Thủ tướng Sri Lanka mời đại diện các nhóm biểu tình trẻ tuổi tham gia quản lý đất nước

(PLO)- Thủ tướng Sri Lanka cho biết chính phủ đang trong tiến trình sửa đổi Hiến pháp để có thể tạo điều kiện cho đại diện các nhóm biểu tình trẻ tuổi có thể tham gia quá trình quản lý quyết sách về tài chính của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thủ tướng Sri Lanka - ông Ranil Wickremesinghe cho biết chính phủ đang trong tiến trình sửa đổi Hiến pháp để có thể tăng cường quyền lực của Quốc hội, với sự tham gia góp ý của cả các nhóm biểu tình trẻ tuổi, trong việc đưa ra quyết sách về tài chính.

Trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia hôm 29-5, Thủ tướng Wickremesinghe cho hay theo đề xuất cải cách hiến pháp trên, quyền hạn của tổng thống sẽ bị cắt giảm và quyền hạn của Quốc hội sẽ được tăng cường, tờ South China Morning Post đưa tin.

Theo ông, việc quản lý các chính sách về tài chính sẽ được thông qua các ủy ban của Quốc hội, nơi các chính trị gia, những nhóm thanh niên và các chuyên gia sẽ làm việc cùng nhau. Ông cũng đề xuất chỉ định 10 ủy ban giám sát và 5 ủy ban tài chính nhằm cải thiện năng lực giám sát của Quốc hội.

Thủ tướng Sri Lanka - ông Ranil Wickremesinghe. Ảnh: BLOOMBERG

Thủ tướng Sri Lanka - ông Ranil Wickremesinghe. Ảnh: BLOOMBERG

“Thế hệ trẻ đang kêu gọi thay đổi hệ thống hiện có. Họ cũng muốn biết rõ về các vấn đề mà đất nước đang phải đối mặt ở thời điểm hiện tại. Vì vậy, tôi đề xuất chỉ định bốn đại diện từ các nhóm thanh niên cho mỗi ủy ban trong số 15 ủy ban này” - ông Wickremesinghe nói.

“Chính các tổ chức thanh niên, các nhóm biểu tình sẽ tự quyết định lựa chọn những cá nhân đại diện tham gia quá trình quản lý chính sách tài chính của đất nước cùng Quốc hội” - Thủ tướng Wickremesinghe giải thích thêm.

Các cuộc biểu tình, chủ yếu do các sinh viên và thanh niên tri thức dẫn đầu, diễn ra gần như hàng ngày ở thủ đô Colombo và các nơi khác. Họ còn cắm trại bên ngoài văn phòng tổng thống trong hơn 50 ngày để yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức, buộc ông và gia đình phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của Sri Lanka.

Những nhóm biểu tình trẻ tuổi này cũng muốn đại tu hệ thống quản trị đất nước, cho rằng các bộ máy chính quyền ở Sri Lanka kể từ khi nước này độc lập khỏi Anh vào năm 1948 đã dẫn dắt đất nước một cách sai lầm, dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội.

Cảnh sát sử dụng vòi rồng để giải tán một nhóm sinh viên trong cuộc biểu tình chống chính phủ ở Colombo, Sri Lanka ngày 29-5. Ảnh: AFP

Cảnh sát sử dụng vòi rồng để giải tán một nhóm sinh viên trong cuộc biểu tình chống chính phủ ở Colombo, Sri Lanka ngày 29-5. Ảnh: AFP

Hiện các nhóm biểu tình vẫn chưa đưa ra phản hồi nào về đề xuất của ông Wickremesinghe. Việc thành lập các ủy ban nghị viện mới trên phạm vi rộng có thể được thực hiện theo hiến pháp hiện hành của Sri Lanka.

Tuy nhiên, những cải cách liên quan đến việc giảm bớt quyền lực của tổng thống sẽ cần sự chấp thuận của Tòa án tối cao và đa số hai phần ba nghị viện. Không rõ khi nào dự luật này sẽ được đưa ra để tranh luận.

Sri Lanka đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, thiếu thốn thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men trong khi lạm phát cao kỷ lục và không đủ điện sử dụng. Cuộc sống người dân khó khăn dẫn tới những bất ổn chính trị và xã hội leo thang.

Sri Lanka đang đàm phán với IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) về các gói cứu trợ và cần đàm phán tái cơ cấu nợ với các chủ nợ. Chính phủ nước này cho biết cần ba đến bốn tỉ USD để thoát khỏi khủng hoảng hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm