Sinh viên nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp 'gặp khó' khi khởi nghiệp

(PLO)- Nhiều trường đại học đào tạo nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp đang khó thu hút giới trẻ theo học, chất lượng tuyển sinh cũng không cao.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 28-12, Bộ GD&ĐT và Trường Đại học (ĐH) Nông Lâm TP.HCM tổ chức tọa đàm Kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp của sinh viên (SV) các ngành thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp: thực trạng và giải pháp lồng ghép vào chương trình đào tạo đại học.

Tại đây, các chuyên gia đã thẳng thắn chia sẻ nhiều khó khăn, thách thức cũng như kinh nghiệm, giải pháp liên quan đến vấn đề khởi nghiệp cho SV ở nhóm ngành này.

Đại diện Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết theo một phân tích trên cơ sở thống kê chương trình đào tạo các ngành nông lâm ngư nghiệp của 28 cơ sở ĐH, chỉ có 14/48 chương trình đào tạo đưa kiến thức khởi nghiệp, lập nghiệp vào trong yêu cầu của chuẩn đầu ra (chiếm 29,16%). Chỉ 37,5% chương trình đào tạo nhóm ngành này hiện có các môn học liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc hình thành năng lực và kiến thức khởi nghiệp, lập nghiệp trong lĩnh vực đào tạo.

Khảo sát lấy ý kiến của 901 SV, 96 giảng viên và 85 cán bộ quản lý, đa số đều đánh giá cao sự cần thiết của việc lồng ghép kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp trong chương trình. Các SV cho biết gặp nhiều khó khăn vì thiếu kiến thức kinh doanh, kinh nghiệm làm việc, ngoại ngữ kém, thiếu kỹ năng mềm…

Chia sẻ thực tế tại Trường ĐH Đà Lạt, bà Cao Thị Làn, Trưởng khoa Nông lâm nhìn nhận, SV ở trường còn rất thiếu kỹ năng cần thiết cho khởi nghiệp như kỹ năng ủy quyền, đàm phán, lãnh đạo, quản lý nhân sự, hoạch định chiến lược ngắn hạn…

Hơn nữa, đa số SV sinh ra ở nông thôn nên điều kiện kinh tế eo hẹp, khó có nguồn vốn để khởi nghiệp, tư tưởng thụ động, nhút nhát, chưa đủ đam mê. Bên cạnh đó, các SV thiếu hệ sinh thái khởi nghiệp, ngay trong trường cũng chưa có gương SV khởi nghiệp thành công để các em học hỏi theo.

tọa đàm về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp của sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp

Ông Đỗ Xuân Hồng chia sẻ tại tọa đàm về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp của sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Ảnh: P.A

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Đỗ Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cũng thẳng thắn khi nêu thực tế các trường đào tạo ngành nông nghiệp hiện khó thu hút giới trẻ. Cụ thể theo thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là 50,7 triệu người nhưng chỉ có khoảng 29% đang tham gia làm việc trong ngành nông nghiệp. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020, các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyển sinh được hơn 52.000 sinh viên bậc ĐH, giảm 35% so với giai đoạn 5 năm trước đó.

Bên cạnh đó, theo ông Hồng, giới trẻ ngày nay có góc nhìn rất khác về khởi nghiệp. Cụ thể, trong một khảo sát nhanh với hơn 3.100 sinh viên, có 2/3 sinh viên cho rằng đang cân nhắc việc có khởi sự kinh doanh hay không, kế đến là có 26,5% em lựa chọn phương án “ủng hộ tinh thần khởi nghiệp nhưng nó không dành cho tôi”.

Tuy nhiên, ông Hồng cho biết, thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp của SV ở trường rất sôi động, nhiều dự án dành các giải thưởng lớn, thu hút được đầu tư…. Chia sẻ kinh nghiệm này, ông Hồng cho rằng trường đã chú trọng và đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ 15 năm nay. Trong 5 năm qua, trường đã triển khai 18 chương trình đào tạo được lồng ghép kiến thức khởi nghiệp để giảng dạy cho SV. Bên cạnh đó, trường còn đưa SV đi thực tế tại doanh nghiệp, tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ, SV; tổ chức các hội thảo có sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để nâng cao kỹ năng khởi nghiệp, hình thành các câu lạc bộ khởi nghiệp trong trường…

Đại diện doanh nghiệp, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty tư vấn tái cấu trúc và chuyển đổi số cũng bày tỏ: “Ngành nông, lâm, ngư nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, có thị trường khổng lồ nhưng thực tế tuyển sinh nhóm ngành này rất đáng buồn, khó tuyển sinh, tuyển được chất lượng cũng thấp, thậm chí điểm chuẩn thấp nhất trong các ngành đào tạo”.

Theo ông Tuấn, nguyên nhân là công tác hướng nghiệp cho học sinh không những quá chậm mà còn yếu. “Đáng lẽ, các em phải được định hướng nghề nghiệp từ lớp 10, 11 chứ không phải chờ đến ngày hội tuyển sinh mới biết. Do đó, nhiều em e dè chọn ngành này vì gia đình làm nông, cho tiền ăn học ĐH rồi ra trường làm nông nữa thì có gì đó sai sai. Đó là do các em không được hiểu sớm và đúng” - ông Tuấn nói.

Ông Vũ Anh Tuấn trao đổi tại tọa đàm về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp của sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Ảnh: P.A

Ông Vũ Anh Tuấn trao đổi tại tọa đàm về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp của sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Ảnh: P.A

Về đào tạo, ông Tuấn cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp cần ba yếu tố, đào tạo, kết nối và tiền. Trong chương trình đào tạo, SV cần phải được định hướng đúng về khởi nghiệp, cơ hội và xu hướng phát triển của nhóm ngành này. Bởi trong sự phát triển công nghệ số hiện nay, ngành nông nghiệp cũng cần ứng dụng công nghệ. Người nông dân được tri thức hóa, đồng thời có thể kết hợp với các ngành khác để phát triển hơn như kết hợp với giáo dục, du lịch, y tế, cộng đồng…

Theo ông Tuấn, SV cần được trang bị tinh thần sẵn sàng khởi nghiệp, thiết kế dự án để tiếp nhận đầu tư. Khi tạo ra được sản phẩm, cơ sở đào tạo sử dụng các nguồn lực để hỗ trợ tiền cho các em hoàn thiện sản phẩm sao cho tinh vi, đẹp mắt, thu hút đầu tư, nếu để các em tự làm sẽ rất khó.

Sinh viên cần được dạy kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp

Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT đề xuất các cơ sở đào tạo có đào tạo ngành nông, lâm, ngư nghiệp cần nghiên cứu đưa nội dung về kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho sinh viên vào chương trình đào tạo. Nếu đủ điều kiện, cơ sở có thể phát triển chương trình riêng với môn học độc lập.

Để làm được, các cơ sở cần đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu đội ngũ giảng viên thực hiện nội dung này. Đồng thời, thiết lập đội ngũ chuyên gia, doanh nghiệp về lĩnh vực khởi nghiệp để tạo nguồn nhân lực, tài chính hỗ trợ việc khởi nghiệp cho SV.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm