Trả lời dư luận, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cho rằng: NXB phối hợp với Sở GD&ĐT TP.HCM để tập hợp đội ngũ nhà giáo, chuyên gia, học giả có kinh nghiệm, với nhiệm vụ định hướng chuyên môn, phối hợp tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, hội thảo,… cho đội ngũ tác giả; thực hiện góp ý, chỉnh sửa nội dung của các bản thảo,… Các thành viên ban chỉ đạo đảm nhiệm những phần công việc liên quan khác nhau, với tính chất mức độ khác nhau và phải hoàn thành theo yêu cầu bên cạnh công việc chuyên môn thường xuyên. Trên cơ sở đó, NXB Giáo dục Việt Nam cân đối tính toán mức thù lao phù hợp từ nguồn kinh phí của mình.
Theo NXB, việc hợp tác như vậy là bình thường. Việc chi trả thù lao cũng là bình thường.
Nếu xét đơn thuần đây là hoạt động liên kết, hợp tác giữa NXB và các cán bộ có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm quản lý để huy động được trí tuệ của nhiều người, nhiều giới góp phần bảo đảm chất lượng bộ sách sắp ra đời thì đúng là có thể coi đó là bình thường. Các vị tham gia hợp tác với NXB thực sự bỏ công sức, chất xám đóng góp cho quá trình soạn thảo thì đương nhiên được nhận thù lao, tương tự như các thầy cô giáo tham gia soạn sách được chi trả nhuận bút, bảo đảm quyền tác giả…
Thế nhưng qua mô tả công việc của các thành viên ban chỉ đạo từ ý kiến của đại diện NXB, dư luận băn khoăn việc trả thù lao này có bình thường không khi mức chi trả phụ thuộc vào chức vụ, việc chi thù lao lại diễn ra đều đặn hằng tháng, như chi thêm lương?
Lại nữa, quan trọng hơn, việc hợp tác giữa NXB và các quan chức quản lý giáo dục của TP.HCM lại diễn ra trong bối cảnh chuẩn bị thực hiện chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK, các địa phương, các trường được quyền lựa chọn những bộ SGK mà mình cho là chất lượng nhất, tức là có sự cạnh tranh gay gắt, quyết liệt trong việc lựa chọn một bộ SGK trong nhiều bộ sách được đưa ra tham khảo.
Sự hợp tác giữa một NXB với một Sở GD&ĐT địa phương, lại là địa phương có thị phần SGK lớn nhất liệu có thể coi là không nhắm tới mục tiêu tác động, tạo ra sự thiên vị, thiên lệch trong lựa chọn bộ SGK ở các trường của địa phương? Các trường ở TP.HCM sẽ chọn SGK như thế nào khi mà có hẳn một bộ sách của TP.HCM, do TP.HCM biên soạn, với ban chỉ đạo biên soạn là các cán bộ lãnh đạo, quản lý của Sở GD&ĐT TP.HCM? Liệu việc liên kết này có trở thành sự đặt định đối với các trường ở TP.HCM khi họ được ở vai trò lựa chọn SGK cho năm học tới? Khả năng sẽ ảnh hưởng, tác động ra sao đối với việc chọn sách của các trường ở TP.HCM...?
Câu hỏi rất cần NXB Giáo dục Việt Nam và Sở GD&ĐT TP.HCM trả lời.