Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã gửi Sở Tài chính đề xuất chủ trương điều chỉnh chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, trợ giá các tuyến xe buýt năm 2021 do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Lý giải về việc này, Sở GTVT cho biết dịch COVID-19 kéo dài khiến hoạt động vận tải bằng xe buýt bị ảnh hưởng do phải thực hiện giãn cách xã hội, người dân hạn chế tụ tập đông người. Học sinh, sinh viên từ học tập trực tiếp sang học trực tuyến nên lượng người sử dụng xe buýt giảm đáng kể.
|
Sở GTVT TP xin thêm hơn 44 tỉ đồng để bổ sung cho các tuyến xe buýt có trợ giá. Ảnh: ĐT |
Thời gian đó, hệ thống xe buýt vừa phải thực hiện giảm tần suất, giảm sức chứa và có giai đoạn giảm hoàn toàn do diễn biến dịch căng thẳng. Hoạt động trên được thực hiện theo chỉ đạo, quy định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch.
Từ ngày 20-6-2021 đến ngày 15-1-2022, hệ thống xe buýt TP từng bước khôi phục. Tuy nhiên, lượng hành khách giảm mạnh do việc giãn cách trên phương tiện và tâm lý e ngại của hành khách... dẫn đến việc thực hiện chỉ tiêu sản lượng theo kế hoạch được giao trên các tuyến xe buýt có trợ giá không đạt.
Cụ thể, bình quân trên chuyến chỉ đạt 6,1 hành khách, đạt 16,6% so với bình quân hành khách/chuyến so với kế hoạch thương thảo hợp đồng năm 2021.
Vì vậy, để giải quyết các khó khăn cho các đơn vị vận tải, Sở GTVT đề xuất chủ trương điều chỉnh chỉ tiêu sản lượng hành khách/chuyến toàn hệ thống theo giai đoạn (từ ngày 1-5 đến 19-6-2021 và từ 5-10 đến 31-12-2021).
Sở GTVT kiến nghị Sở Tài chính thống nhất, trình UBND TP chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh chỉ tiêu sản lượng, doanh thu và bổ sung kinh phí trợ giá năm 2021 là 44,6 tỉ đồng. Việc bổ sung trợ giá này nhằm ổn định hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Trao đổi với PLOvề việc vì sao trợ giá xe buýt năm 2021 song đến năm 2023 mới được kiến nghị, bổ sung, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết việc thống kê, trình hồ sơ thẩm định qua nhiều sở, ngành nên bị kéo dài thời gian.