TP.HCM tìm cách đánh thức ‘rồng xanh sông Sài Gòn’

TP.HCM tìm cách đánh thức ‘rồng xanh sông Sài Gòn’

(PLO)- Các cuộc khảo sát ven sông Sài Gòn của chuyên gia Pháp, Singapore; chuyến làm việc của lãnh đạo TP.HCM tại Pháp hay việc TP chuẩn bị hoàn thiện quy hoạch chung đều là cơ hội cho việc phát triển “rồng xanh sông Sài Gòn”.

Hôm nay (2-3), Sở QH-KT TP.HCM sẽ tổ chức hội thảo phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine. Hội thảo sẽ có nhiều tham luận của liên danh tư vấn Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR) cùng tham luận của các chuyên gia trong và ngoài nước khác.

Theo các chuyên gia, việc “hóa rồng” sông Sài Gòn cần nhìn nhận trong chiến lược phối hợp quản lý vùng bền vững, nhằm có những giải pháp đồng bộ trong quy hoạch, đầu tư, khai thác phát huy giá trị nguồn tài nguyên quý giá này.

Lấy không gian sông Sài Gòn làm mặt tiền đô thị

“Việc phát triển sông Sài Gòn nằm trong khuôn khổ nghiên cứu các định hướng quy hoạch sông Sài Gòn và triển khai các nhóm việc sau chuyến công tác của đồng chí Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại Paris vào tháng 6-2023 (tham quan sông Seine)” - TS-kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quy hoạch chung, Sở QH-KT TP, cho biết.

Theo ông Tuấn, mục tiêu của việc phát triển sông Sài Gòn là định hướng lấy không gian ven sông Sài Gòn làm mặt tiền cho đô thị, phát triển dải đô thị hai bên sông, tổ chức các dải công viên công cộng ven sông đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng các tiện ích, dịch vụ ven sông.

Sông Sài Gòn
TP.HCM mong muốn tạo dòng chảy cơ hội cho tất cả các bên thông qua phát triển hành lang sông Sài Gòn, cũng như đáp ứng mong muốn một cuộc sống đô thị chất lượng cao hơn. Ảnh: KC

“Được sự quan tâm, hỗ trợ của bí thư Thành ủy TP.HCM và chủ tịch UBND TP.HCM, Sở QH-KT TP đã phối hợp với tổ chức AVSE Global, Viện Quy hoạch vùng Paris tham gia nghiên cứu xây dựng ý tưởng, định hướng và phát triển dọc hành lang sông Sài Gòn, vận dụng kinh nghiệm quy hoạch quản lý sông Seine vào nghiên cứu các quy hoạch của TP đang thực hiện” - ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng cho rằng việc định hướng phát triển sông Sài Gòn sẽ giúp các nhóm tư vấn có thêm tài liệu và kết quả nghiên cứu, tiến hành rà soát, tích hợp các nội dung, kinh nghiệm quy hoạch và quản lý phù hợp vào đồ án quy hoạch chung TP đang triển khai lập và lấy ý kiến (Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060).

“Đồng thời, đây cũng là dịp các tỉnh trong vùng cùng nhìn nhận hành lang sông Sài Gòn trong chiến lược phối hợp quản lý vùng bền vững, nhằm có những giải pháp phối hợp đồng bộ trong quy hoạch, đầu tư, khai thác và quản lý tích hợp trong chiến lược bảo vệ và phát huy giá trị nguồn tài nguyên nhân văn quý giá này” - ông Tuấn cho biết thêm.

Ngoài ra, ông Tuấn kỳ vọng đây cũng là cơ hội để các đối tác hợp tác phát triển TP, các nhà đầu tư có dịp tìm hiểu, nắm bắt thông tin cụ thể về những nghiên cứu định hướng quy hoạch hành lang sông Sài Gòn, cũng như các tiềm năng phát triển kinh tế xanh, kinh tế dịch vụ, các dự án trọng điểm nhằm tham gia đóng góp, định hướng, chuẩn bị hoặc tham gia những dự án đầu tư trước mắt và dài hạn.

“Các chuyên gia, nhà nghiên cứu cần tham gia đóng góp bổ sung cho nghiên cứu về sông Sài Gòn được hoàn thiện, gắn với thực tiễn quản lý, phát triển hành lang sông Sài Gòn trong các chương trình, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các nội dung trọng điểm như phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, logistics, chuyển đổi xanh và giảm thiểu phát thải, thích nghi, ứng phó với biến đổi khí hậu…” - ông Tuấn phân tích.

5 đặc trưng độc đáo

“Chúng tôi đã xây dựng báo cáo với loạt sáng kiến và đề xuất nhằm đánh thức “con rồng xanh” đang ngủ yên bên dưới sông Sài Gòn, biến nó trở thành xương sống thực sự của đô thị trong những thập niên tới, giống như sông Seine của vùng Paris” - báo cáo Quy hoạch phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn của Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR) cùng với AVSE Global nêu.

Theo đó, báo cáo nhận định giống như sông Seine trong quá khứ, sông Sài Gòn hiện nay đang phải đối mặt với những mâu thuẫn trong việc phát triển các chức năng về thương mại, vận tải và giải trí, tiềm ẩn nguy cơ phai mờ các giá trị tốt đẹp về mặt cảnh quan, sinh thái và tinh thần của dòng sông.

“Lấy cảm hứng từ những dự án tái tạo đô thị và khu vực sông nổi tiếng trên thế giới, báo cáo của chúng tôi tập trung khai thác tiềm năng phát triển trong tương lai của TP.HCM thông qua hành lang sông Sài Gòn. Chúng tôi cho rằng sông Sài Gòn có một sứ mệnh cao cả, là dòng chảy tạo cơ hội chuyển mình cho TP” - báo cáo nêu rõ.

Báo cáo cũng cho rằng nếu so sánh với những dòng sông trong đô thị nổi tiếng khác trên thế giới, chúng ta có thể nhận thấy năm đặc trưng độc đáo ở hành lang sông Sài Gòn. Thứ nhất là giá trị lịch sử đặc biệt đối với Việt Nam, biểu tượng là bến cảng Nhà Rồng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. Thứ hai là bản sắc sông nước gắn kết tình cảm vùng Nam Bộ.

Thứ ba là đường ranh giới vật lý kết nối các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương. Thứ tư là vị thế, là tài sản độc đáo với hệ sinh thái đa dạng sinh học đẳng cấp thế giới (rừng ngập mặn Cần Giờ). Thứ năm là thách thức lũ lụt khiến TP.HCM nằm trong số 10 TP chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

“Với những đặc trưng đó, đề xuất của chúng tôi cụ thể chia sông Sài Gòn thành bốn phân khu để tháo gỡ những khúc mắc mang tính bao quát và toàn diện của TP từ quan điểm về mặt không gian” - báo cáo đề xuất.

Song Sai Gon.JPG

Hàng chục làng nghề dọc sông Sài Gòn

Báo cáo Bản sắc sông nước và làng nghề trên sông - kỳ tích dòng sông Sài Gòn của KTS Hồ Viết Vinh cho biết dọc sông Sài Gòn có hàng chục làng nghề truyền thống tồn tại. Phía thượng nguồn (Củ Chi) có làng bánh tráng, làng đan lát, làng tre Phú An, làng sơn mài, làng mành trúc. Khu trung tâm có các làng nghề như làng gốm sứ, làng hoa, làng chế biến nem Thủ Đức, làng chài, làng lư đồng… Phía hạ nguồn (phía nam) có làng chiếu, làng muối Thạnh An…

Chia sông Sài Gòn thành 4 phân khu

Theo đó, đầu tiên là phân khu bắc kết nối bản sắc, qua huyện Củ Chi (TP.HCM), Bến Cát (Bình Dương), từ thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) đến ranh giới TP.HCM và tỉnh Tây Ninh, khu vực chủ yếu là nông thôn này kéo dài từ trung tâm lịch sử Thủ Dầu Một đến Khu tưởng niệm địa đạo Củ Chi, bao gồm cả huyện Củ Chi và Bến Cát. Khu này nên được phát triển theo hình thức công viên tự nhiên mới để bảo tồn và nâng cao nền nông nghiệp, cảnh quan và di sản của khu vực ngoại ô.

Phân khu 2 là giao diện trù phú, bao trùm từ cầu đường sắt đến cầu Thủ Dầu Một. Tại đây, chúng tôi dự kiến sẽ tạo ra không gian mới giao thoa giữa thành thị và nông thôn, bằng cách xác định ranh giới rõ ràng hơn giữa hai khu vực này. Đồng thời chuyển đổi các khu đất trồng trọt rộng lớn còn lại thành các công viên nông nghiệp - giải trí, sinh thái và sản phẩm thủ công được du khách ưa thích.

Phân khu 3, Thanh Đa (quận Bình Thạnh) trải nghiệm hạnh phúc, bao gồm bán đảo Thanh Đa và vùng phụ cận từ Quốc lộ 52 đến đường sắt TP.HCM - Hà Nội. Tại phân khu này, chúng tôi đề xuất phát triển khu đô thị hỗn hợp mật độ cao TOD và công viên nông nghiệp - giải trí ngập nước rộng 300 ha. Hai khu này liên kết với nhau bằng tuyến cáp treo công suất cao, bắt đầu tại ga metro Phước Long (TP Thủ Đức), cáp treo sẽ có các điểm dừng ở trung tâm bán đảo Thanh Đa, nơi tập trung các dịch vụ, cửa hàng, trung tâm...

Phân khu 4 là khu trung tâm cánh cửa tương lai, chạy từ ngã ba sông Đồng Nai/Nhà Bè đến Quốc lộ 52. Giống với vùng hợp lưu của sông Hudson và sông Đông ở TP New York, Docklands ở London hay vịnh Marina ở Singapore, phân khu 4 là cửa ngõ nổi bật vào TP.HCM, đây là nơi để thể hiện hình ảnh đẹp nhất của đô thị với phần còn lại của đất nước và thế giới, đồng thời trưng bày những công trình tuyệt vời nhất của đô thị.

“Bến Bạch Đằng, Khánh Hội và ven sông Thủ Thiêm sẽ nổi lên như những địa điểm hàng đầu cho khu vực đô thị này. Sự nổi bật của chúng sẽ được nâng cao hơn nữa nếu hai bờ sông được kết nối liền mạch thông qua nhiều điểm giao nhau. Chúng tôi hình dung sẽ phát triển ở đây một số dạng “đảo vườn” nổi hoặc cố định được liên kết với nhau và nối với bờ bằng cầu dành cho người đi bộ” - báo cáo đánh giá.

Đối với điểm hợp lưu tại Mũi Đèn Đỏ (huyện Nhà Bè), do vị trí đặc biệt và khả năng dễ bị lũ lụt, báo cáo dự kiến sẽ cải thiện môi trường tự nhiên và tạo cảnh quan cho một phần khu vực để chào đón du khách, tạo tầm nhìn ra sông và TP với hình bóng những tòa nhà chọc trời.•

TP bên cạnh các dòng sông cần được duy trì và phát triển

“Hơn 300 năm trước đã hình thành đô thị Sài Gòn - Gia Định trên sông nước, bởi vậy cần trả lại bản sắc sông nước Đồng Nai - Sài Gòn hướng ra biển là huyết mạch kinh tế TP” - PGS-TS-KTS Nguyễn Hồng Thục, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận xét.

Theo bà Thục, hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn êm đềm bậc nhất thế giới, hội tụ nhiều yếu tố để phát triển đô thị xanh, du lịch sinh thái và hệ sinh thái cảng biển, hài hòa được lý thuyết cộng sinh này sẽ tạo sức bật lớn mạnh và khác biệt cho TP.HCM. Trong tương lai, hàng trăm năm tới thì mô hình TP bên cạnh các dòng sông cần được duy trì và phát triển.

“Để thực hiện được điều này đòi hỏi phải xây dựng chiến lược đột phá ba nhà gồm nhà khoa học, nhà đầu tư và Nhà nước để thoát khỏi đô thị xô bồ, hướng đến đô thị xanh, tiện ích, đáng sống” - bà Thục nhận định.

Đọc thêm