Tại hội thảo Phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine được Sở QH-KT TP.HCM tổ chức mới đây, liên danh tư vấn từ Pháp đã nêu hiện trạng và các giải pháp phát triển sông Sài Gòn trong tương lai.
Ba mục tiêu phát triển
“Báo cáo của chúng tôi chủ yếu trình bày đến tương lai của hành lang sông Sài Gòn ở mọi góc nhìn và đề xuất một chiến lược phát triển tích hợp mới” - báo cáo của liên danh tư vấn Tổ chức khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR) cho biết.
Phù hợp đề án của TP.HCM
Việc liên danh tư vấn chia con sông thành các khu vực phát triển và mục tiêu cụ thể cũng tương đồng với đề án phát triển kinh tế dịch vụ ven sông của TP.HCM và rất hợp lý. Đây là nghiên cứu sâu giữa các chuyên gia trong và ngoài nước về chiến lược phát triển hành lang sông Sài Gòn, bao gồm chiến lược tích hợp về phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, cũng như chiến lược phát triển không gian, kinh tế hướng biển cho hành lang con sông này. Đây cũng là dịp để các sở, ngành; quận, huyện dọc hành lang sông nắm bắt được định hướng quy hoạch sông để đưa vào chiến lược phát triển của ngành, địa phương mình.
TS - kiến trúc sư NGUYỄN ANH TUẤN, Trưởng phòng Quy hoạch chung,
Sở QH-KT TP
Theo liên danh tư vấn, báo cáo này là sự tiếp nối của một loạt sáng kiến và đề xuất nhằm đánh thức “con rồng xanh” đang ngủ yên bên dưới sông Sài Gòn, biến nó thành xương sống thực sự của đô thị trong những thập niên tới, giống như sông Seine của vùng Paris. “Giống như sông Seine trong quá khứ, sông Sài Gòn hiện nay đang phải đối mặt với những mâu thuẫn trong việc phát triển các chức năng về thương mại, vận tải và giải trí, tiềm ẩn nguy cơ phai mờ các giá trị tốt đẹp về mặt cảnh quan, sinh thái và tinh thần của dòng sông” - báo cáo nêu.
Liên danh tư vấn cũng cho biết chính quyền TP.HCM hiểu rõ những thách thức mà sông Sài Gòn đang phải đối mặt trong việc tăng cường sức hút về mặt kinh tế của một đô thị hàng đầu khu vực phía Nam ở phạm vi trong nước và quốc tế. Đồng thời cũng phải cải thiện chất lượng sống của dân cư và thích ứng với biến đổi khí hậu. “Do đó, TP.HCM mong muốn thiết lập một chiến lược quy hoạch và phát triển riêng cho hành lang sông Sài Gòn, tích hợp trong quy hoạch xây dựng tổng thể của TP” - báo cáo nêu và cho biết hành lang sông Sài Gòn được xác định là động lực thay đổi quan trọng và cần phải hành động ngay để đạt được ba mục tiêu.
Mục tiêu thứ nhất là tạo ra dòng chảy cơ hội cho tất cả bên thông qua phát triển hành lang sông Sài Gòn cũng như đáp ứng mong muốn một cuộc sống đô thị chất lượng cao hơn. Thứ hai là khẳng định vai trò đầu tàu của TP, kết nối vùng, lôi cuốn nhân tài, thu hút đầu tư, lan tỏa bền vững. Thứ ba là tạo cơ địa mới để phát triển, trở thành trung tâm giao thương quốc tế, xây dựng một đô thị của các thế hệ tương lai.
“Việc thực hiện thành công ba mục tiêu này sẽ đòi hỏi một khả năng nhận thức sâu sắc, vì sẽ có những nhu cầu cạnh tranh đối với cùng một khu đất. Mỗi vùng đất đều có giá trị riêng nhưng không phải tất cả đều đảm bảo những lợi ích xã hội và sinh thái như nhau” - liên danh tư vấn phân tích.
Nhận diện vị thế, vai trò và các giá trị của sông Sài Gòn
Góp ý, TS - kiến trúc sư Trần Trọng Hanh cho rằng cần thêm luận chứng xác định phạm vi ranh giới nghiên cứu quy hoạch, phù hợp với mục tiêu nghiên cứu về hành lang sông Sài Gòn. “Báo cáo cần bổ sung nội dung phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng và rà soát các quy hoạch, dự án đầu tư hiện có trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch và nhận diện vị thế, vai trò và các giá trị của sông Sài Gòn” - ông Hanh nêu trong văn bản góp ý của mình.
Đại diện nhóm báo cáo về bảo tồn - kiến tạo - phát huy di sản sông nước, bà Đặng Thục Trang cho rằng hiện quy hoạch TP có 13 công viên ven sông Sài Gòn. Trong thời gian tới, các bên cần nghiên cứu bổ sung các công viên đa chức năng (có thể lên đến 42 công viên) dọc con sông tiềm năng này.
“Các công viên phức hợp trong trung tâm đô thị có diện tích nhỏ hơn, nó sẽ kết hợp các chức năng dịch vụ đô thị, các điểm đến có giá trị văn hóa, lịch sử, kết nối cộng đồng, nâng cao hiệu quả khai thác kinh tế, tăng giá trị cảnh quan. Đặc biệt là hình thành hệ thống hạ tầng xanh đa chức năng của một hệ sinh thái kinh đô sông nước và phát triển kinh tế xanh dọc sông Sài Gòn” - bà Trang phân tích.
Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến thì cho rằng hình dáng sông Sài Gòn tựa như hình dáng một con rồng hướng ra biển, một trong những di sản của sông mang lại là về kinh tế và văn hóa. “Nếu như không có sông Sài Gòn thì TP cũng khó phát triển mạnh mẽ như bây giờ. Ngay từ những năm 1790, các quy hoạch TP Sài Gòn - TP Gia Định cũng đều dựa trên con sông Sài Gòn. Sông Sài Gòn thế mạnh là giao thương, dòng sông để đi ra biển, để kết nối kênh rạch, kết nối về miền Tây với nông sản, kết nối các cảng…” - ông Tiến nói.
Ông Tiến cho biết logo đầu tiên của Sài Gòn được người Pháp thiết kế năm 1870 (có dòng sông Sài Gòn, thương thuyền ở giữa và hai con cọp hai bên với cành lá nhiệt đới) ghi dòng chữ Paulatim Crescam, nghĩa là từ từ, tôi sẽ lớn, tức có ý nghĩa từ từ sẽ lớn từ dòng sông này (sông Sài Gòn) thì nay đã đến lúc phải lớn hơn nữa.•
Tiềm năng giao thông thủy
Theo liên danh tư vấn, tiềm năng giao thông đường thủy liên vùng, đặc biệt là ở thượng lưu, cũng rất hấp dẫn bởi các tuyến đường bộ đã quá tải. TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), đô thị lớn cách trung tâm TP.HCM khoảng 20 km, có khả năng phát triển những tuyến đường cố định, dịch vụ đường sông có thể kết nối hai trung tâm này trong 30 phút, khoảng thời gian lý tưởng để phát triển dịch vụ trên sông.
Du lịch du thuyền cũng đem lại sự chuyển đổi mượt mà giữa cơ sở hạ tầng cảng hàng hóa và các không gian đô thị liền kề như các bến cảng được tái phát triển dẫn đến trung tâm TP, các khu vực mang tính lịch sử như Chợ Lớn với những khu chợ sống động và các con phố náo nhiệt… Cảng du thuyền trong tương lai sẽ là nơi xuất phát cho các chuyến du ngoạn trên sông Sài Gòn và dọc theo các kênh (Tẻ, Đôi, Bến Nghé) qua Chợ Lớn theo hình thức chuyến đi vòng tròn hoặc hệ thống bến thủy để lên và xuống tàu tùy ý.