thường xuyên ở khu điểm đến du lịch là hết sức quan trọng. Cơ quan quản lý cần ngăn chặn, xử phạt nặng trường hợp vi phạm. Ngoài ra, ngành du lịch và tài chính cần phối hợp chặt chẽ trong dịch vụ chuyển tiền qua nước ngoài. Cụ thể là siết chặt việc sử dụng thẻ và các hình thức chuyển tiền ra nước ngoài để việc thanh toán chỉ ở trên đất nước VN” - TS Lương nói.
Thanh tra các điểm đến du lịch
Ông Phạm Anh Vũ đề xuất: Các cơ quan quản lý ngành cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động lữ hành đón khách quốc tế đến VN, đồng thời tăng cường lực lượng thanh tra du lịch tại các địa phương.
“Địa phương giám sát, chế tài thật nặng với các trường hợp hướng dẫn viên tác nghiệp khi không đủ điều kiện, không có thẻ hướng dẫn viên… Từ đó chấm dứt tình trạng dẫn đoàn và thuyết minh “chui” dẫn đến thiệt hại chung cho ngành du lịch và địa phương. Đặc biệt địa phương cần đặt số điện thoại để phản ánh và xử lý những trường hợp trên” - ông Vũ nói.
ThS Hiển cũng đề xuất: “Nếu điểm đến không tuân thủ quy định thì rút giấy phép kinh doanh. Về giải pháp lâu dài, các cơ sở đào tạo lực lượng HDV quốc tế, ngoài đội ngũ giỏi tiếng Anh thì cần đào tạo hướng dẫn viên tiếng Hàn, Nhật, Hoa... để tăng cường năng lực HDV của VN”.
Ông Nguyễn Minh Lý, Chánh Thanh tra Sở Du lịch TP.HCM, cho biết quá trình kiểm tra HDV người nước ngoài trên mỗi địa bàn thì cần sự phối hợp giữa doanh nghiệp, HDV với cơ quan quản lý.
Thanh tra sở cũng có giải pháp, chủ động đề phòng để không xảy ra các trường hợp HDV người nước ngoài hoạt động “chui” trên địa bàn. Ngoài kiểm tra các tuyến điểm, thanh tra sở cũng đẩy mạnh kiểm tra gắt gao đối với doanh nghiệp khai thác thị trường trọng điểm.
“Nếu phát hiện, thanh tra sở sẽ xử lý quyết liệt. Đồng thời, đơn vị cũng xây dựng đội ngũ cộng tác viên biết tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật… để hỗ trợ khi cần. Thanh tra sở cũng phối hợp với Chi hội HDV trong công tác kiểm tra tình trạng này” - ông Lý nói.•
Lâm Đồng sẽ rà soát công tác hướng dẫn viên
Nói về tình trạng HDV người Hàn Quốc hoạt động tại TP Đà Lạt, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng, cho rằng: Lượng khách quốc tế đến Đà Lạt đông đúc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch địa phương nói riêng và ngành du lịch VN nói chung phát triển.
Sở VH-TT&DL sẽ rà soát, kiểm tra công tác hướng dẫn tại các khu điểm du lịch, đồng thời làm việc với các đơn vị kinh doanh lữ hành trong việc sử dụng HDV suốt tuyến. Sở cũng sẽ làm việc với các địa phương nhằm tạo điều kiện cho việc hướng dẫn mang tính chất lưu tuyến nhưng cũng phải đúng theo quy định của pháp luật.
Riêng với các đơn vị kinh doanh khu điểm du lịch, đơn vị nào cũng có HDV tại điểm đã được sở đào tạo và cấp thẻ theo quy định của pháp luật. Theo đó, sở yêu cầu các đơn vị kinh doanh tại điểm sử dụng bố trí HDV để phục vụ cho các đoàn khách là người nước ngoài.