Mật phục xe quá tải

“Tôi đã yêu cầu TTGT địa bàn mật phục 24/24 giờ ở khu vực cảng Cát Lái, quận 2 và khu vực Tân Thuận Đông, quận 7 để xử lý các xe dồn hàng quá tải lưu thông trên đường” - ngày 12-11, ông Lê Vĩnh Phát, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, cho biết. Sáng cùng ngày, Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh việc các xe sau khi lấy hàng ở các cảng ra đã nhồi thêm hàng lên xe để chở quá tải.

“Tuân thủ nghiêm” nhưng quá tải… 250%!

Trong những ngày mật phục, chúng tôi ghi nhận rất nhiều hãng xe sau khi lấy hàng trong cảng ra đã ghé vào bãi đậu để dồn hàng quá tải. Trong đó, khu vực cảng Bến Nghé là địa bàn hoạt động rầm rộ, công khai của các xe tải gắn logo “Công ty Phương Thịnh”.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, logo trên thuộc Công ty TNHH Phương Thịnh (quận Bình Thạnh), do ông Nguyễn Đức Tuấn làm giám đốc. Khi được đề nghị có buổi làm việc về thực trạng này, ông Tuấn nói: “Tôi bận lắm, không tiếp được đâu. Mà xe tôi lấy hàng trong cảng Bến Nghé sao quá tải được”.

Chúng tôi cho hay: “Trong cảng không cho quá tải nhưng rời cảng thì xe lại chất thêm hàng…”. Chưa nghe hết câu, ông Tuấn đã ngắt lời: “Tôi bảo đảm với anh không bao giờ có chuyện đó. Tôi chở tôn trong cảng, không lẽ mướn cái cẩu mấy chục tấn để cẩu dồn hàng qua à”.

Chúng tôi khẳng định đã ghi đầy đủ cảnh dồn hàng quá tải, biển số xe cùng logo “Công ty Phương Thịnh”, đặc biệt trong số đó có xe đã bị Đội TTGT số 6 lập biên bản chở hàng quá tải 250% nhưng ông Tuấn vẫn khẳng định: “Chúng tôi lấy hàng trong cảng bao nhiêu là đi giao luôn. Chuyện anh nói tôi hơi bất ngờ. Anh có thể cung cấp biển số xe để tôi kiểm tra có phải của công ty không và sẽ liên lạc với anh”.

Lãnh đạo Công ty Phương Thịnh khẳng định “không bao giờ chở quá tải” bất kể chiếc xe tải này có logo “Công ty Phương Thịnh” bị lập biên bản quá tải 250%. Ảnh: MP

Trưa 12-11, phóng viên nhắn tin các số xe cho ông Tuấn và đến cuối giờ cùng ngày, sau nhiều lần gọi điện thoại, ông Tuấn mới nhấc máy nói với vẻ khó chịu: “Xe đó của mấy đứa em, hợp tác chạy hàng với bên này. Hôm đó không có hàng nên nó chạy hàng ngoài. Tôi thấy anh không nên hỏi mấy chuyện đó nữa, đã có thì anh hỏi thẳng mấy chủ xe đó đi. Mà tôi thấy đâu có gì đâu, các xe đó chở quá tải thì chịu trách nhiệm trước pháp luật thôi chứ có gì đâu”.

 Mật phục 24/24 giờ

Ông Lê Văn Tuấn, Đội trưởng Đội TTGT số 5 (phụ trách khu vực cảng Cát Lái), cho hay đã biết tình trạng dồn hàng quá tải bên ngoài cảng Cát Lái song bãi dồn tại kho ngoại quan Á Châu thì đơn vị chưa nắm. Ngay sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh, đơn vị đã bố trí người mặc thường phục tại đây và trong sáng 12-11 phát hiện chiếc xe đầu kéo 51C-298.49 kéo theo rơmoóc 51R-7917 của Công ty Vận tải Phương Thảo (quận Bình Thạnh) đã hai lần vào lấy container ở cảng Cát Lái. “Họ dồn cả hai container ở hai chuyến tại bãi Á Châu trong KCN Cát Lái rồi “kẹp cổ” đi giao hàng. Chúng tôi đã kiểm tra, xác định xe chở quá tải hơn 50%” - ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, cách đây vài ngày ông cũng mặc thường phục đi ghi nhận và phát hiện một chiếc xe tải thùng hở đậu sẵn ở ngoài bãi đất trống ở khu vực đường dẫn vào cao tốc Long Thành (quận 2) chờ chở container. Đây không phải là xe chuyên dụng chở container nên không vào cảng Cát Lái lấy hàng được, phải đậu ở đây chờ xe từ trong cảng ra sang hàng. “Trên địa bàn có rất nhiều bãi đất trống làm bãi đậu xe, sửa chữa và tập kết container và đây là các điểm được lợi dụng để dồn tải” - ông Tuấn khẳng định.

Theo ông Lê Hoàng Nam, Đội trưởng Đội GTVT số 6 (phụ trách khu vực các cảng Bến Nghé, Vict…), việc sang hàng, tăng tải là chiêu thức mới để chở hàng quá tải. Việc xử lý vi phạm dạng này không đơn giản, vì các xe này có lực lượng cảnh giới nên muốn xử lý thì phải tổ chức mật phục. “Nhưng việc xử lý các xe chỉ là giải quyết phần ngọn. Vì thế đội đã đề nghị địa phương hỗ trợ, yêu cầu các chủ bãi giữ xe không cho sang hàng trong bãi” - ông Nam nói.

MINH PHONG

“Cả trăm người dồn hàng”

Ông Tô Thành Sỹ, đại diện Công ty Vận tải Thịnh Phát (quận 7), nhìn nhận xe đầu kéo dồn hai container và “kẹp cổ” mà Pháp Luật TP.HCM phản ánh trong bài viết “Xe dồn tải ngay khi rời cảng” là của công ty. Nhưng ông giải thích: “Rơmoóc nhập được đăng kiểm cho tăng tải, chở các container hàng theo tiêu chuẩn quốc tế (27 tấn). Các rơmoóc trong nước sản xuất chỉ cho chở đến 21 tấn nên chúng tôi buộc phải dùng rơmoóc đúng chuẩn vào lấy hàng để chở ra khỏi cảng rồi cẩu qua rơmoóc này để đi giao hàng. Nhiều đơn vị khác cũng làm vậy lắm”.

Liên quan đến việc xe “kẹp cổ”, ông Sỹ cho biết: Hiện giờ chở một container lời không được bao nhiêu, trong khi việc giải tỏa hàng ở cảng thường chậm, đường sá thì kẹt có khi mất cả tiếng mới vào lấy được container... “Cả trăm người làm chứ có phải mình tôi đâu. Chúng tôi cũng cố gắng mua thêm rơmoóc, đầu kéo, từ từ khắc phục chứ biết làm sao được” - ông Sỹ phân trần.

Muốn xử lý xe dồn tải có hiệu quả, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các bãi trung chuyển, bãi đậu xe, không để những nơi đó trở thành điểm lên xuống hàng hóa.

Ông LÊ VĨNH PHÁT,  Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM

Tôi chưa nắm được tình trạng dồn, sang hàng quá tải ở kho Á Châu trong KCN Cát Lái. Tôi sẽ yêu cầu công an địa phương phối hợp với chủ KCN Cát Lái xác định đơn vị thuê đất để kiểm tra, vận động không để nơi đây làm điểm sang hàng quá tải.

Một lãnh đạo UBND quận 2

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm