Sông lở gò bồi

Tôi lội qua đoạn ngoặt sông Vu Gia (Quảng Nam), chỗ bắt đầu sông Yên. Nơi đây hai năm trước vẫn còn là biền bắp. Sông đã lở mà thành đoạn ngoặt ấy... Biền bắp, đậu, dưa bây giờ phải thụt vào trong dễ chừng đến năm mét. Ngang qua đoạn sông lở, vết dấu còn lại chỉ là một cây cầu tre bắc qua con rạch nhỏ xíu, mà nay cây cầu tre ấy cũng không còn. Nhờ chuyện bê-tông hóa nông thôn, người ta đã thay vào đó đoạn cống bê-tông hẳn hoi. Hai bên vẫn bời bời đậu, ớt, thuốc, bắp... nhưng mất hết cái vẻ  thi vị của ngày xưa.

Gò Lớn xưa rộng khoảng 16 mẫu, bỏ hoang và cũng chỉ để chôn người chết, ít ai dám bén mảng đến. Sau giải phóng, đói quá, nhiều người rủ nhau lên gò rào giành đất trồng cây chuối nước. Dần dà bây giờ dưới chân gò, dân trồng thuốc lá và ớt, thêm được chút cải thiện đời sống.

Sông lở gò bồi ảnh 1

Sông Vu Gia lở bồi vào Gò Lớn. Cái gò lưa thưa mấy nấm mộ bây giờ cũng đã tự phát thành khu nghĩa địa chung của cả làng. Mấy năm trước, huyện quy hoạch khu nghĩa địa chung của thị trấn nên Gò Lớn không còn được chôn người chết nhưng mồ mả thì vẫn nguyên vậy, không di dời. Âu đó cũng là một cái may.

Nói là vậy nhưng thi thoảng vẫn còn người chôn vì thân nhân đã xí phần cách đó mươi năm bằng cách làm mộ gió. Mộ gió là nấm mộ được đắp lên nhưng không có ai nằm trong đấy cả. Chính quyền cũng làm ngơ cho dân chôn vì cái tình của người còn sống đối với nhau. Đó không biết có phải lại thêm một cái may? Bởi chôn kiểu đó thường gọi là chôn lén. Chôn lén là khiêng đám đi lặng lẽ, không trống kèn đưa linh, không cờ phướn chi cả.

Hai năm nay, làng tôi du nhập những ban kèn tây, cứ đưa đám tang là rình rang, inh ỏi như nổi trống trận, giống cả điệu trống duyệt binh, phừng phừng khắp ngõ trong ngõ ngoài. Thành ra, những đám chôn lén thê lương thế nào ấy. Rồi chuyện quy hoạch khu nghĩa địa chung dang dở vì đất đó không thuộc quyền quản lý của huyện, của tỉnh mà thuộc về một thành phố khác. Mất công huyện tốn một mớ tiền san ủi mặt bằng. Người làng tôi nghe tin đó mà mừng. Bởi chỗ quy hoạch ấy gần bãi rác nên đồ cúng chỉ cần vừa bày ra đã xộc đến bầy ruồi nhặng nhiều không kể xiết. Người sống còn hoảng, huống chi người chết. Bây giờ đâu lại vào đấy.

Sông càng lở, Gò Lớn càng bồi. Cho nên cứ mỗi dịp Tết hay thanh minh ai không về thăm nom, chăm sóc thì mồ mả chỉ cần vài ba năm là sẽ không còn tìm được. Mộ ở Gò Lớn được đắp rất cao, dễ chừng từ đất tính đến nấm phải hơn ba mét. Người bản địa ven sông Vu Gia làng tôi thấu hiểu mạch nước sông chảy, vạt đất sông lở nên tính toán rất kỹ chuyện sông lở, đất bồi.

Mộ cái nào cũng cao lêu nghêu, muốn lên nhổ cỏ hay thắp hương phải... trèo. Và mỗi năm sau mùa lụt, người ta cũng phải kỳ cọ, dọn rửa kỹ như dọn ở nhà nếu không muốn bùn non bám đầy, phủ mốc. Ấy vậy mà không ít người đành xót lòng vì kế mưu sinh, bôn ba khắp nơi khi về tìm mộ người thân như tìm ở rừng sâu bởi đất bồi lấp gần như sạch trọi.

Đã không ít lần trong những dịp đưa linh, tôi bất giác mường tượng ra cảnh người nằm dưới đất nghe ầm ầm từng mảng bờ sông ồn ào ngã xuống nước mà lòng thêm quạnh quẽ. Ngay cả chỗ tôi đứng ngày xưa bây giờ cũng bị dòng sông cuốn trôi về tận đâu mất rồi.

PHAN HOÀNG

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 7-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm