Sinh trắc vân tay để hạn chế nạn trục lợi BHXH

(PLO)- BHXH tỉnh Bình Dương phát hiện ba trường hợp nghi ngờ sử dụng CCCD gắn chip giả để làm hồ sơ hưởng BHXH một lần.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo BHXH Việt Nam, mỗi năm có khoảng 170.000 lượt khám chữa bệnh BHYT. Trước đây, đón tiếp bệnh nhân phải qua tối thiểu bốn bước xác nhận (mất 10-15 phút) nhưng nay chỉ còn hai bước nhờ ứng dụng công nghệ sinh trắc học, thời gian chỉ 6-15 giây.

Người dân thực hiện sinh trắc vân tay trên CCCD gắn chip. Ảnh: N.LONG

Người dân thực hiện sinh trắc vân tay trên CCCD gắn chip. Ảnh: N.LONG

Làm giả CCCD để trục lợi

Từ đó, người bệnh được phân luồng sớm hơn, tiết kiệm chi phí, thời gian di chuyển, công bằng khi lấy số thứ tự khám chữa bệnh. Đặc biệt, khắc phục được tình trạng mượn thẻ BHYT, CCCD, trục lợi BHYT…

BHXH Việt Nam cũng cho hay trước đây cán bộ bộ phận một cửa kiểm tra CCCD khó xác định thật, giả. Hiện nay, người dân thực hiện sinh trắc nên xác định được chính xác. Khi sử dụng CCCD, thông tin sẽ được lưu lại phục vụ quản lý, tra cứu sau này.

Bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương, cho biết tỉnh tiếp nhận khoảng 20.000 người đến nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa được xác thực sinh trắc học. 100% trường hợp nộp hồ sơ hưởng BHXH một lần, cấp lại sổ, ghép - gộp sổ được yêu cầu thực hiện sinh trắc. Trong đó có 233 trường hợp không thành công do lỗi vân tay của người dân.

Đáng chú ý, từ tháng 12-2022 đến tháng 3-2023, qua sinh trắc, BHXH tỉnh phát hiện ba trường hợp nghi ngờ sử dụng CCCD gắn chip giả làm hồ sơ hưởng BHXH một lần. Tổng số tiền nếu được tiếp nhận và giải quyết ước tính gần 200 triệu đồng. Vụ việc đã được BHXH tỉnh báo cáo với công an.

Cũng theo bà Lý, dù hệ thống có lúc bị lỗi, song công cụ sinh trắc hỗ trợ cán bộ khá hiệu quả trong phát hiện giả mạo giấy tờ. Bà Lý kiến nghị BHXH Việt Nam sớm triển khai ứng dụng này trên toàn quốc, cùng với đó là nâng cấp phần mềm nghiệp vụ.

Đồng tình, đại diện BHXH TP.HCM cho rằng cần sớm triển khai ứng dụng xác thực sinh trắc học trên CCCD gắn chip trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Việc này đảm bảo xác định đúng chủ thể giao dịch, tránh giả mạo CCCD, gian lận, trục lợi Quỹ BHXH.

Ứng dụng xác thực sinh trắc học trên CCCD gắn chip đảm bảo xác định đúng chủ thể giao dịch, tránh giả mạo CCCD, gian lận, trục lợi Quỹ BHXH.

Người dân cần thời gian để làm quen

Hà Nội là một trong hai địa phương được chọn thí điểm hai thủ tục liên thông “đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới sáu tuổi” và “đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí”.

Theo đó, Hà Nội thực hiện cấp và trả thẻ BHYT cho 36.972 trường hợp đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới sáu tuổi. Thủ tục cấp và trả thẻ BHYT đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng quy định tại bộ phận một cửa của UBND xã, phường, thị trấn hoặc thông qua dịch vụ bưu điện.

Đối với thủ tục liên thông “đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí”, BHXH TP đã tiếp nhận, giải quyết và chi trả trợ cấp mai táng phí cho 341 trường hợp. Thân nhân người mất sau khi nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến có thể nhận tiền mai táng phí qua tài khoản cá nhân hoặc tiền mặt tại cơ quan BHXH.

Tuy nhiên, BHXH cho rằng tâm lý và thói quen của người dân là muốn đến cơ quan nhà nước để làm thủ tục hành chính nên bước đầu còn lúng túng trong kê khai, nhất là người lớn tuổi, ít tiếp xúc với công nghệ thông tin. Do đó, cán bộ xã, phường phải mất khá nhiều thời gian hướng dẫn.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết dữ liệu bảo hiểm tới nay đã xác thực với dữ liệu dân cư được gần 90 triệu người. Vẫn còn 9% chưa xác thực được bao gồm trẻ dưới sáu tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội chưa được cấp mã định danh cá nhân…

Ông Mạnh cho biết thêm BHXH Việt Nam đang phối hợp với ngành y tế xây dựng sổ sức khỏe điện tử cho người dân. Đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt, xác thực sinh trắc học, sử dụng thẻ BHYT điện tử trong khám chữa bệnh…•

Theo BHXH TP.HCM, dữ liệu trẻ em dưới sáu tuổi chưa được xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là do dữ liệu đang quản lý thiếu thông tin mã số định danh cá nhân; nếu trẻ đã có mã định danh cá nhân thì rơi vào trường hợp chưa được nhập hộ khẩu, chưa liên thông với giấy khai sinh, hộ tịch.

TP.HCM kiến nghị BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp tiếp tục cập nhật mã số định danh cá nhân cho người dân, nhất là trẻ em dưới sáu tuổi, học sinh. Có hướng dẫn cấp mã số BHXH cho người bị tâm thần, người sống lang thang, cơ nhỡ trong khi chờ cơ quan chức năng đi xác minh, cấp mã định danh cá nhân cho họ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm