Soi sức mạnh pháo phản lực 'Bão táp' BM-27 Uragan mà cả Nga và Ukraine dùng để tấn công nhau

(PLO)- BM-27 Uragan (Bão táp) có từ thời Liên Xô là một trong những tổ hợp pháo phản lực bắn loạt điển hình được cả Nga và Ukraine sử dụng trong cuộc xung đột hiện nay giữa hai nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

BM-27 Uragan (Bão táp) có từ thời Liên Xô là một trong những tổ hợp pháo phản lực bắn loạt điển hình được cả Nga và Ukraine sử dụng trong cuộc xung đột hiện nay giữa hai nước.

Mặc dù được chế tạo từ thời Liên Xô song BM-27 Uragan được cả Nga và Ukraine sử dụng trong nhiều giai đoạn khác nhau của cuộc chiến, theo trang 19fortyfive.

Được biết đến với tên gọi khác của Nga là 9P140, pháo phản lực bắn loạt BM-27 Uragan do công ty NPO Splav sản xuất. Đây cũng là nhà sản xuất các hệ thống pháo phản lực bắn loạt (MLRS) khác của Nga.

Hệ thống BM-27 Uragan có khả năng bắn các đạn phản lực 220 mm từ 16 ống phóng đặt trên khung gầm xe tải ZiL-135 8x8. Tổ hợp BM-27 Uragan có tầm bắn từ 35 km đến 40 km.

Hệ thống pháo phản lực bắn loạt BM-27 của Nga được bọc giáp kim loại ứng biến tại khu vực Chernihiv của Ukraine hồi tháng 3. Ảnh: Ukrainian Ministry of Defese/www.mil.gov.ua

Hệ thống pháo phản lực bắn loạt BM-27 của Nga được bọc giáp kim loại ứng biến tại khu vực Chernihiv của Ukraine hồi tháng 3. Ảnh: Ukrainian Ministry of Defese/www.mil.gov.ua

Một đạn rocket BM-27 tiêu chuẩn dài 4,8 m, nặng 280 kg, với đầu nạng nặng 90 kg-100 kg tùy loại.

Hệ thống có thể bắn nhiều loại đạn gồm đạn huấn luyện, đạn nổ mảnh (HE-FRAG), đạn hóa học, đạn cháy, đạn nhiệt áp, đạn chùm với chức năng chống tăng và diệt bộ binh.

Chỉ mất khoảng 3 phút để hệ thống pháo phản lực BM-27 Uragan vào vị trí khai hỏa. Nó có thể phóng toàn bộ 16 quả đạn rocket theo loạt chỉ trong 20 giây, tái nạp mất 15-20 phút với phạm vi sát thương lên tới 4,3 hecta.

BM-27 Uragan có thể được vận chuyển bằng các máy bay vận tải quân sự như Il-76, An-22 hay An-124.

Cho đến cuối những năm 1980, BM-27 Uragan là hệ thống mạnh nhất và lớn nhất thuộc loại pháo phản lực bắn loạt đang biên chế.

BM-27 Uragan đã tham gia các cuộc can thiệp quân sự của Liên Xô tại Afghanistan, trong cuộc chiến tranh Chechnya và xung đột Nga-Georgia. Tổ hợp pháo phản lực này cũng được quân đội Syria sử dụng trong giai đoạn đầu cuộc chiến chống Israel vào đầu những năm 1980.

Việc phát triển tổ hợp BM-27 Uragan bắt đầu vào thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh nhằm thay thế pháo phản lực bắn loạt BM-21 Grad đã cũ. Cả tổ hợp Uragan và Grad đều là “hậu duệ” của pháo phản lực bắn loạt BM-13 Katyusha vốn nổi tiếng trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Quân đội Ukraine khai hỏa hệ thống pháo phản lực bắn loạt BM-21 gần thị trấn Lysychansk thuộc tỉnh Luhansk hồi tháng 6. Ảnh: Gleb Garanich/REUTERS

Quân đội Ukraine khai hỏa hệ thống pháo phản lực bắn loạt BM-21 gần thị trấn Lysychansk thuộc tỉnh Luhansk hồi tháng 6. Ảnh: Gleb Garanich/REUTERS

Việc phát triển toàn diện tổ hợp BM-27 Uragan diễn ra năm 1969 và nguyên mẫu đầu tiên được chế tạo năm 1972. Năm 1975, BM-27 được Liên Xô đưa vào biên chế, sau này được nhiều quốc gia hậu Xô Viết sử dụng, gồm cả Nga và Ukraine.

Do pháo phản lực BM-27 Uragan có từ thời Liên Xô, cả Nga và Ukraine đều nỗ lực hiện đại hóa loại vũ khí này. Phiên bản nâng cấp BM-27M gồm nhiều cải tiến như tầm bắn (có thể lên tới 120 km theo các nguồn tin ở Nga), có khả năng bắn đạn rocket 300 mm cùng với đạn rocket 220 mm, công nghệ dẫn đường cải tiến, và động cơ mạnh hơn bên trong khung gầm xe tải.

Ukraine cũng đã thực hiện nhiều nỗ lực để hiện đại hóa kho BM-27 Uragan của nước này, trong đó bao gồm các cải tiến về tầm bắn, số hóa hệ thống điểu khiển hỏa lực của hệ thống.

Mặc dù có lịch sử phục vụ lâu dài trong biên chế của Liên Xô và Nga, song BM-27 Uragan có thể vẫn sẽ nằm trong kho vũ khí của Nga trong nhiều năm tới do Moscow có chương trình hiện đại hóa sâu rộng hệ thống này. Trong khi đó nhiều khả năng Ukraine sẽ dừng sử dụng tổ hợp pháo phản lực này sau khi cuộc giao tranh ác liệt giữa hai nước dần kết thúc, vì ngày càng khó có được đạn pháo thời Liên Xô khi thời gian trôi qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm