“Từ đầu tháng 5, các dự án xây dựng cầu, đường của các khu thuộc Sở GTVT quản lý theo địa bàn quận, huyện sẽ do các ban điều hành dự án thuộc Ban giao thông tiếp tục triển khai thực hiện” - ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (viết tắt là Ban giao thông), cho biết trong buổi lễ ký kết biên bản bàn giao mới đây.
Quản lý hàng trăm dự án
Cụ thể, các dự án xây dựng cầu, đường trước đây do các khu quản lý giao thông đô thị số 1, 2, 3, 4 (Khu 1, 2, 3, 4), Khu đường sông và Ban nạo vét Soài Rạp thực hiện, nay sẽ được chuyển giao về cho Ban giao thông tiếp tục điều hành, triển khai.
Như vậy, ngoài các dự án mới nhận bàn giao từ các khu nói trên cùng với các dự án tầm cỡ mà Ban giao thông đang quản lý thì ban này đang được xem là “siêu ban” ở TP.HCM với khối lượng công việc và số lượng dự án khổng lồ.
Một vị lãnh đạo Ban giao thông cho hay dự án của các khu chuyển giao về hiện nay theo thống kê chưa đầy đủ đã lên tới con số hơn 160 trên địa bàn TP. Hiện các bộ phận của ban đang tổng hợp và phân loại các dự án này.
“Trong hơn 160 dự án được chuyển giao về thì cần phải phân loại: Dự án nào đã tất toán, dự án nào đang triển khai, dự án nào chuẩn bị giải ngân, dự án nào đầu tư, dự án nào chuyển tiếp… rất nhiều nên chúng tôi cần có thời gian rà soát lại” - vị lãnh đạo này chia sẻ.
Vị lãnh đạo này cho biết thêm, Ban giao thông là đơn vị trực thuộc UBND TP.HCM, trước đây có 94 nhân viên và đang quản lý năm dự án giao thông đô thị tầm cỡ với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỉ USD như đại lộ Đông Tây, dự án cải thiện môi trường nước TP các giai đoạn 1, 2, 3, dự án nút giao An Phú - kết nối với cao tốc Long Thành - Dầu Giây, dự án phát triển giao thông xanh, dự án điều khiển giao thông TP.
“Ngoài năm dự án trên và hơn 160 dự án được tiếp nhận từ các khu, TP cũng vừa mới giao cho chúng tôi gần cả chục dự án nữa. Số nhân sự của ban cũng tăng lên và đạt gần 270 người” - vị lãnh đạo “siêu ban” nói.
Dự án nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM), một trong danh mục các dự án chuyển về “siêu ban”. Ảnh: K.CƯỜNG
Chuyển giao “nguyên canh, nguyên cư”
Theo Ban giao thông, hiện ban vẫn đang chờ UBND TP.HCM chính thức phê duyệt quy chế hoạt động của ban để có thể dựa vào đó tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, vận hành trơn tru.
Trước mắt, để vận hành hiệu quả, liên tục, không gián đoạn do việc chuyển tên chủ đầu tư (từ Sở GTVT TP sang Ban giao thông) thì ban sẽ thành lập các ban nhỏ, mỗi tiểu ban này sẽ quản lý các dự án trực thuộc mỗi khu tương ứng trước đây. Ngoài ra, các cơ chế trả lương, chế độ của các nhân sự ở các khu sau khi về ban cũng sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp.
Liên quan đến công việc và trách nhiệm của các khu quản lý giao thông đô thị, trước đây các khu có nhiệm vụ quản lý - điều hành dự án - duy tu - sửa chữa - chiếu sáng - cây xanh thì nay dự án chuyển về ban, còn chiếu sáng - cây xanh đã chuyển về Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM thuộc Sở Xây dựng nên các khu chỉ còn nhiệm vụ về duy tu - sửa chữa dự án cầu, đường.
“Sắp tới, rất có thể các khu sẽ được sáp nhập và thành lập một trung tâm mới chuyên về duy tu - sửa chữa nhưng tất cả vẫn còn đang chờ cơ quan chức năng quyết định” - một vị lãnh đạo Ban giao thông cho hay.
Liên quan đến công việc chuyển giao, các khu giao thông cho biết hiện không có khó khăn gì và việc chuyển giao này sẽ theo nguyên tắc “nguyên canh, nguyên cư”.
“Chúng tôi đã thực hiện chuyển giao tất cả dự án về Ban giao thông, đồng thời các công việc của dự án vẫn được làm bình thường và không có khó khăn gì” - ông Phạm Ngọc Dũng, Giám đốc Khu 3, nói.
Ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Khu 4, cũng cho biết đã hoàn tất chuyển giao dự án, hồ sơ, con người, trang thiết bị liên quan theo đúng tinh thần “nguyên canh, nguyên cư” về Ban giao thông.
Còn ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu 2, cũng cho biết đã hoàn tất chuyển giao và các dự án vẫn đang tiến hành thực hiện bình thường.
Rút ngắn quy trình, thủ tục Theo cơ chế mới, các vấn đề vướng mắc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các công trình được Ban giao thông trình lên UBND TP.HCM thay vì trước đây phải trình theo các cấp: Từ các khu quản lý giao thông lên Sở GTVT rồi mới tới UBND TP. Vậy theo cơ chế mới này thì nhiều quy trình, thủ tục sẽ được rút ngắn. Theo đó, các vấn đề vướng mắc sẽ được giải quyết nhanh và gọn hơn. Về phía Sở GTVT, sau khi chuyển giao các dự án về Ban giao thông, Sở sẽ tập trung vào công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực xây dựng giao thông, trong đó có các dự án do Ban giao thông làm chủ đầu tư. |