Sinh viên học quân sự trực tuyến 50% nội dung

(PLO)- Từ tháng 9-2023, tất cả sinh viên học quân sự tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh (ĐH Quốc gia TP.HCM) sẽ phải nội trú 100% theo đúng quy định.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hơn một tuần qua, hơn 4.300 sinh viên (SV) năm nhất (khóa tuyển sinh năm 2022) của Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã bắt đầu khóa học quân sự tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Học và thi trực tuyến chiếm đến 50%

Khác với các khóa học quân sự trước đây, SV năm nay phải học trực tuyến đến 50% nội dung. Điều này khiến không ít SV bày tỏ một số băn khoăn về hiệu quả của chương trình học quân sự này.

Theo chia sẻ từ một vài SV trường ĐH KHXH&NV, trước tết Nguyên đán vừa qua, các em nhận được thông tin sẽ học quân sự trực tiếp trong một tháng tại trung tâm. Nhưng sau đó, các em nhận được kế hoạch từ trường chỉ học trực tiếp tại trung tâm trong hai tuần, còn hai tuần sẽ học và thi trực tuyến.

Sinh viên trong một tiết học bắn súng. Ảnh: HOÀNG QUANH

Sinh viên trong một tiết học bắn súng. Ảnh: HOÀNG QUANH

Mỗi ngày, thông qua ứng dụng Zoom trên máy tính hoặc điện thoại, các em đăng nhập vào lớp học để nghe giảng viên dạy các học phần về lý thuyết như xây dựng quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, lịch sử quân sự Việt Nam… Khi kết thúc, các em cũng sẽ làm bài thi trực tuyến để đánh giá quá trình học.

“Việc này khiến các em bị động kế hoạch trở lại trường sau tết vì nghĩ vào lại TP.HCM để đi học nhưng thực chất lại phải ở nhà học online. Hơn nữa, thời lượng học online như vậy là quá nhiều, trong khi đây không phải trong thời gian dịch bệnh khiến việc học nhàm chán, khó tiếp thu. Như vậy sẽ khó đảm bảo được hiệu quả học tập, tụi em cũng không được trải nghiệm nhiều trong môi trường quân sự” - một SV bày tỏ.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Đại Thắng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết đúng là hiện nay trung tâm đang tổ chức học quân sự cho khoảng 4.800 SV của hai đơn vị là Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) và Học viện Cán bộ TP.HCM.

Giảng viên Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong một tiết dạy trực tuyến cho sinh viên. Ảnh: PĐT

Giảng viên Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong một tiết dạy trực tuyến cho sinh viên. Ảnh: PĐT

Khóa học kéo dài trong bốn tuần với 165 tiết cho bốn học phần. Học phần một và hai chủ yếu là lý thuyết nên các em được học trực tuyến trong hai tuần. Học phần ba và bốn thiên về thực hành sẽ học trực tiếp tại trung tâm.

Đồng thời, ông Thắng cho rằng phương án này cũng giúp trung tâm phát huy được nền tảng dạy học trực tuyến mà trung tâm đã đầu tư, triển khai hiệu quả trong thời gian COVID-19. Giảng viên được tập huấn và đổi mới phương pháp dạy để thu hút SV học hơn. Dù trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo nề nếp, kỷ luật cho SV tham gia lớp học, thi trực tuyến được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo đánh giá khách quan...

Chưa đúng quy định nhưng phù hợp thực tế!

Lý giải lý do tổ chức học như vậy, ông Đỗ Đại Thắng cho hay theo quy định hiện nay (Thông tư liên tịch 123 giữa Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH ban hành năm 2015), việc tổ chức học giáo dục quốc phòng bắt buộc SV phải nội trú 100%, không có việc ngoại trú. Tức là các em sẽ vào ở trung tâm đến một tháng để học tập, sinh hoạt, rèn luyện…

Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV và Học viện Cán bộ TP.HCM đang trải nghiệm nếp sống quân đội ở Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: HOÀNG QUANH

Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV và Học viện Cán bộ TP.HCM đang trải nghiệm nếp sống quân đội ở Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: HOÀNG QUANH

Tuy nhiên, do quy mô trung tâm không đủ lớn, một năm trung tâm dạy hơn 40.000 SV với khoảng 10 khóa học của các cơ sở đào tạo nhưng ký túc xá của trung tâm chỉ đáp ứng khoảng 3.000 chỗ. Thế nhưng số lượng SV mỗi trường khác nhau, với những trường ít SV thì việc tổ chức đều 100% nội trú. Còn nhiều trường có từ 4.000 đến hơn 6.000 em như Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Trường ĐH KHXH&NV… trung tâm không đáp ứng nội trú 100% được.

Từ tháng 9-2023 tới, trung tâm sẽ đưa vào vận hành thêm một khối nhà ký túc xá nữa, sẽ nâng số chỗ nội trú từ 3.000 lên 3.600 chỗ. Đồng thời, trung tâm sẽ đàm phán với các trường có số lượng SV lớn để tách nhỏ số SV. Khi đó, tất cả SV học quân sự sẽ phải nội trú 100% theo đúng quy định.

Ông ĐỖ ĐẠI THẮNG, Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Hơn nữa, các trường này lại không muốn tách lượng SV ra để học vì sẽ ảnh hưởng đến lịch học chung của họ trong cả năm.

Do đó, ông Thắng cho biết nhiều năm trước đây, để giải quyết thực tế này, với những trường có số lượng SV lớn, trung tâm tổ chức dạy học trực tiếp 100% nhưng cho phép các em ở ngoại trú hoặc nội trú, tùy nguyện vọng đăng ký của SV.

“Cách làm này thực ra chưa đúng theo quy định nhưng phù hợp cho những trường quá đông SV hoặc cho những trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM vì nhiều em ở ký túc xá cách trung tâm không xa. Tuy nhiên, nhiều đoàn cấp trên đến kiểm tra và đã yêu cầu trung tâm nghiên cứu để thực hiện lại theo đúng quy định để 100% SV được nội trú” - ông Thắng lý giải.

Vì vậy, theo ông Thắng, trung tâm quyết định thực hiện phương án triển khai thí điểm cho SV nội trú 100% từ tháng 12-2022 đến tháng 9-2023. Nhưng do chưa đủ chỗ ở ký túc xá để SV nội trú nên trung tâm thực hiện phương án như trong thời gian dịch COVID-19 là 50% thời lượng học trực tuyến và 50% học trực tiếp.

Với phương án này, tất cả SV đều được nội trú trong hai tuần học thực hành nhưng chia thành hai đợt. Như khóa đang học có khoảng 4.800 SV được chia thành 24 đại đội. Mỗi đợt sẽ có 12 đại đội học trực tiếp và 12 đại đội học trực tuyến, đợt sau sẽ ngược lại.

“Cách làm này cũng chưa đúng quy định nhưng đây là phương án phù hợp nhất trong thời điểm này. Ít ra, các em vẫn có 50% thời gian nội trú, được rèn luyện 11 chế độ nền nếp quân đội trong ngày chứ không phải học xong rồi ra về như trước đây” - ông Thắng nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Thắng cho rằng phương án này cũng giúp trung tâm phát huy được nền tảng dạy học trực tuyến mà trung tâm đã đầu tư, triển khai hiệu quả trong thời gian COVID-19. Giảng viên được tập huấn và đổi mới phương pháp dạy để thu hút SV học hơn. Dù trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo nề nếp, kỷ luật cho SV tham gia lớp học, thi trực tuyến được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo đánh giá khách quan...

Thời gian học kéo dài trong bốn tuần

Theo Thông tư số 05 của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2020, chương trình học giáo dục quốc phòng và an ninh áp dụng cho SV hệ ĐH có bốn học phần, 165 tiết (hệ CĐ 75 tiết). Thời gian học kéo dài trong bốn tuần.

Phần một là Đường lối quốc phòng và an ninh của Đảng Cộng sản Việt Nam (45 tiết), phần hai là Công tác quốc phòng và an ninh (30 tiết). Phần 3 là Quân sự chung (30 tiết), phần bốn là Kỹ thuật chiến đấu bộ binh và chiến thuật (60 tiết).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm