Sốt xuất huyết lan mạnh ở nhiều châu lục, hàng ngàn người chết

(PLO)- Nhiều nước hứng chịu đợt bùng phát sốt xuất huyết nghiêm trọng với số ca nhiễm và tử vong cao hơn mọi năm, diễn biến được cho là có liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu.

Từ Á sang Âu sang Mỹ sang Phi, rất nhiều nước ở hàng loạt châu lục đang chứng kiến đợt bùng phát sốt xuất huyết nghiêm trọng cả về quy mô lây nhiễm và tử vong.

Xuất hiện ở 130 nước, Bangladesh cả ngàn người chết

Theo thống kê, tính đến nay sốt xuất huyết có mặt ở 130 nước. Tại châu Á, Bangladesh hứng đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất lịch sử khiến hơn 200.000 ca nhiễm trong đó hơn 1.000 người chết, nhiều hơn rất nhiều so với năm 2022 là 281 ca tử vong, theo hãng tin AFP. Hệ thống y tế Bangladesh đang quá tải. Các khu vực sốt xuất huyết tại các bệnh viện lớn ở Dhaka chứa đầy bệnh nhân.

Sốt xuất huyết đang gia tăng trên toàn thế giới trong những thập niên gần đây, tăng gấp tám lần từ năm 2000 đến năm 2022 và hơn một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh, dự kiến còn tăng - WHO.

Tại Ấn Độ, tính đến cuối tháng 9, bang Maharashtra báo cáo hơn 21.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết và sốt rét trong đợt gió mùa này. Đài Loan từ tháng 5 đến tháng 9 ghi nhận gần 10.500 ca nhiễm, so với 56 ca cùng kỳ năm 2022. Sri Lanka, Thái Lan cũng chứng kiến dịch.

Tổng số ca nhiễm ở châu Mỹ trong chín tháng đầu năm nay khoảng 3 triệu người, cao hơn bất kỳ thời điểm nào ở châu Mỹ kể từ năm 1980. Bắc Peru hứng đợt bùng phát nặng trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 7 và là nơi có tỉ lệ tử vong cao nhất ở châu Mỹ trong năm nay. Từ đầu năm đến giữa tháng 9 đã có hơn 250.000 ca nhiễm, trong đó 419 ca tử vong ở Peru trong năm nay, so với 77 ca tử vong trong đợt bùng phát trước đó vào năm 2017. Tại Mỹ tính đến cuối tháng 9 cũng có gần 900 người nhiễm. Tại vùng Đông Bắc Brazil, số ca sốt xuất huyết cũng tăng vọt trong năm nay. Jamaica, Argentina, Bolivia cũng chứng kiến dịch.

Tại châu Âu, nhiều vùng ở Ý, Pháp cũng xuất hiện dịch. Tại châu Phi, Sudan chứng kiến hàng trăm người chết. Một số nước châu Phi cận Sahara như Chad cũng bùng phát dịch.

Anh bai chinh P16 dang 4-10-2023.PNG
Bệnh nhân sốt xuất huyết nằm điều trị tại BV Bangladesh. Ảnh: DW

Có sự góp tay của biến đổi khí hậu

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng bệnh sốt xuất huyết và các bệnh khác do virus truyền qua muỗi gây ra như chikungunya, sốt vàng da và sốt zika đang lây lan nhanh hơn và xa hơn do biến đổi khí hậu. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cho rằng góp phần gây ra các đợt bùng phát sốt xuất huyết nghiêm trọng ở nhiều khu vực là sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm biến đổi khí hậu và hiện tượng El Niño năm nay.

Ở trường hợp Bangladesh, các nhà khoa học cho rằng đợt bùng phát năm nay là do lượng mưa không đều và nhiệt độ nóng hơn, tạo điều kiện sinh sản lý tưởng cho muỗi. Những năm trước, hầu hết các trường hợp được ghi nhận trong mùa gió mùa từ tháng 7 đến tháng 9, những tháng có lượng mưa lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây, các bệnh viện ở Bangladesh cũng bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh trong những tháng mùa đông.

Trao đổi với AFP, GS Kabirul Bashar, chuyên về động vật học tại ĐH Jahangirnagar ở Dhaka, lưu ý rằng muỗi Aedes mang mầm bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh ở “nhiệt độ tối ưu cho sự nhân lên của virus” và “biến đổi khí hậu toàn cầu đang đóng vai trò trong việc tạo ra mức nhiệt này”.

Với việc El Niño được dự đoán sẽ khó lường hơn trong những tháng tới - khi nhiệt độ đại dương Thái Bình Dương ấm hơn trong thời gian dài và phần lớn hành tinh được dự đoán sẽ ấm hơn bình thường - tình hình có thể vượt quá tầm kiểm soát, nhiều chuyên gia lo ngại. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, “nhiệt độ ngày càng tăng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này bằng cách tạo điều kiện cho sự lây lan và lây truyền lớn hơn ở các khu vực có nguy cơ thấp hoặc hiện không có bệnh sốt xuất huyết ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Úc”.•

Nỗ lực phát triển vaccine

Đã có hai loại vaccine sốt xuất huyết và các nhà nghiên cứu sử dụng một loại vi khuẩn khử trùng muỗi để diệt virus.

Hiện có sẵn một loại vaccine được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt nhưng chỉ dành cho những người đã từng được xác nhận nhiễm. Cuối năm ngoái, EU cấp phép cho loại vaccine thứ hai, bất kể lịch sử phơi nhiễm trước đó. Ít nhất hai loại vaccine khác đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Chương trình muỗi thế giới (WMP) sử dụng vi khuẩn Wolbachia xử lý trứng muỗi Aedes (gây sốt xuất huyết) nhằm cản trở khả năng truyền arbovirus qua nước bọt của muỗi trưởng thành. Các nghiên cứu chỉ ra rằng phương pháp này có thể làm giảm số ca mắc sốt xuất huyết, song khó thực hiện trên quy mô lớn và có lo ngại rằng virus có thể biến đổi để tránh vi khuẩn Wolbachia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm