Siết quá tải, sao siết được lòng tham?

Song song đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an lập chuyên án điều tra một công ty vận tải đang “làm mưa, làm gió” khi có dấu hiệu tranh cướp hàng, thường xuyên chở quá tải… ở Hải Phòng.

Những sự vụ trên đã ít nhiều chứng minh câu chuyện bảo kê cho “xe vua” râm ran dư luận lâu nay là có thật chứ không như nhiều cán bộ có thẩm quyền thường trả lời theo mô típ “Có nghe dư luận. Có kiểm tra một số xe nghi ngờ là “vua” nhưng không phát hiện gì”!

Thực tế, chuyện nhận lót tay để xe vi phạm ung dung trên đường hầu như ai cũng biết, đặc biệt là giới tài xế, chủ xe, chủ hàng; chuyện “bảo kê” của những người được giao nhiệm vụ duy trì trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn ra đây đó. Có điều muốn truy địa chỉ là không hề đơn giản, bởi việc “giao dịch” rất kín đáo. Việc điểm mặt, chỉ tên “xe vua” càng khó khăn hơn khi việc “bảo kê” được thực hiện bởi một ê-kíp, với quy trình ngày càng “nội bộ”, khép kín.

 Không ai phủ nhận mục đích tốt đẹp của việc chống xe quá tải vì qua đó nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, bảo vệ cầu, đường, đồng thời thiết lập lại sự lành mạnh trong hoạt động vận tải đang có nhiều điều tiếng. Nhưng những nỗ lực cùng sự quyết tâm của người đứng đầu ngành giao thông đã chưa thể làm xoay chuyển. Nạn “xe vua” diễn ra khắp nơi, trong khi họa hoằn lắm mới truy được một vài địa chỉ “bảo kê”.

Tình trạng ấy không thể không làm cho người ta nghĩ rằng dường như với mỗi lời tuyên bố của vị tư lệnh ngành thì y như rằng đây là cơ hội cho nhiều cán bộ biến chất lợi dụng để trục lợi, nhận hối lộ. Sẽ không khó tìm những người làm dịch vụ vận tải kêu ca rằng cứ mỗi lần có yêu cầu “siết” từ cấp trên là họ buộc phải chi thêm với lý do “cấp trên đang siết nên kiểm tra gắt gao hơn”. Dù không muốn, họ buộc phải chi thêm bởi sự sinh tồn của mình, nếu không sẽ bị “xe vua” hớt mất nhiều chủ hàng lâu năm.

Cho nên mới thấy chiến dịch chống xe quá tải diễn ra trên cả nước đang gặp nhiều trở ngại rất lớn, mà trước tiên từ chính những người thực thi công vụ. Tình trạng này đòi hỏi sau mỗi lệnh siết từ trung ương, buộc toàn hệ thống phải vận hành một cách tích cực từ công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát cho đến việc siết chặt đạo đức công vụ và thẳng tay xử lý những cán bộ sai phạm. Nếu không lệnh trên ban thì cứ ban, dưới trục lợi thì càng thấy lợi. Các mục tiêu bảo vệ cầu, đường bị triệt tiêu và khung niềm tin của người dân cũng sẽ dần trở nên “quá tải”.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới