Sri Lanka chật vật xoay trở trong ngoài thế nào giữa thiếu thốn, nợ nần?

(PLO)- Giữa bối cảnh khủng hoảng kinh tế ngày càng lan rộng và nguy hiểm, Sri Lanka thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp khẩn cấp để kiểm soát.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sri Lanka đang chật vật ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có sau khi tuyên bố vỡ nợ, nguy cơ xảy ra nạn đói diện rộng ngày càng rõ nét. Bên cạnh những nỗ lực tăng cường khả năng chống đỡ trong nước, chính quyền nước này cũng đang gấp rút tìm kiếm sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để tìm hướng đi dài hạn.

Tình hình Sri Lanka đang nguy cấp

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, Sri Lanka phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu khác. Do thiếu ngoại tệ, các doanh nghiệp Sri Lanka không thể thanh toán những đơn hàng nhập khẩu quan trọng. Cùng với đó là tình trạng lạm phát cao kỷ lục.

Người dân xếp hàng chờ mua lương thực ở thủ đô Colombo của Sri Lanka hồi tháng 5. Ảnh: AP

Người dân xếp hàng chờ mua lương thực ở thủ đô Colombo của Sri Lanka hồi tháng 5.
Ảnh: AP

Số liệu Cục Điều tra và Thống kê Sri Lanka công bố mới đây cho thấy tỉ lệ lạm phát tại nước này lên mức kỷ lục trong tháng 5 và đây là tháng thứ tám liên tiếp lạm phát tăng. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng Colombo (CCPI) tăng 39,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 29,8% của tháng trước đó, theo tờ The Daily Star. Lạm phát giá lương thực cũng tăng lên 57,4% từ mức cao 46,6% của tháng 4.

Đáng ngại hơn, mức tăng giá cả trong tháng 5 chưa phản ánh thực tế tình trạng tăng giá nhiên liệu - một trong những mặt hàng chủ chốt đang khan hiếm tại Sri Lanka. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng chỉ số giá tiêu dùng thực tế tăng nhanh hơn so với số liệu thống kê chính thức.

Tuần trước, ông Jens Laerke, phát ngôn viên Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA), khẳng định rằng nhiều người dân ở Sri Lanka hiện “không có đủ thực phẩm”. Ông cảnh báo rằng “khả năng tiếp cận những dịch vụ y tế, sự bảo vệ và giáo dục cho trẻ em đang bị đe dọa”. Ông Christian Skoog, đại diện của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ​​tại Sri Lanka, cũng cảnh báo rằng tình hình đang rất nghiêm trọng, trong khi 17% trẻ em dưới năm tuổi ở nước này đã bị suy dinh dưỡng và thấp còi trước cuộc khủng hoảng.

Triển khai hàng loạt biện pháp khẩn cấp

Nhiều tháng qua, Sri Lanka đã liên tục cho triển khai nhiều biện pháp để giảm thiểu áp lực. Gần nhất, ngày 14-6, chính phủ đã thông qua đề xuất cho phép công chức làm việc bốn ngày/tuần nhằm giảm lượng nhiên liệu đi lại, cũng như để họ có thời gian tham gia trồng trọt.

Theo văn phòng thông tin chính phủ Sri Lanka, “cho phép các công chức nghỉ một ngày làm việc… để thúc đẩy họ tham gia hoạt động nông nghiệp tại nhà hoặc nơi khác dường như là quyết định phù hợp để ứng phó với tình trạng thiếu thực phẩm”.

Vài ngày trước đó, Sri Lanka ra quy định khẩu phần xăng với dân, một cách nhằm hạn chế mức tiêu thụ nhiên liệu. Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe thông báo sẽ áp dụng mức tăng mới đối với thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm tăng thu ngân sách để đối phó với khủng hoảng.

Cụ thể, Sri Lanka sẽ áp thuế VAT cao hơn nhiều, chủ yếu nhằm vào các mặt hàng xa xỉ, ngoài tầm với của hầu hết người dân nhưng được sử dụng phổ biến tại các khách sạn phục vụ du khách nước ngoài vốn là một nguồn thu chính, theo tờ The India Times. Thông báo cho rằng các biện pháp cải cách thuế này là cần thiết do tình trạng tài chính không bền vững hiện nay của ngân sách.

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Sri Lanka sẽ hỗ trợ khối tư nhân trong nước tiếp cận đủ nguồn ngoại tệ thông qua các ngân hàng để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cuộc sống của người dân không bị đình trệ thêm.

Bất chấp các lệnh cấm từ Mỹ và đồng minh, Thủ tướng Sri Lanka Wickremesinghe khẳng định nếu không tìm được nguồn cung khác thì ông vẫn tính tới chuyện mua dầu của Nga để giải quyết tình hình thiếu nhiên liệu trong nước.

Phối hợp với cộng đồng quốc tế

Sri Lanka đang đàm phán và đối thoại chặt chẽ với một số tổ chức tài chính quốc tế để tìm kiếm các gói cứu trợ khẩn cấp và thỏa thuận giãn nợ. Sri Lanka hiện đã đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sắp xếp một cuộc họp với các chủ nợ khác nhằm vay 6 tỉ USD để vượt qua khó khăn.

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cho biết Sri Lanka cần ít nhất 5 tỉ USD cho nhu cầu hằng ngày trong sáu tháng tới, cùng 1 tỉ USD khác để ổn định đồng rupee đang mất giá nhanh chóng. Dù vậy, IMF nói rõ là bất kỳ chương trình viện trợ nào cũng sẽ phụ thuộc vào khả năng quản lý nợ của Sri Lanka.

Ngoài IMF, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đang lập kế hoạch ứng phó với khủng hoảng lương thực thông qua tăng cường nguồn dự trữ, sẽ cung cấp các khoản hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của Sri Lanka. Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ giải ngân khoảng 700 triệu USD trong vài tháng tới cho Sri Lanka.

Ngoài hai tổ chức nói trên, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) mới đây cũng đã thông báo đang xem xét cấp 100 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp cho Sri Lanka nhưng chưa biết khi nào giải ngân. AIIB là một tổ chức ngân hàng đa phương được thành lập vào năm 2014, thu hút phần lớn nguồn tài trợ từ Trung Quốc. Trung Quốc cũng là nước cho vay song phương lớn nhất của Sri Lanka với số dư chưa thanh toán lên tới 6,5 tỉ USD.•

Sri Lanka không phải là nước duy nhất khủng hoảng ở Nam Á

Tờ The Nikkei dẫn lưu ý từ lãnh đạo Quỹ đầu tư Tundra Fonder (Thụy Điển) rằng không chỉ Sri Lanka mà toàn bộ khu vực Nam Á nói chung đang trên đà bùng phát khủng hoảng kinh tế.

Nợ nước ngoài của các quốc gia Nam Á hiện tương đối lớn, bao gồm cả những khoản vay đáng kể từ Trung Quốc. Trong những năm qua, Bắc Kinh đã bơm các khoản vay giá rẻ để đổi lấy các tài sản chiến lược tại những quốc gia này.

Đơn cử, Sri Lanka nợ Trung Quốc ước tính 10%, trong khi con số của Pakistan là 27,4%. Tỉ lệ nợ nước ngoài trên tổng GDP của nước này ở mức gần 35% vào đầu năm, so với 58% của Sri Lanka.

Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới cũng đang cảm thấy tác động của lạm phát, với giá bán lẻ tăng gần 7,8% trong năm vào tháng 4. Theo truyền thông địa phương, dự trữ ngoại hối của nước này giảm trong chín tuần liên tiếp cho đến giữa tháng 5.

Một ngoại lệ ở khu vực này là Bangladesh. Lạm phát tại đây đã chạm mức 6,29% vào tháng 4 nhưng quốc gia này cho đến nay vẫn giữ dự trữ ngoại hối và nợ nước ngoài ở mức bền vững hơn, nhờ một số quyết định cứng rắn như không thực hiện chính sách đóng biên giới nghiêm ngặt, điều này giúp duy trì doanh thu thuế. Quốc gia này cũng hạn chế can thiệp sâu rộng vào thị trường mở để nâng đỡ đồng tiền trong nước, đồng thời quản lý cẩn thận thâm hụt tài chính và cán cân tài khoản vãng lai.

Theo các nhà nghiên cứu kinh tế, để tránh những rủi ro khốc liệt có thể xảy ra với quốc gia mình, các nền kinh tế Nam Á nên cố gắng đa dạng hóa hơn trong dài hạn, họ cần một con mắt sắc bén hơn để giải quyết vấn đề.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm