Cái khiến người ta bàn tán và cảm thấy vừa nực cười vừa phẫn nộ là mức phạt 200.000 đồng dành cho người thực hiện hành vi này.
Đồng ý là khó khép tội hiếp dâm nhưng bất cứ ai cũng có thể thấy đây là mức phạt nhẹ như không, không khác gì gãi ngứa so với hành vi xúc phạm nặng nề thân thể, tinh thần người khác, chà đạp đạo đức lẫn kỷ cương công sở. Chưa kể nếu nạn nhân không chống cự quyết liệt, không biết người này còn lấn tới đến đâu.
Theo báo cáo nghiên cứu về quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc ở Việt Nam của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy có đến 78,2% nạn nhân bị QRTD là nữ giới, quen biết người quấy rối thông qua các mối quan hệ như đồng nghiệp, cấp trên và cấp dưới hoặc người có khả năng chi phối, gây áp lực cho mình. Vấn đề là hầu hết trong số 78,2% này không tố cáo kẻ quấy rối.
Tất cả điều trên bộc lộ một thực trạng là án QRTD nơi công sở dù rất nhức nhối nhưng chế tài xử lý không tương xứng với những tổn thương của nạn nhân.
Vụ việc ở Triệu Phong là trường hợp hiếm hoi nạn nhân chịu tố cáo và may là cơ quan chức năng xử lý được. Thế nhưng tố cáo làm gì để phải giải trình, điều tra lên xuống, chịu đựng tai tiếng, gợi đi gợi lại cơn uất ức để phạt được kẻ xấu xa kia 200.000 đồng? 200.000 đồng - một số tiền ít ỏi đến mức nếu có làm rớt ngoài đường hẳn người ta sẽ quên ngay lập tức. Người bị phạt liệu có sợ không? Chắc chắn không và những kẻ đã, đang manh nha thực hiện hành vi tương tự có khi còn cười khẩy.
Nếu có điều gì đó bất tương xứng đến tận cùng thì đây chính là một ví dụ điển hình. Một bên là 200.000 đồng nhẹ như lông vịt với kẻ sàm sỡ và bên kia là người phụ nữ đau đớn vì bị tấn công thô bạo, bị cưỡng hôn, sờ soạng, bịt miệng, cào cấu… và cơn sang chấn tâm lý kéo dài khó dứt về sau.
Lỗ hổng của pháp lý này khiến cho ngay cả trong trường hợp nạn nhân mạnh dạn tố cáo, kẻ xấu thừa nhận hành vi thì mức phạt vẫn chỉ như đùa. Có cái gì đó thật khập khiễng, thật nhói lòng trong những vụ việc liên quan đến QRTD. Vốn dĩ đã rất khó xử, vốn dĩ hình phạt nào thì hậu quả cũng không thể khắc phục, vết sẹo tinh thần, thể xác chẳng thể nào lành, vậy mà khi giấy trắng, mực đen đã rõ ràng rồi thì thiết chế pháp luật lại vừa lỏng vừa hụt như vậy đấy!