Thế giới soi người giàu Việt
Ngân hàng ANZ hôm 11/7 vừa đưa ra một thông tin đáng chú ý: Tầng lớp trung lưu Việt Nam phát triển nhanh hơn bất cứ nền kinh tế nào ở châu Á, bao gồm cả Trung Quốc. Và Việt Nam sẽ có thêm khoảng 2 triệu người trung lưu mỗi năm.
Thông tin trên khá bất ngờ, nhưng là điều đáng mừng bởi nó phản ánh sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong khoảng 2 thập kỷ qua. Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào và có hiệu suất lao động được cải thiện mạnh mẽ. Số doanh nghiệp Việt Nam đã lên tới 600.000-700.000 đơn vị và đây là nơi sản sinh ra hàng chục triệu người thuộc tầng lớp trung lưu.
Tuy nhiên, điều mà nhiều người ngạc nhiên nhất về những báo cáo về tình hình tài chính của người dân Việt Nam gần đây chính là con số công bố về lượng người siêu giàu.
Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tuần qua tại Hà Nội, Việt Nam có khoảng 110 người siêu giàu với tài sản trên 30 triệu USD/người (khoảng 630 tỷ đồng/người). Số lượng người siêu giàu tại Việt Nam đã tăng 3 lần trong một thập kỷ.
WB đánh giá con số này cũng bình thường so với các nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương Việt Nam. Tuy nhiên, cũng theo khảo sát của ngân hàng này, nhiều người lại tỏ ra hoài nghi về cách làm giàu hiện nay của các đại gia. Bên cạnh đó, báo cáo cũng nhận định khoảng cách giữa những người rất giàu và phần đông người VIệt Nam cũng như tình trạng bất bình đẳng đáng kể về cơ hội là điều đáng lo ngại.
Trước đó, hồi tháng 9/2013, một ngân hàng của Thụy Sĩ cũng đưa ra báo cáo cho rằng Việt Nam có gần 200 người siêu giàu với tài sản trị giá 30 triệu USD trở lên và số người siêu giàu Việt Nam sẽ tăng với tốc độ cao nhất thế giới trong 10 năm tới.
Nếu theo báo cáo này, với mức tăng được dự báo lên tới gần 170%, số người siêu giàu Việt sẽ lên tới gần 300 - con số gây bất ngờ với nhiều người bởi tầm vóc và thực trạng kinh tế chưa tương xứng của Việt Nam hiện nay. Nó cũng gấp cả chục lần so với số lượng những người siêu giàu được thống kê qua thị trường chứng khoán (TTCK) tập trung.
Mặc dù vậy, thật trái ngược khi những con số này lại được coi là chưa phản ánh hết số người siêu giàu thực sự tại Việt Nam. Dưới con mắt của nhiều người, số người giàu được các tổ chức thống kê qua TTCK, qua các doanh nghiệp tư nhân lớn chưa lên sàn... chỉ là bề nổi, chủ yếu dựa trên tài sản công khai, còn thực tế có thể lớn hơn nhiều. Những vụ phát lộ tài sản trị giá rất lớn gần đây cho thấy điều này.
Siêu giàu: Khó chỉ mặt đặt tên
Sự thật về số người siêu giàu, gồm những ai... rất ít người biết. Trong báo cáo của các tổ chức trên, không một đơn vị nào công bố danh sách tên tuổi, tài sản mà họ sở hữu.
Như vậy, số đại gia ẩn danh siêu giàu vẫn chiếm đến 90%.
Trên thực tế, các bảng xếp hạng của các tổ chức có thể bao gồm cả các doanh nhân có doanh nghiệp chưa niêm yết cổ phiếu trên sàn như Lê Viết Lam (SunGroup), Đặng Khắc Vỹ (VIB), Nguyễn Thanh Hùng (Sovico), Trịnh Thanh Huy (BĐS Bình Thiên An), Nguyễn Cảnh Sơn (Eurowindow Holding), bà Nguyễn Thị Nga (BRG, SeABank), ông Vũ Văn Tiền (Geleximco), "chúa đảo" Đào Hồng Tuyển (Tuần Châu), vua hàng hiệu Jonathan Hạnh Nguyễn (IPP), Trần Quý Thanh (Tân Hiệp Phát), ông Huỳnh Uy Dũng (Sóng Thần), ông Đỗ Minh Phú (DOJI), ông Võ Quốc Thắng (DTG), ông Đoàn Quốc Việt (BIM Group), ông Trầm Bê (STB), ông Vũ Quang Hội (Bitexco)...
Với đa số các nhà đầu tư, rất có để có thể thống kê ra được khoảng 100 người siêu giàu Việt thông qua TTCK và kiểu đoán mò dựa trên các thương hiệu doanh nghiệp nổi tiếng như vừa kể trên. Sự tò mò, do vậy, là rất lớn, nhất là khi các tổ chức liên tiếp công bố số lượng những người siêu giàu nhưng không bố tên tuổi cụ thể.
Vậy, tại sao các tổ chức lại không thể công bố danh tính những người siêu giàu? Vì những người trong cuộc không muốn công bố, muốn yên ổn làm ăn trong bối cảnh khủng hoảng như hiện nay, hay do tài sản họ làm ra có nhiều khuất tất, không hợp pháp; hay những người mà sự giàu có của họ không thể được công bố?
Một điều cũng đáng suy nghĩ là tốc độ gia tăng số lượng người siêu giàu tại Việt Nam theo những thống kê nói trên là quá nhanh. Giàu có, sung túc là tốt nhưng giàu quá nhanh và không tương đồng với những đóng góp cho nền kinh tế, cho xã hội, hoặc/và giàu có dựa trên những cơ hội, thời cơ, cơ chế; giàu có không minh bạch hợp pháp... là điều đáng ngại.
Những con số về người siêu giàu nhiều khi không thể nói lên sự phát triển chung của nền kinh tế hay sự giàu có của đa số người dân.