Khi tình yêu chín mùi, nhiều đôi bạn đồng giới đã quyết định sống chung. Tuy nhiên, do chưa được pháp luật và xã hội công nhận nên bên cạnh niềm vui những bất an cũng bắt đầu thường trực trong ngôi nhà của họ.
Âm thầm góp gạo thổi cơm chung
Từ nhiều tháng nay, Thanh Phong, người quản lý một diễn đàn dành cho người đồng tính (www.newlife4u.vn), đã góp gạo thổi cơm chung với Ngọc Anh trong căn hộ tại đường Tân Kỳ Tân Quý. Hằng ngày, hai bạn đi làm, ai về trước thì nấu cơm cho cả hai. Thời gian còn lại họ dồn sức làm việc cho các dự án của diễn đàn.
Có quan niệm cho rằng tình cảm của người đồng tính không bền nhưng thực tế cho thấy có nhiều đôi yêu nhau rất chung thủy. TKT sau khi lấy bằng thạc sĩ ở Anh đã về Việt Nam góp tiền mua nhà sống chung với bạn đời hơn 10 năm nay. Cộng đồng người đồng tính tại TP.HCM đều rất ngưỡng mộ đôi bạn này về sự thủy chung và có nhiều hoạt động vì cộng đồng.
Không làm đám cưới rình rang, hai bạn đồng tính nữ (quận Tân Bình, TP.HCM) cũng đã được hai bên gia đình cho về sống chung nhà. Trước đó, cả hai bên gia đình can ngăn nhưng cuối cùng họ thừa nhận mối quan hệ này và tác hợp.
Thanh Phong và Ngọc Anh đang chuẩn bị bữa cơm chung cho gia đình nhỏ của mình. Ảnh: T.MẬN
Muốn có con rất khó
Tiếp xúc với hơn 10 cặp đôi đồng giới, chúng tôi nhận ra họ có những băn khoăn giống nhau. Có người sau thời gian sống chung đã xảy ra tranh chấp về tài sản và vì không chứng minh được tài sản đó là của mình nên đã chịu nhiều thiệt thòi. Nhiều người muốn có con nhưng lúng túng không biết làm sao.
TKT tâm sự: “Tôi nghĩ khi đã sống chung rồi thì tiền bạc ai làm ra thì cũng là của chung vì trong cuộc sống người đóng góp công sức, người đóng góp tiền bạc, rất khó phân minh. Đã yêu nhau không ai có thể giữ hóa đơn mua sắm để sau này đi kiện đòi nhau.
Nhiều năm nay, tôi cũng từng suy nghĩ rất nhiều về việc có con nhưng chần chừ mãi chưa làm vì thấy nhiều rủi ro rắc rối. Chúng tôi cần một người phụ nữ mang thai hộ. Phần tinh trùng thì có thể trộn lẫn hai người, ai được thì được, cũng đều tốt cả. Nhưng việc này ở Việt Nam chỉ làm cho các cặp vợ chồng hiếm muộn thôi. Chúng tôi cũng từng sang Thái Lan tìm cách làm thụ tinh ống nghiệm, nhờ một người phụ nữ mang thai giúp. Khi sinh con ra nếu họ ở Thái thì mình phải tìm cách xin con nuôi (hoặc làm đám cưới giả) và đưa con về nhưng việc này phức tạp quá. Tôi đã gợi ý người mang thai hộ sang Việt Nam sống và đẻ bên này nhưng họ không chịu. Tóm lại, mong muốn có con của chúng tôi đến bây giờ đành gác lại dù tôi đã 40 tuổi”.
Nỗi băn khoăn của anh T. cũng chính là nỗi lo chung của những cặp sống chung đồng giới.
Nên quy định giải quyết hậu quả sống chung? Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính (khoản 5 Điều 10). Kết hôn giữa những người cùng giới tính là vấn đề nhạy cảm còn nhiều quan điểm khác biệt nhau. Trên thế giới chỉ có một số ít nước, vùng lãnh thổ thừa nhận việc kết hôn này. Việt Nam trong thời gian gần đây, cộng đồng người đồng tính ngày càng có xu hướng mở rộng, cùng với nhu cầu kết hôn ngày một tăng lên. Xét về đảm bảo quyền tự do cá nhân thì việc kết hôn của những người đồng giới tính cần được công nhận. Tuy nhiên, xét về văn hóa, tập quán gia đình Việt Nam, tính nhạy cảm xã hội của vấn đề và hậu quả xã hội của quy định pháp luật chưa được dự báo hết, thì ở thời điểm này việc thừa nhận người cùng giới tính có quyền kết hôn với nhau ở Việt Nam là quá sớm. Do đó, quy định việc cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính tại khoản 5 Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình cần tiếp tục được quy định. Tuy nhiên, việc sống chung của những người cùng giới tính là một hiện tượng xã hội có thật, từ đó phát sinh những mối quan hệ nhân thân, tài sản hoặc về con (ví dụ nhận con nuôi). Pháp luật không công nhận hôn nhân của họ nhưng cũng phải có cơ chế pháp lý để điều chỉnh các hậu quả quan hệ nhân thân, tài sản hoặc về con từ việc chung sống của những người cùng giới tính. Thực tiễn xét xử của tòa án thời gian qua đã có một số vụ việc tranh chấp tài sản giữa những người đồng tính có quan hệ sống chung nhưng chưa có cơ sở pháp lý cụ thể để giải quyết tranh chấp. Pháp luật nhiều nước đã quy định về giải quyết hậu quả pháp lý của loại chung sống này. Đề nghị cho ý kiến đánh giá, Luật Hôn nhân và Gia đình có cần bổ sung quy định về hậu quả việc chung sống của những người cùng giới tính hay không? (Trích Danh mục một số định hướng về phạm vi, nội dung cho ý kiến đánh giá về những bất cập hạn chế trong quy định của Đồng giới cũng là một giới tính Đồng giới cũng là một giới chứ không chỉ nam giới và nữ giới thôi. Bản thân đồng giới không phải là bệnh hoạn hay sự sa đọa mà chỉ là sự hình thành tự nhiên. Đứng về quyền con người, họ phải có quyền như những người khác, trong đó có quyền được kết hôn. Luật pháp không công nhận thì việc chung sống giữa người đồng tính vẫn diễn ra và mối quan hệ này nằm ngoài vòng pháp luật. Chuyện sống chung của người đồng tính đang gặp hai rào cản: Một là luật pháp, hai là nhận thức xã hội. Vừa qua có đám cưới của một đôi đồng tính ở miền Tây, người thì ủng hộ, người thì phản đối. Trong văn hóa truyền thống, Nho giáo xem đồng tính là bệnh, là xấu. Đó là nhìn nhận sai bởi đồng tính không phải là bệnh, không do đua đòi mà ra. Không ai lại tự đi tìm đến một cửa hẹp để sống trắc trở. Hiện nay xã hội đã nhìn thoáng hơn nhưng vẫn chưa hết thành kiến. Tôi có quen một số người đồng tính, họ làm việc rất tốt, thông minh, mọi cái họ đều sắc sảo chỉ trừ xu hướng tình dục của họ khác tôi. Tôi có làm một phim về người đồng tính, họ cũng có những đau khổ, dằn vặt do thành kiến xã hội mang lại. Chúng ta nên có quy định để điều chỉnh cho người đồng giới có quyền và nghĩa vụ chung sống, tránh những rắc rối phát sinh mà luật pháp không với tới được sẽ gây thiệt cho ai đó. Khi luật pháp thừa nhận, nhận thức xã hội cũng sẽ theo đó mà điều chỉnh, xem họ như một giới bình thường. GS-TS NGÔ ĐỨC THỊNH, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam |
THANH MẬN
Bài 2: Hôn nhân đồng giới: Cho hay cấm?