Sinh viên thực tập bị bỏ rơi

Thông thường, kỳ thực tập cuối khóa học của sinh viên các trường ĐH được tính điểm của một học kỳ, tức bằng 1/8 (đối với hệ bốn năm) hoặc bằng 1/10 (đối với hệ năm năm) kết quả tấm bằng tốt nghiệp. Kỳ thực tập còn là tiền đề cho sự nghiệp sau này. Thế nhưng việc thực tập của sinh viên nhiều trường đang ở thế “chống chế cho có” khiến sinh viên như bị bỏ rơi trong các cơ quan, doanh nghiệp. Từ đó dẫn đến tâm lý chán nản với nghề ngay từ khi chưa bước chân ra khỏi giảng đường ĐH.

Nỗi buồn mang tên “thực tập”

Nhiều sinh viên đi thực tập không biết mình đã “được gì” khi các bạn chỉ như quả bóng đá qua đá lại giữa nhà trường và doanh nghiệp. Doanh nghiệp không mặn mà nhưng “nể” nên nhận. Còn nhà trường: Sinh viên không có kết quả thực tập - bị giữ lại. Vì vậy, nhiều sinh viên cam chịu cảnh làm công việc pha trà, rót nước để được chứng nhận thực tập tốt. Lại có những sinh viên không cam lòng đành nghĩ ra những chiêu thức để trốn thực tập nhưng vẫn có thể vượt qua một cách dễ dàng. Nhiều bạn rơi vào trạng thái tâm lý mệt mỏi, hoang mang và thất vọng về nghề nghiệp và công việc của mình.

Sinh viên N.T.T, Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM, ngán ngẩm khi kể: “Trường mình có 11 bạn vào thực tập tại UBND quận X. Lúc đầu, bọn mình háo hức lắm nhưng sau khi được phân về các phòng, ban, người hướng dẫn không chỉ bảo nên chả biết làm gì. Các cô chú trong phòng thỉnh thoảng lại nhìn bọn mình rồi hỏi nhau “Ai đây, vào làm gì?” khiến bọn mình như người thừa”.

Còn K.T.B lại bảo: “Mình đi thực tập được hai hôm, chị trưởng phòng gọi lên nói thẳng là mình cứ về đi, dành thời gian mà học thêm cái gì đó, lúc nào viết báo cáo thì đến, chị cung cấp số liệu và ký cho. Không biết chị ấy nghĩ gì nữa, thực tập là khoảng thời gian mình chờ đợi suốt cả mấy năm trời mà giờ chị nói thế như hất nước vào mặt, chả lẽ ngày mai mình còn dám đến tiếp”.

“Đến để làm gì khi mình trở thành người thừa trong cơ quan kia chứ. Chỉ đọc báo và nhìn đồng hồ, hết giờ thì về” - một sinh viên Trường ĐH KHXH&NV thất vọng khi kể về kỳ thực tập vừa rồi.

Khỏi cần thực tập, chỉ cần quen biết!

N.T.K sinh viên khoa Kinh tế ĐHQG TP.HCM nói vậy. Sau nhiều tháng mong chờ, bạn được vào thực tập tại một doanh nghiệp ở Thủ Đức. Vào làm được mấy ngày, T.K cảm thấy chán nản vì công việc chính chỉ là ngồi chơi xơi nước, hết giờ thì về, lúc nào được sếp tín nhiệm lắm thì đi pha trà, rót nước hay chạy đi phôtô tài liệu cho thư ký của sếp. Quá nản vì bị bỏ rơi, không biết mình phải làm gì và cũng không có ai hướng dẫn, T.K đành bỏ về quê sau khi được người họ hàng làm giám đốc một doanh nghiệp hứa sẽ chứng nhận kết quả thực tập tại công ty của ông ấy.

Về chơi vi vu suốt mấy tháng trời, không quan tâm đến việc thực tập, đùng một cái nhà trường yêu cầu phải nộp gấp đề cương báo cáo kết quả, T.K mới cuống quýt. Thế là T.K liền nhắn tin “nhờ vả” ông chú. Đáp lại tin nhắn đó, ông chú bảo thư ký gọi lại xin địa chỉ e-mail của T.K và ngay lập tức gửi toàn bộ nội dung mà T.K đang cần.

Sau khi đồng ý không đưa tên lên báo, T.K đã dẫn tôi đến công ty của ông chú họ để xác thực lại thông tin. Vừa gặp tôi, ông giám đốc “người nhà” của T.K đã hỏi ngay: “Cháu cũng muốn xin chứng thực à? Vào đi, chú bảo trợ lý giúp cho cả hai. Xin số liệu và chứng thực thì dễ chứ mấy đứa đến đây thực tập vừa mất thời gian các cháu, lại làm cho công ty của chú rối thêm”. Rồi ông gọi trợ lý đến và sẵn sàng trả lời bất cứ nội dung số liệu gì mà chúng tôi cần.

Không chỉ có T.K mà nhiều sinh viên trông cậy vào công ty, cơ quan “người nhà” như một chiêu thức để trốn thực tập. Thậm chí có những sinh viên không quen biết các công ty nhưng thông qua bạn mình nên cùng lúc có thể chứng thực cả chục bộ hồ sơ. Cũng bởi nguyên nhân sinh viên háo hức chờ thực tập nhưng rồi thất vọng vì bị bỏ rơi nên trong đợt thực tập vừa rồi, tại khoa Kinh tế ĐHQG TP.HCM có tới hơn 30 sinh viên bị kỷ luật do “tự ý chuyển công ty”. Đó là chưa tính đến những sinh viên ngay từ đầu đã chọn công ty “người nhà” để gửi gắm.

Thấy tôi băn khoăn về chất lượng thực tập, T.K bộc bạch: “Nghĩ cũng buồn nhưng đến cơ quan thì thành người thừa, các cô chú bảo không cần phải đến, chỉ việc đến và xin mấy số liệu giả mà các anh chị trong công ty nghĩ ra vì họ không thể đưa số liệu thực của công ty. Báo cáo của bọn mình làm toàn báo cáo dối nhưng miễn sao mọi người đều hài lòng về cái báo cáo dối đó là được rồi....”.

Anh Vũ Hữu Thành, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Tập đoàn Đại Việt:

Sinh viên thực tập, rối quy trình làm việc!

Doanh nghiệp có nhiều lý do khi không muốn tiếp nhận sinh viên thực tập, bởi lẽ nếu nhận thì công ty phải cử người hướng dẫn khiến công việc bị cản trở, quy trình làm việc bỗng dưng bị rối. Bên cạnh đó, mục đích chính của doanh nghiệp là tạo ra lợi nhuận nhưng hạn chế của sinh viên là chưa có thực tiễn nên không giúp ích được nhiều cho doanh nghiệp. Đó là chưa kể một số vị trí thực tập liên quan đến kế toán, nhân viên kinh doanh nên dễ bị lộ bí mật kinh doanh. Bởi thế đa phần sinh viên khi đi thực tập đều không được tiếp cận với công việc, không có thêm kinh nghiệm về nghề nghiệp, dễ bị rơi vào trạng thái mệt mỏi, chán nản và thất vọng.

ThS Trần Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và Sinh viên - khoa Kinh tế, ĐHQG TP.HCM:

Cần phân bổ lại thời gian thực tập

Việc giảng dạy cho sinh viên hiện nặng về lý thuyết, ít có thực hành. Đây cũng là khó khăn chung của ngành giáo dục mà các cơ quan, doanh nghiệp cần chia sẻ. Thông qua kỳ thực tập, cơ quan, doanh nghiệp có thể thấy đâu là điểm yếu trong quá trình đào tạo, đâu là những yêu cầu thực tiễn mà sinh viên chưa đáp ứng được để góp ý cho nhà trường. Trên cơ sở đó, các trường sẽ điều chỉnh chương trình đào tạo, giúp doanh nghiệp có chất lượng đầu ra tốt hơn mà không cần phải tái đào tạo nhiều như hiện nay.

Bên cạnh đó, việc phân bổ thời gian thực tập của sinh viên cũng cần thay đổi. Hiện nay, thời gian thực tập của sinh viên trước khi ra trường đều rơi vào từ tháng 2 đến tháng 5 nên cùng một lúc, các cơ quan, doanh nghiệp phải tiếp nhận khá nhiều sinh viên. Có những cơ quan, doanh nghiệp phải ôm đồm đến hơn 20 sinh viên vào thực tập nên không có người hướng dẫn, làm cho chất lượng của sinh viên thực tập kém hiệu quả, thậm chí có nhiều sinh viên bị bỏ rơi, quên lãng.

HÀN GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm