Sống chung với ‘lũ thông tin’

Nhiều phát biểu tỏ ra lo lắng về sự phát triển nhanh của các trang mạng xã hội, nó như những cơn lũ thông tin tràn về. Những thông tin thượng vàng hạ cám, hỉ nộ ái ố, trái chiều, phiến diện tràn ngập không thể kiểm soát, vô tình hay cố ý gây nhiều ngộ nhận.Cũng có ý kiến ghi nhận những mặt tích cực của trang mạng xã hội khi đó là nơi người dân có thể dễ dàng đóng góp ý kiến phản biện đối với một số chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật của Nhà nước.

Theo ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, thì cấm trang mạng xã hội không phải là giải pháp cơ bản hiệu quả, mà các cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần “chung sống hòa bình” với mạng xã hội. Ông Nghiêm cũng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan quản lý báo chí sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý thông tin trên mạng để khai thác mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của các trang mạng xã hội để nó phát triển lành mạnh. Ông Vũ Đình Thường, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông cho rằng vai trò của mạng xã hội rất quan trọng và cần phải sống chung với nó.

Hoan hô ý kiến “sống chung với mạng xã hội” của hai vị lãnh đạo ngành truyền thông và tuyên giáo. Tôi chợt nhớ chủ trương “sống chung với lũ” của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Theo bài viết“Anh Sáu Dân, người thầy của tôi” in trong tập sách Võ Văn Kiệt trong lòng trí thức, Viện sĩ-GS Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Chủ tịch Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, thì tại hội nghị về chống lũ ở Đồng Tháp Mười tổ chức tại Cao Lãnh, Đồng Tháp năm 1995, sau khi lắng nghe các nhà khoa học nông nghiệp, thủy lợi đưa ra nhiều biện pháp chống lũ, ngăn lũ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đứng lên phát biểu tổng kết làm các nhà khoa học bất ngờ. Ông nói tại sao lại chống lũ, ngăn lũ trong khi lũ mang phù sa từ thượng nguồn sông Mê Kông về bồi đắp cho đồng ruộng ta, lũ mang cá, tôm từ Biển Hồ bên Campuchia về cho bà con nông dân ta... Không ngăn lũ, chống lũ mà sống chung với lũ. Ngày trước Thoại Ngọc Hầu cho đào kênh Vĩnh Tế để xả lũ ra vịnh Thái Lan, tại sao bây giờ chúng ta không tiếp tục khơi dòng, đào thêm kênh xả lũ ra biển Tây? Và từ năm 1998, con kênh T5 đào mới dài 40 km cùng với dòng kênh Vĩnh Tế khơi rộng và đắp bờ nam đã đưa nước lũ thoát ra vịnh Thái Lan sau khi nó bồi đắp phù sa cho vùng rốn lũ Đồng Tháp Mười cùng vô số nguồn lợi thủy sản. Và đó là một trong những tiền đề cho sản lượng gạo xuất khẩu hàng triệu tấn mỗi năm sau này. Sau khi ông Sáu Dân mất, kênh T5 được đổi thành kênh Võ Văn Kiệt để ghi nhớ người đưa ra quyết sách “sống chung với lũ”.

Bài học “sống chung với lũ” có thể áp dụng cho chuyện “sống chung với mạng xã hội” nếu biết khai thác những mặt tích cực của nó với những núi thông tin mà các cơ quan báo chí không phải mất tiền đầu tư.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm