Hôm nay, lãnh đạo TP.HCM cùng nhiều chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế cùng hội tụ ở TP.HCM tham dự hội thảo để bàn về cách phát triển, quy hoạch của một con sông. Nói vậy để thấy tầm quan trọng đặc biệt của sông Sài Gòn từ lịch sử hình thành vùng đất đến tương lai trong tiến trình phát triển chung của TP.HCM.
Dòng sông này quan trọng đến mức trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đang được xây dựng, liên danh tư vấn còn dành hẳn một chương để nêu lên các định hướng quy hoạch dòng sông với chiều dài 80 km bao trọn TP.HCM.
Với các kế hoạch đồ sộ như vậy, dễ thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo TP.HCM về sông Sài Gòn, con sông vốn được mệnh danh là “rồng xanh” bởi nét đẹp, sự uốn lượn, dòng chảy văn hóa - lịch sử (nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ở bến Nhà Rồng) và cả các tài nguyên tự nhiên mà thiên nhiên ưu ái cho TP.HCM. Vì thế, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã đi tham quan, tìm hiểu về quy hoạch sông Seine (Paris, Pháp) để tìm cách đánh thức sông Sài Gòn.
Tác giả có dịp đi dọc sông Sài Gòn với các chuyên gia Singapore thời gian gần đây, họ cũng rất ngạc nhiên với sông Sài Gòn khi nó có quá nhiều yếu tố để phát triển. Nói như ông Michael Koh, chuyên gia Bộ Phát triển quốc gia Singapore thì sông Sài Gòn gắn liền với đô thị, là linh hồn của đô thị và mọi người dân TP cần phải hiểu, yêu mến và có trách nhiệm đóng góp cho nó.
Thật vậy, đi dọc sông Sài Gòn, chúng ta có thể cảm nhận sông Sài Gòn quý giá với người dân đến nhường nào, không khí, làn gió, hơi nước là những thứ chắc chắn không thể xây dựng được mà nó chỉ có thể được thiên nhiên ban tặng. Chỉ một không gian nhỏ là khu bến Bạch Đằng hay công viên bờ sông Thủ Thiêm cũng thu hút sự quan tâm rất lớn từ người dân TP khi có tới hàng ngàn người tham quan, ngắm nhìn, hít thở không khí sông nước mỗi dịp lễ, Tết, cuối tuần.
Tuy nhiên, với tiềm năng to lớn đó nhưng vì nhiều lý do, thời gian qua sông Sài Gòn vẫn chưa được phát triển xứng với tầm vóc vốn có, phải có, nó chỉ như một con rồng đang ngủ. Hiện những công trình phục vụ du lịch, tham quan ven sông được đầu tư hàng tỉ đồng (có cả cầu tàu, nhà hàng hoành tráng) nhưng “bỏ hoang” hay những nơi còn xảy ra lấn chiếm hành lang sông hoặc khu vực tuyệt đẹp như Mũi Đèn Đỏ cũng chưa được khai thác.
Còn về mặt quy hoạch, TS-kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quy hoạch chung, Sở QH-KT TP.HCM, cũng nhận xét sông Sài Gòn là một tài nguyên đặc biệt của TP về mặt tự nhiên và văn hóa - lịch sử, môi trường nhưng tiềm năng của sông chưa được xem xét và tích hợp đầy đủ trong các đồ án quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng và TP.HCM.
Kế hoạch là một câu chuyện dài nhưng trước mắt, để thức tỉnh “rồng xanh sông Sài Gòn”, chúng ta cần cho “con rồng” ấy sinh khí, động lực, năng lượng, cơ hội để tỏa sáng. Hội thảo hôm nay về phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine ở TP.HCM chính là một sự khởi đầu như vậy.