“Với quy mô phát triển công nghiệp năng lượng như vậy, từ nay đến năm 2030, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ là nơi có mật độ nhà máy nhiệt điện rất cao. Cụ thể, từ Cần Thơ đến Trà Vinh chỉ khoảng 80 km đường sông nhưng có gần 10 nhà máy nhiệt điện nên trong tương lai đoạn sông này sẽ tấp nập tàu chở than đá cho nhà máy nhiệt điện. Ngoài các nhà máy dọc theo sông Hậu, ở ĐBSCL còn có các nhà máy nhiệt điện dự kiến được xây dựng tại Long An, Bạc Liêu và Cà Mau (nằm trong tổ hợp khí-điện-đạm)”. Ngày 10-8, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu thuộc ĐH Cần Thơ, nói với Pháp Luật TP.HCM.
Tiềm ẩn nguy cơ biến đổi hệ sinh thái
Ông Trần Đình Sinh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng Tạo Xanh (GreenID) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, cho rằng quy hoạch các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng quá dày đặc trong khi đây là công nghệ có nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Theo đó, hầu hết nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam dùng than làm nguyên liệu đốt nên nguy cơ ô nhiễm từ xỉ than rất cao. Cụ thể, tỉ lệ xỉ chiếm khoảng 1/3 khối lượng than. Vì vậy một nhà máy sử dụng 4 triệu tấn than/năm thì phát sinh khoảng 1,3 triệu tấn xỉ/năm. Trong khi đó ĐBSCL là vùng trũng thấp, không thể xây dựng các bãi chứa xỉ cao nên các bãi chứa xỉ sẽ chiếm diện tích đất lớn. Để đáp ứng yêu cầu này thì phải thu hồi đất nhiều và người dân địa phương sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Nhiều lo ngại khu vực ĐBSCL sẽ bị ô nhiễm nặng nề bởi các nhà máy nhiệt điện than. Trong ảnh: Tàu chở than cho nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, Trà Vinh. Ảnh: TRUNG THANH
“Trên lý thuyết, xỉ than có thể làm vật liệu xây dựng. Tuy vậy, ở Việt Nam trong nhiều năm qua chưa có những nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này nên việc tận dụng xỉ làm vật liệu xây dựng vẫn chưa rõ. Đó là chưa nói đến trong xỉ than cũng có những thành phần nguy hại như thủy ngân, acsen” - ông Sinh nói.
Ngoài ra, các nhà máy nhiệt điện than thường sử dụng một lượng nước lớn để làm mát máy và gây ra hệ quả khác. “Nước này không ô nhiễm nhưng khi xả ra sẽ nóng khoảng 40oC làm cá, tôm xung quanh không thể sống được. Hậu quả là môi trường sinh thái sẽ bị thay đổi. Ví dụ một cụm nhà máy nhiệt điện có công suất 1.200 MW sẽ sử dụng khoảng 4,7 triệu m3/nước ngày đêm và 95% lượng nước này được dùng làm mát máy. Một nhà máy đã thế nên với 10 hoặc 15 nhà máy thì mức độ ảnh hưởng sẽ rất lớn” - ông Sinh phân tích.
Không yên tâm với công nghệ Trung Quốc
PGS-TS Lê Anh Tuấn cho rằng công nghệ nhiệt điện than ở Việt Nam hiện nay vẫn còn lạc hậu. “Theo đánh giá của GS Lauri Myllivirta (ĐH Harvard, năm 2015), các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam đã phát thải lượng khí thải gấp 1,75 lần Trung Quốc (TQ); 3,5 lần Ấn Độ về khí SO2. Tương tự, lượng khí NOx thải ra cao gấp 4,5 lần cả TQ và Ấn Độ. Cho nên nếu không có cải tiến và giảm số dự án nhiệt điện than thì từ nay đến khoảng 15 năm nữa, mỗi năm có thể sẽ có hơn 25.000 người chết do ô nhiễm khói bụi từ nhiệt điện than” - ông Tuấn dẫn chứng.
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, các nhà máy nhiệt điện than dọc sông Hậu được xây dựng với các công nghệ tương đối mới, giảm thiểu phát thải hơn so với các nhà máy trước đó. Tuy nhiên, trước nguy cơ ô nhiễm không khí và nguồn nước, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu thì không thể yên tâm, nhất là khi nhiều nhà máy vẫn còn sử dụng công nghệ và thiết bị do TQ cung ứng.
“Hệ sinh thái sông-biển vùng Tây Nam Bộ rất nhạy cảm với những sự biến động tự nhiên và nhân tạo, sự cảnh báo của các nhà chuyên môn không bao giờ thừa, nhất là trong hoàn cảnh nhiều đề nghị công nghiệp hóa cho một vùng sản xuất nông ngư nghiệp chịu trách nhiệm an ninh lương thực bền vững cho cả nước” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Nhà máy nhiệt điện phát sinh khí thải độc hại Khí thải dạng SOx, NOx từ quá trình vận hành nhà máy nhiệt điện phát tán vào không khí sẽ bị ôxy hóa và gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường. Cụ thể, nếu không khí có độ ẩm cao, sương mù hay mưa sẽ tạo nên trận mưa acid gây ảnh hưởng xấu đến cây trồng, các loài thủy sản, các hệ sinh thái và làm ăn mòn vật liệu kim loại... Mùa mưa, gió mùa tây nam sẽ đưa các đám khói bụi từ các nhà máy nhiệt điện ở Cần Thơ, Hậu Giang đến các vùng ven biển Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang. Ngược lại, khi có gió chướng, gió mùa đông bắc sẽ mang khói bụi từ các nhà máy nhiệt điện ở Trà Vinh, Sóc Trăng vào sâu đất liền. PGS-TS LÊ ANH TUẤN, |