Sở GD&ĐT TP.HCM phải giải trình thù lao làm sách

Ngày 6-12, UBND TP.HCM đã có công văn khẩn gửi tới Sở GD&ĐT yêu cầu sở giải trình về các nội dung trong bài “NXB Giáo dục chi thù lao hằng tháng cho lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM” đăng trên báo Thanh Niên ngày 5-12.

Theo đó, công văn khẩn nêu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm yêu cầu Sở GD&ĐT giải trình các nội dung đề cập trong bài báo, báo cáo Thường trực UBND trước ngày 8-12.

Trước đó, ngày 5-12, báo Thanh Niên cùng nhiều tờ báo khác, trong đó có Pháp Luật TP.HCM đã đưa thông tin: NXB Giáo dục Việt Nam có tới hai quyết định chi thù lao biên soạn  sách giáo khoa (SGK) hằng tháng (2,5-6 triệu đồng/người) cho hàng chục người, từ lãnh đạo đến chuyên viên của Sở GD&ĐT TP.HCM từ năm 2015 đến nay.

Cụ thể, từ năm 2015 đến 2018, NXB Giáo dục Việt Nam có hai quyết định chi thù lao cho ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK miền Nam, trong đó hầu hết là lãnh đạo và cán bộ, chuyên viên của Sở GD&ĐT TP.HCM. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc, nhận 6 triệu đồng/tháng, những người khác nhận 2,5-5 triệu đồng/tháng.

Đại biểu xem bộ sách Chân trời sáng tạo được trưng bày tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập NXB Giáo dục Việt Nam tại TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Quyên

Trong ngày 6-12, trả lời báo chí về những vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, khẳng định: “Thù lao mà NXB Giáo dục chi cho cán bộ, chuyên viên Sở GD&ĐT TP.HCM là thù lao việc sở hỗ trợ NXB về công tác chuyên môn, tổ chức đội ngũ tác giả, chuyên gia tư vấn... trong quá trình biên soạn bộ SGK mới. Đây không phải là thù lao cho cán bộ sở để làm công tác phát hành sách”.

Sở chỉ đề nghị nhà trường phải nghiên cứu điều kiện cụ thể của trường, khả năng tiếp thu của học sinh, khả năng của giáo viên để lựa chọn sách cho phù hợp. Hiệu trưởng phải nắm rõ chuyên môn và tổ chức được hội đồng lựa chọn sách, lấy ý kiến tư vấn, tham mưu trước khi quyết định lựa chọn.

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Phó Giám đốc  Sở GD&ĐT TP.HCM 

Về việc biên soạn bộ sách Chân trời sáng tạo, ông Nguyễn Văn Hiếu lý giải: Theo quy định, các sở GD&ĐT không thể độc lập viết sách mà phải phối hợp với các NXB. Do đó, khi Nghị quyết 88 của Quốc hội ra đời và được bộ phê quyệt, NXB Giáo dục Việt Nam và Sở GD&ĐT đã bắt tay thực hiện làm sách ngay. “Chúng tôi đã có kế hoạch lựa chọn các tác giả là những giáo viên giỏi, có kinh nghiệm và tâm huyết trong việc làm SGK, cùng với đội ngũ chuyên gia đầu ngành ở các trường đại học của TP.HCM. Do đó, ngay từ đầu chúng tôi đã có chủ trương, định hướng làm sao để bộ sách phải đáp ứng được các yêu cầu là học sinh phải tự học được và giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng các hoạt động trong tiết dạy…

Nói về bộ sách mới, ông Hiếu cho rằng đặc điểm của bộ sách này là theo đặc trưng miền Nam về hình ảnh, ngôn từ và nội dung đảm bảo được chương trình giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ GD&ĐT. Do đó, sách sẽ phù hợp với các trường và thuận lợi trong việc giảng dạy, không chỉ tại TP.HCM mà có thể cả các tỉnh lân cận.

Về việc lựa chọn SGK, ông Hiếu cho hay theo dự thảo thông tư về việc chọn SGK mà Bộ GD&ĐT đang soạn thảo, năm học tới các trường học sẽ tự lựa chọn. “Tôi cho rằng nhận xét của giáo viên là quan trọng nhất. Cho dù bộ sách đó có sự tham gia của giáo viên, cán bộ quản lý hay không thì cũng sẽ không có áp lực nào. Chúng tôi rất tôn trọng và tin tưởng sự lựa chọn của các thầy cô. Và việc lựa chọn của các trường trong năm học tới cũng chính là thể hiện sự chủ động, tự chủ của các trường. Tôi cam đoan sẽ không có một áp lực nào và phụ huynh học sinh hãy tin tưởng vào sự lựa chọn của thầy cô, nhà trường” - ông Hiếu khẳng định.

Bộ GD&ĐT có ý kiến về việc NXB Giáo dục Việt Nam chi thù lao làm sách

Trước những thông tin về việc NXB Giáo dục Việt Nam trả thù lao cho một số cán bộ Sở GD&ĐT TP.HCM để biên soạn SGK mới, Bộ GD&ĐT dẫn quy định của Luật Xuất bản. Theo đó, tổng giám đốc NXB phải chịu trách nhiệm về đối tác, hình thức liên kết và giao kết hợp đồng liên kết đối với từng xuất bản phẩm (ở đây là SGK).

Trách nhiệm của đối tác (cá nhân, tổ chức) liên kết xuất bản với NXB đã được quy định trong Luật Xuất bản và các quy định có liên quan của pháp luật.

Ngoài ra, nếu đối tác liên kết xuất bản là cán bộ, công chức nhà nước thì phải tuân thủ các quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Phòng, chống tham nhũng...; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng tránh sự xung đột về lợi ích có thể xảy ra.

Trong trường hợp này, NXB Giáo dục Việt Nam và Sở GD&ĐT TP.HCM có trách nhiệm giải trình cụ thể về việc mà báo chí đã nêu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm