Hãng AFP đưa tin Sri Lanka ngày 20-6 đã bắt đầu đóng cửa trường học và tạm dừng tất cả dịch vụ không thiết yếu của chính phủ trong vòng hai tuần, trong bối cảnh nguồn dự trữ nhiên liệu đang cạn dần và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang thảo luận với Colombo về gói cứu trợ tiềm năng.
Quốc gia Nam Á này đang trong tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu, thuốc men và nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm khác trong một cuộc khủng hoảng xuất phát từ việc dự trữ ngoại tệ giảm.
|
Sri Lanka đóng cửa trường học, dừng dịch vụ chính phủ không thiết yếu trong 2 tuần. Ảnh: AFP |
Theo AFP, từ ngày 20-6, tất cả trường học tại Sri Lanka đóng cửa và chỉ những nhân viên chủ chốt đi làm trong các văn phòng chính phủ. Bệnh viện và cảng biển chính của Colombo vẫn hoạt động.
Đây là một phần trong các biện pháp của chính phủ Sri Lanka nhằm cắt giảm việc đi lại và tiết kiệm xăng dầu.
Sri Lanka hồi tháng 4 thông báo ngừng trả khoản nợ công 51 tỉ USD và đang đàm phán với IMF để có một khoản vay.
Ngày 20-6, cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên với IMF về yêu cầu cứu trợ của Sri Lanka đã bắt đầu tại thủ đô Colombo và sẽ tiếp tục trong 10 ngày.
AFP dẫn thông báo từ Canberra cho biết Thủ tướng Sri Lanka – ông Ranil Wickremesinghe – đã gặp Bộ trưởng Nội vụ Úc – bà Clare O'Neil - để "làm sâu sắc hơn hợp tác và hỗ trợ Sri Lanka khi đất nước đang đối mặt giai đoạn kinh tế rất khó khăn".
Canberra đã công bố khoản hỗ trợ khẩn cấp 35 triệu USD để giúp Sri Lanka đáp ứng các nhu cầu cấp bách về lương thực và chăm sóc sức khỏe.
"Chúng tôi không chỉ muốn giúp đỡ người dân Sri Lanka trong lúc cần thiết, mà còn quan tâm về những hậu quả sâu sắc hơn đối với khu vực nếu cuộc khủng hoảng này tiếp diễn" - Ngoại trưởng Úc, bà Penny Wong, cho biết.
Sri Lanka đang đối mặt mức lạm phát cao kỷ lục và tình trạng mất điện kéo dài, làm dấy lên các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng qua để kêu gọi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức.
Tình trạng hàng trăm ngàn người xếp hàng dài nhiều cây số để mua xăng dầu vẫn tiếp diễn, dù Bộ Năng lượng Sri Lanka đã thông báo họ sẽ không còn nguồn dự trữ nhiên liệu mới trong ít nhất ba ngày tới.
Liên Hợp Quốc hôm 16-6 đã đưa ra phản ứng khẩn cấp trước cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tại đảo quốc này.
Hàng nghìn phụ nữ nghèo đói ở Sri Lanka hôm 16-6 bắt đầu được nhận viện trợ lương thực trong khuôn khổ đợt ứng phó khẩn cấp.
Liên Hợp Quốc cho biết cứ năm phụ nữ Sri Lanka thì có tới bốn người đã bắt đầu phải nhịn ăn vì không có tiền để mua lương thực, đồng thời cảnh báo một "cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng" sắp xảy ra với hàng triệu người cần được viện trợ.