‘Startup Việt Nam đôi khi rất hoang tưởng’

Trong buổi giao lưu “Quản trị đổi mới, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp” tổ chức tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 20-11, một bạn trẻ hỏi ông Đỗ Hoài Nam, cha đẻ của thiết bị “đọc” não người, vốn được sử dụng trong bộ phim nổi tiếng Avarta, rằng: “Xin anh cho biết làm thế nào để ước mơ biến toàn bộ công nghệ trên thế giới thành công nghệ xanh trở thành hiện thực?”

Ông Đỗ Hoài Nam: Có những bạn trẻ và công ty trẻ “hợm hĩnh”, chỉ cần một ý tưởng là đã kêu gọi đầu tư.

Người đã từng là chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty Emotiv Systems tại Silicon Valey (Mỹ) trả lời một cách dí dỏm: “Chỉ có một cách, đó là em hãy trở thành thợ sơn, rồi đi sơn các công nghệ thành màu xanh”.

Sau đó, Đỗ Hoài Nam ôn tồn giải thích: Ứớc mơ của em là ước mơ của toàn nhân loại. Hãy làm thật tốt công việc của mình, đó đã là một hành động thiết thực để biến công nghệ trở thành công nghệ xanh.

Chia sẻ với các bạn trẻ trong buổi giao lưu, ông Đỗ Hoài Nam kể: “Startup Việt Nam đôi khi rất hoang tưởng. Có người đến gặp tôi và nói: Cái em đang làm hay lắm, anh đầu tư đi, sẽ một ngày đẹp trời nào đó Google sẽ đến mua của em với giá 1 tỉ USD”.

Ông Đỗ Hoài Nam hỏi ngược lại: “Sao em không tự đặt câu hỏi: Nhiều năm nay, chưa lúc nào em có một “ngày đẹp trời”?

Theo ông Đỗ Hoài Nam, khoảng sáu tháng nay, Startup Việt Nam rất sôi động. Người người Startup, nhà nhà Startup. Ông Nam cho rằng: Xã hội hiện nay có nhiều bất cập. Ở đâu có bất cập thì có cơ hội. Khi giải quyết một bất cập, đó là một cơ hội kinh doanh. Nhưng cơ hội nào là cơ hội thật, thời điểm nào chúng ta đi vào giải quyết bất cập lại là chuyện khác.

“Một trong những sai lầm của các bạn trẻ là đọc quá nhiều các bài báo ca ngợi những nhân vật thành công và cho rằng: 24 tuổi thành công mới là đáng kể, còn 44 tuổi thành công thì… không đáng kể. “Việc thành công chỉ có thể đánh giá khi đã về hưu, xem đã cống hiến được cho xã hội điều gì” - ông Nam khẳng định.

Ông Nam nhận định ở Việt Nam, có những bạn trẻ và công ty trẻ “hợm hĩnh”, chỉ cần một ý tưởng là đã kêu gọi đầu tư. Ý tưởng chỉ có thể trở thành cơ hội khi có nền tảng kiến thức. 

Đối với Startup, ý tưởng là bước đi thứ 10. Khởi nghiệp, các bạn trẻ luôn nghĩ ngay đến khi nào thì nổi tiếng, khi nào kiếm được nhiều tiền. Chỉ khởi nghiệp khi có cách thức để tạo ra giá trị cho xã hội với niềm tin sắt đá.

Nói về công nghệ, ông Nam cho rằng: Việt Nam không có một công ty công nghệ nào cả, chỉ có các công ty cung cấp các dịch vụ công nghệ, viễn thông.

“Đất nước trong 10-20 năm nữa có nền công nghệ giống như IBM, Google hay không là tùy vào chúng ta có bắt đầu làm gì hay không” - ông Nam kết luận.

CHÂN LUẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm