Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đã làm rung chuyển các trung tâm tài chính thế giới như London (Anh), New York (Mỹ) và Zurich (Thụy Sĩ), nhưng đem lợi ích đặc biệt cho Singapore và hệ thống ngân hàng đảo quốc sư tử. Những năm qua, hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài đã tìm đến châu Á mà Der Spiegel gọi đây là “trung tâm rửa tiền và trốn thuế” mới.
“Chúng tôi được hưởng lợi từ việc các nhà đầu tư nước ngoài tìm bến đỗ an toàn mới” - tạp chí Đức Der Spiegel dẫn lời ông Elbert Pattijn, quan chức DBS, ngân hàng lớn nhất Singapore. Theo CNN, thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Anh WealthInsight cho biết năm 2000, ngành ngân hàng Singapore chỉ quản lý khoảng 50 tỉ USD tài sản. Nhưng đến năm 2011, con số này đã tăng vọt lên 550 tỉ USD, một tỉ lệ tăng trưởng cực nhanh. Khoảng 450 tỉ USD thuộc về các khách hàng ở nước ngoài, biến Singapore thành trung tâm ngân hàng nước ngoài toàn cầu lớn thứ tư trên thế giới sau Thụy Sĩ, Anh và vùng Caribbean.
Đảo quốc sư tử đang nổi lên là thiên đường trốn thuế mới - Ảnh: T.Tuấn
Sẽ vượt mặt Thụy Sĩ
Điều mà các quan chức ngân hàng Singapore không nói thêm là hệ thống tài chính quốc gia Đông Nam Á cũng thuộc vào hàng kín đáo nhất thế giới. Sự hấp dẫn của Singapore càng gia tăng khi Mỹ và châu Âu thắt chặt các quy định chống trốn thuế, hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ buộc phải công khai dần các bức màn bí mật kinh doanh. “Quan điểm của giới đầu tư hiện nay là Thụy Sĩ sẽ sớm không còn là thiên đường thuế và Singapore là địa điểm mới để làm ăn” - báo New York Times dẫn lời giáo sư tài chính Ronen Palan thuộc ĐH City University London (Anh) nhận định.
Báo cáo của WealthInsight cũng khẳng định mô hình quản lý tài sản của Thụy Sĩ đang chịu áp lực nặng nề và đối với giới nhà giàu thế giới, đặc biệt là châu Á, Singapore là địa điểm lý tưởng. Tại đảo quốc sư tử, thuế thu nhập cá nhân đối với người kiếm hơn 250.000 USD/năm chỉ là 20% (thấp hơn nhiều so với các nước phát triển). Thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 17%. Chính phủ Singapore không hề đánh thuế vào thu nhập từ bán các khoản đầu tư hoặc bất động sản, hay thuế thừa kế.
Có nghĩa là một cá nhân ở Đức hưởng tài sản thừa kế lớn có thể chuyển số tài sản này sang Singapore và không phải đóng một xu tiền thuế. Theo Der Spiegel, nhà giàu Đức đã chuyển hàng chục tỉ USD sang Singapore trong thời gian qua. Rất nhiều tỉ phú thế giới đã đến định cư ở Singapore. Có thể kể đến Eduardo Saverin, người đồng sáng lập mạng xã hội Facebook, sở hữu khối tài sản 2,2 tỉ USD theo ước tính của tạp chí Forbes, nhà đầu tư New Zealand Richard Chandler với 2,9 tỉ USD hay ông trùm bất động sản Trung Quốc Zhong Sheng Jian với 1,4 tỉ USD.
Do đó, WealthInsight dự báo Singapore sẽ vượt qua Thụy Sĩ để trở thành thiên đường thuế hàng đầu thế giới vào năm 2020. Hiện tại các ngân hàng Thụy Sĩ vẫn quản lý 2.800 tỉ USD tài sản nước ngoài. WealthInsight cho rằng tổng tài sản nước ngoài ở Thụy Sĩ sẽ giảm xuống dưới ngưỡng 2.000 tỉ USD vào năm 2016, trong khi tổng tài sản nước ngoài tại Singapore sẽ tăng gấp bốn lần so với hiện nay vào thời điểm đó. Hãng nghiên cứu thị trường Mỹ Boston Consulting đưa ra dự báo dè dặt hơn, nhưng cũng cho rằng Singapore sẽ vượt qua Thụy Sĩ trong 15 năm tới.
Phản ứng của quốc tế
Trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng Singapore liên tục phải đối mặt với những cáo buộc từ nước ngoài. Tháng 8, báo Financial Times Deutschland đưa tin về vụ một số ngân hàng Thụy Sĩ giúp khách hàng Đức chuyển tiền từ Thụy Sĩ sang Singapore để che giấu danh tính và bảo vệ tài sản của họ. Truyền thông Ấn Độ dẫn tài liệu của chính phủ cho biết gần 10% đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ấn Độ là kết quả của việc nhà giàu nước này chuyển tiền qua ngả Singapore để trốn thuế. Hồi tháng 4, báo cáo Offshore leaks của Liên minh Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã tiết lộ chi tiết của 130.000 tài khoản của nhà giàu nước ngoài tại Singapore.
Phản ứng lại những cáo buộc trên, Chính phủ Singapore đã thông qua một số luật nhằm cải thiện hình ảnh tài chính của quốc gia mình. Báo New York Times cho biết trong ba năm qua, Singapore đã duyệt lại một nửa trong số 70 hiệp ước thuế với các nước khác để thúc đẩy việc trao đổi thông tin về những nghi can trốn thuế. Từ năm 2013, các quan chức ngân hàng giúp khách hàng trốn thuế sẽ phải ra tòa vì tội rửa tiền. Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cũng yêu cầu các ngân hàng kiểm tra chặt chẽ khách hàng để hạn chế nguy cơ trốn thuế.
MAS khẳng định các quy định mới sẽ giúp Singapore bảo vệ uy tín là trung tâm tài chính quốc tế đáng tin cậy. Tạp chí Der Spiegel cho biết Singapore cũng sẽ hoàn thành một thỏa thuận liên chính phủ nhằm buộc các tổ chức tài chính nước này tuân thủ luật FATCA của Mỹ. Luật FATCA sẽ buộc các ngân hàng ở Singapore phải tự động chuyển dữ liệu của khách hàng Mỹ cho nhà chức trách Mỹ. Nhưng giới chuyên gia cho biết các luật mới nghiêm khắc chỉ áp dụng đối với những khoản thuế mà Chính phủ Singapore thu. Singapore không áp dụng thuế capital gains hay thuế thừa kế, do đó những khách hàng nước ngoài đến Singapore để trốn các loại thuế này sẽ không bị trừng phạt.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Thomas Eigenthaler, chủ tịch Liên đoàn Thuế Đức, nhận định vấn đề là Singapore sẽ thực hiện các quy định chống trốn thuế như thế nào. Giáo sư Palan thuộc ĐH City University London cho biết vấn đề là phương Tây khó tiếp cận được với các dữ liệu từ ngành tài chính nước ngoài Singapore.
Theo Hiếu Trung (TTO)