Hôm 12-6, Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka - ông Kanchana Wijesekera thông báo sẽ quy định khẩu phần xăng mà người dân được mua mỗi tuần, hãng Reuters đưa tin.
"Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra hạn ngạch nhiên liệu cho người dân cho đến khi chúng tôi có thể củng cố tình hình tài chính" - ông Wijesekera nói.
"Tôi hy vọng sẽ có thể áp dụng việc này vào tuần đầu tiên của tháng 7" - Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka nói, song ông không cho biết người dân sẽ được phép mua bao nhiêu nhiên liệu mỗi tuần.
Người dân Sri Lanka có thể phải chờ đến cả ngày mới có thể mua được nhiên liệu. Ảnh: REUTERS |
Trước đó, vào giữa tháng 4, chính phủ Sri Lanka đã ra lệnh cho tất cả các trạm xăng không được bơm quá 4 lít xăng đối với xe máy, 5 lít đối với xe ba bánh và 19,5 lít xăng hoặc dầu diesel đối với xe hơi.
Tình trạng người dân Sri Lanka xếp hàng dài chờ để được mua nhiên liệu ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi hàng trăm ô tô và hàng nghìn xe máy có khi phải chờ cả ngày mới có thể mua được xăng.
Nhiều người còn lợi dụng tình hình hỗn loạn để dù mua rồi vẫn quay lại xếp hàng để mua thêm, theo Reuters.
Công ty Xăng dầu Quốc gia Sri Lanka (Ceylon Petroleum Corporation - CPC) đang gặp nhiều khó khăn trong việc tài trợ nhập khẩu dầu khi nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng vọt. Ảnh: AFP |
Trước đó cùng ngày, hãng tin AP dẫn lời Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cho biết Sri Lanka có thể buộc phải mua thêm dầu từ Nga để đối phó với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu trầm trọng.
“Nếu chúng tôi có thể mua dầu từ bất kỳ nguồn nào khác, chúng tôi sẽ mua từ đó. Nếu không, chúng tôi có thể phải tìm đến Nga một lần nữa” - Thủ tướng Wickremesinghe nói.
Tuyên bố trên được ông Wickremesinghe đưa ra bất chấp phần lớn các phương Tây đang cắt giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga theo các lệnh trừng phạt lên Moscow để phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Việc phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào nguồn dầu Nga đã khiến nước này phải quay sang tìm kiếm khách hàng mới tại châu Á. Moscow chào bán dầu thô của mình với mức chiết khấu mạnh, khiến nguồn dầu của họ trở nên cực kỳ hấp dẫn đối với một số quốc gia.
Hàng trăm chiếc xe xếp hàng dài chờ để được mua nhiên liệu ở Colombo, Sri Lanka, ngày 8-6. Ảnh: REUTERS |
Sri Lanka đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử nước này, thiếu ngoại tệ để thanh toán chi phí các mặt hàng nhập khẩu quan trọng như thực phẩm, nhiên liệu và thuốc.
Ông Wickremesinghe cho biết Sri Lanka hiện gánh 51 tỉ USD nợ nước ngoài, và đã khất lại việc chi trả gần 7 tỉ USD đến hạn trong năm nay.
Thủ tướng Sri Lanka đồng thời khẳng định ông sẵn sàng chấp nhận trợ giúp tài chính nhiều hơn từ Trung Quốc, bất chấp các khoản nợ ngày càng gia tăng của đất nước.
Theo ông, tình trạng khó khăn hiện tại của Sri Lanka có nguồn gốc từ bên trong đất nước, nhưng xung đột ở Ukraine đang làm cho cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn, với tình trạng thiếu lương thực có thể kéo dài đến năm 2024.
Để giải quyết vấn đề lương thực, Thủ tướng Wickremesinghe cho biết Nga đã cung cấp lúa mì cho Sri Lanka. Nước này cũng đang cố gắng để mua dầu và than từ các nhà cung cấp truyền thống ở Trung Đông.