Một nhóm bạn trẻ độ tuổi 29-30 với ba thành viên ở TP.HCM cùng có sở thích tham gia các hoạt động xã hội bỗng một ngày muốn kinh doanh trên di động. Nghĩ là làm, hàng loạt ý tưởng được đề ra như ứng dụng hỗ trợ tài chính, dạy học ngoại ngữ theo phương pháp riêng…, rồi cuối cùng cả nhóm chốt lại với dự án “không giống ai”.
Dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm, dự kiến khoảng một năm nữa sẽ hoàn thành và ra mắt. Các bạn vẫn mong mỏi nhận được sự góp ý và sẵn sàng mời những ai có tâm huyết với ý tưởng này cùng gia nhập dự án.
Kiếm tiền từ những món đồ cũ
Theo các thành viên trong nhóm thì đầu năm nay, nhóm dự định đi du lịch xa ít ngày, nhóm cần một cái máy ảnh tốt thay vì chụp bằng điện thoại như mọi khi để lưu lại những phong cảnh đẹp thì không tìm mượn được của ai mà cũng không biết đi thuê ở đâu. Hay như Trần Hạo Anh, cô gái duy nhất trong nhóm với vai trò chuyên gia marketing từng học ĐH Tôn Đức Thắng, hiện làm chuyên viên kinh doanh tiếp thị tại Kizuna JV Corporation, chia sẻ: “Con gái tụi em thường thích thay đổi trang phục, quần áo mua về có khi mấy tháng mới mặc lại một lần còn toàn cất tủ nên rất lãng phí. Em cũng thỉnh thoảng đổi đồ cho bạn nhưng không phải bạn nào cũng có số đo và trang phục vừa vặn, nếu giao lưu được với nhiều bạn cùng sở thích thì rất thú vị và đỡ phải đi shopping thường xuyên”.
Quả thật với những người trẻ thì nhu cầu trải nghiệm cái mới là rất cao, một mẫu điện thoại mới, một sản phẩm thể thao hay xe máy… đều kích thích sự tò mò khám phá nhưng với họ tiền bạc lại hạn hẹp. Thông thường các bạn trẻ cùng sở thích hay tham gia các diễn đàn hoặc hội nhóm trên Facebook để giao lưu với nhau, những dịp offline hẹn hò cà phê hay ăn uống là lúc để cùng nhau bàn luận và “vọc” thử hoặc đơn giản hơn là đến các cửa hàng điện tử để thử hàng mẫu trưng bày… nhưng cách này chỉ tạm giải tỏa cơn “ghiền” còn họ vẫn muốn được sử dụng với thời gian dài hơn, có khi vài ngày hay cả tuần lễ tùy theo nhu cầu. Trong trường hợp cả hai bên đều có món đồ mà người kia cũng có mong muốn trải nghiệm hay cần sử dụng, lúc đó cả hai sẽ trao đổi với nhau và chi phí sẽ rất thấp hoặc không phải mất gì cả.
Thế là nhóm quyết tâm thực hiện một website và ứng dụng di động nhằm kết nối những người có nhu cầu chia sẻ đồ dùng cá nhân với nhau. Để chắc ăn hơn, nhóm đã cẩn thận làm một cuộc thăm dò bỏ túi với bạn bè của mình về ý tưởng này bằng cách gửi email và thăm dò trực tiếp. Cho dù chỉ có chưa đến 100 người trả lời nhưng kết quả khả quan. Sau khi thăm dò, dự án Avasa bước đầu được hình thành.
Nhóm bạn trẻ lập ra dự án Avasa. Ảnh: PTG
Ý tưởng nhỏ xuất phát từ nhu cầu lớn
“Nó trông giống một mạng xã hội, với màu sắc xanh tươi mát, các nút bấm giản tiện tối đa và các ô thông tin ngắn gọn. Người dùng có thể đăng ký và bắt đầu tìm hiểu về những mặt hàng mình có nhu cầu sử dụng cũng như đưa lên những món đồ muốn chia sẻ với người khác” - Hạo Anh giải thích.
Những món đồ đưa lên được hiển thị theo các mức độ ưu tiên, đầu tiên là địa điểm gần nhất với người tìm kiếm, sau đó là mức độ chi tiết của sản phẩm (có hình ảnh đầy đủ, thông tin rõ ràng dễ đánh giá) và cuối cùng là chi phí (giá trị món hàng cũng như phí sử dụng). Tuy nhiên, người dùng cũng có thể đặt bộ lọc theo nhu cầu của riêng mình.
Nếu chỉ đơn giản là nơi để tìm người chia sẻ đồ dùng lẫn nhau thì Avasa cũng không hơn nhiều diễn đàn, điểm chính ở đây là xây dựng được hệ thống đánh giá uy tín của mỗi thành viên. Khi kết thúc giao dịch, cả người chia sẻ lẫn người sử dụng đều có thể đánh giá lẫn nhau để tạo nên mức độ uy tín của mỗi người. Trừ những trường hợp bị báo cáo có dấu hiệu lừa đảo, còn lại hệ thống không can thiệp vào các thông tin đánh giá thành viên, mức độ uy tín thấp do thái độ, cách hành xử hay giá sử dụng quá cao… sẽ khiến các thành viên khác dựa vào đó cân nhắc quyết định có nên tiếp tục hay không.
“Trước mắt Avasa chỉ cho thành viên chia sẻ những vật dụng có giá trị thấp 5-10 triệu đồng trở xuống để hạn chế những sự cố phát sinh, rồi sẽ dần tới giá trị cao hơn. Hãy thử tưởng tượng bạn đi du lịch Đà Lạt mà không cần phải mua sắm gì vì có thể tìm được máy ảnh, trang phục lạnh… từ thành viên ở nhà và xe máy, thậm chí chỗ ở dạng homestay từ thành viên bản địa” - đại diện nhóm bạn cho biết.
Avasa sẽ miễn phí 2-3 năm đầu và sau đó dựa vào phân tích các chia sẻ mới quyết định tỉ lệ cũng như hình thức thu phí sử dụng dịch vụ. Theo dự kiến, khoảng 10% số người sử dụng Internet sẽ tham gia sử dụng dịch vụ kết nối cùng với các quảng cáo đi kèm. Nhóm thực hiện dự kiến doanh thu của dự án vào khoảng 300 triệu đồng/tháng khi bắt đầu thu phí và sẽ tăng dần lên.
Bài toán lòng tin
Không cần đợi đến khi bắt tay vào thực hiện mà ngay từ đầu nhóm đã nhìn thấy núi khó khăn cần phải giải quyết. ở những mô hình như Amazon, mức độ uy tín dựa trên giao dịch và giá trị hàng hóa nhưng đấy chủ yếu là hàng hóa mới, có giá cả rõ ràng và thống nhất, trong khi việc chia sẻ đồ dùng cá nhân là hàng hóa đã qua sử dụng, giá cả rất khó xác định để thỏa thuận với nhau. Do đó tiêu chí đánh giá theo số giao dịch khó nói lên tất cả vì có khi cả chục giao dịch thành công với thời trang cũng chưa bằng giá trị một giao dịch với iPhone hay máy ảnh.
Để đề phòng tình trạng gian dối hay lừa đảo, ở nhiều nước người ta có thể kiểm chứng chính xác thông tin người dùng ngay lập tức thông qua Internet, hoặc yêu cầu thành viên phải đưa ảnh chụp cùng với thẻ căn cước hay passport cầm trên tay để đối chiếu. Nhưng ở Việt Nam, người ta có thể thay ảnh mình vào một CMND nhặt được và một địa chỉ rõ ràng có khi lại là nhà thuê và chủ nhà thậm chí cũng không biết làm sao liên lạc được với người thuê nhà trước đó. Nhóm Avasa dự định ứng dụng có thể sử dụng dữ liệu cá nhân từ Facebook để bổ sung uy tín của thành viên, vì uy tín trên Facebook cũng là thông tin đáng tham khảo mà ngay cả các công ty “săn đầu người” cũng sử dụng để tìm hiểu ứng viên. Nhưng dẫu sao đây cũng chỉ là một giải pháp tình thế vì Facebook suy cho cùng cũng là một chốn “ảo” khác.
“Bản thân em từng làm việc ở mảng tài chính cho vay, ngân hàng có thể cho khách hàng vay hàng chục triệu đồng chỉ bằng tín chấp nhưng những yêu cầu để có thể cho khách hàng được vay tín chấp của ngân hàng lại quá chi tiết và phức tạp để áp dụng vào một website chia sẻ đồ dùng cá nhân” - Lê Nguyên Đức, phụ trách Business Analysis của nhóm, hiện đang làm phân tích dữ liệu tại VIB Bank, cho biết.
Khó khăn lớn nhất không phải là vấn đề kỹ thuật mà chính là làm cách nào xây dựng lòng tin của thành viên với nhau. Việc trao đổi những món đồ có giá trị lớn đòi hỏi lòng tin vì ngay cả khi không xảy ra tình huống lừa đảo vẫn có khả năng xảy ra trục trặc, trầy xước hay hư hỏng vật dụng do thói quen thiếu giữ gìn khi sử dụng đồ người khác.
“Có thể lòng tin và ý thức người dùng là trở ngại đối với mọi người khi tham gia các hoạt động ở Avasa nhưng tụi em hy vọng cũng có thể qua những lợi ích khi tham gia Avasa sẽ giúp cộng đồng dần dần xây dựng nên lòng tin với nhau” - đó là điều mà nhóm thực hiện dự án Avasa bày tỏ khi chia sẻ dự án của mình.
Cần thêm trách nhiệm của người dùng Nhiều người Việt thiếu trung thực và kinh nghiệm khi sử dụng thương mại điện tử. Rất nhiều khách hàng khi đến gặp bộ phận chăm sóc khách hàng cho thấy họ không có thói quen dùng tên thật hay số điện thoại, CMND của mình mà lấy của người khác nên khi tài khoản của họ xảy ra sự cố, bị kẻ gian hack mất… thì không thể giúp họ lấy lại được tài khoản vì họ không chứng minh được nhân thân với thông tin đã đăng ký. TRẦN HẠO ANH |