LTS: Họ là những người còn rất trẻ, “cha đẻ” của những dự án khởi nghiệp không đụng hàng từ nông nghiệp cho đến thương mại điện tử.
Có lần ngồi dự cuộc họp của CLB Nhà đầu tư thiên thần, nghe bà Cao Ngọc Dung - Tổng Giám đốc PNJ nói: “Tôi chỉ mê những dự án tận dụng được lợi thế của Việt Nam để có thể cạnh tranh được trên diện rộng hơn. Chẳng hạn một dự án biết tận dụng nắng là thứ mà xứ mình nhiều nhưng nhiều nước thiếu vô cùng…”. Từ suy nghĩ này, chúng tôi đến vùng “gió như Phan và nắng như Rang” để tận mắt thấy câu chuyện của chàng trai về từ Phi châu đang nuôi giấc mơ mang nho Phan Rang chinh phục thị trường: Chuyện của Hoàng Quí Dương, người vừa giành giải vô địch cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức.
Người hồi sinh mảnh đất chết
Cách quốc lộ 1A năm cây số về phía tây bắc, Thành Sơn thuộc xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận. Đó là một thôn nhỏ chừng trên 350 hộ dân sinh sống, diện tích canh tác nông nghiệp trên 120 ha. Là vùng đất thiếu mưa, thừa nắng, đất đai nhiễm phèn rất nặng. Ở đó chúng tôi gặp Hoàng Quí Dương, biệt danh Dương “Angola”.
Biệt danh này có là vì Dương từng năm năm sống ở vùng đất Angola xa xôi để làm, để học, để tích lũy cho giấc mơ “nho Ninh Thuận” đã âm ỉ trong anh từ những ngày nhỏ xíu. Và cũng có thể vì làn da đen như mun của anh chàng làm chúng tôi “hết hồn” khi chạy xe vòng vèo rất sâu giữa những bờ cát chỉ toàn xương rồng để đến được nhà anh.
Sinh năm 1982, ngay từ khi còn nhỏ, hằng ngày Dương vẫn đi theo cha tưới nho trong vườn. Cái bình xịt nặng gần 20 kg làm oằn đôi vai người cha làm Dương xót dạ và cứ mong mình mau lớn để gánh giùm cha cái bình nặng nhọc này.
Hoàng Quí Dương (bên phải) và các cộng sự đang biến giấc mơ vườn nho giữa nắng gió thành hiện thực.
Dương tâm sự, sống là hy vọng và khát khao, khát khao được đứng vững trên mảnh đất quê hương này, được tự tay ươm mầm xanh của những cây giống nho xanh và được tự mình thỏa sức đam mê chăm bón chúng, theo dõi chúng lớn lên từng chút một. Theo Dương, hai chữ “làm giàu” ai cũng ham muốn cả nhưng với một thanh niên nghèo như mình thì làm sao đây. Cơ hội thật sự đến là lúc Dương được sang nước Angola làm kinh tế cùng gia đình người cậu. Được hơn năm năm, khi trong tay có được ít đồng vốn thì Dương quyết định trở về miền quê Ninh Hải đầy nắng và gió, xin cha mẹ mảnh đất gần nhà để thử nghiệm ước mơ của mình.
Mảnh đất này từng để hoang vì đã chết do phải chịu nắng, gió và cát, bị nhiễm mặn và phèn nặng lâu năm. Việc canh tác đòi hỏi nhiều công sức và tiền của, cần phải san lấp mặt bằng và phải làm sao tạo được độ cao chuẩn cho khỏi bị nhiễm phèn và mặn nữa. Đây là bài toán quá khó đối với một chàng trai có số vốn ít ỏi, học vấn chỉ mới xong tiểu học, kinh nghiệm chưa có.
Dương quyết định đầu tư cho mình một cái laptop để tra cứu trên mạng, học hỏi ở những mô hình thực tế và tìm kiếm phương pháp cải tạo đất và dinh dưỡng cây trồng. Dương quyết định chở số lượng lớn đất tốt về làm và đầu tư một lượng lớn phân hữu cơ, phân xanh và phân chuồng về để cải tạo tính cơ học của đất. Khi đất có dấu hiệu của sự hồi sinh, mượt mà hơn thì Dương bắt đầu xuống giống nho xanh.
Mở rộng kết nối để đi xa
Lần tiếp theo được nghe lại câu chuyện nho Ninh Hải lại không phải từ Dương mà từ một cô thủ lĩnh thanh niên của vùng tên là Vy. Vy xuất hiện tại cuộc gặp gỡ mang tên Tiger at Mekong - cuộc gặp gỡ những nhà khởi nghiệp trẻ khu vực sông Mekong do chính phủ Mỹ tài trợ. Giữa những câu chuyện khởi nghiệp công nghệ cao của Thái Lan, của Lào, của Myanmar, câu chuyện về nho Ninh Hải được mọi người quan tâm vì sự “lạ lùng” của nó. Nói về khởi nghiệp, người ta hay nghĩ đến những dự án công nghệ cao, những ý tưởng làm thay đổi xã hội thông qua thiết bị thông minh hay những ứng dụng trên điện thoại thông minh. Nhưng cây nho Ninh Hải lại kể chuyện về việc làm thế nào để biến những vùng đất xấu nhất thành những vườn nho ngon nhất, chất lượng nhất nhờ nắng và gió quê hương.
Hóa ra Dương không đi một mình. Anh tìm những người bạn có chung giấc mơ để liên kết, cùng nhau ươm cây nho theo phương thức mới. “Đi cùng nhau thì mới đi xa được chứ…” - Vy cười rất tươi.
Và quả thật, ở hội chợ Techmart vừa rồi tại Hà Nội, lại gặp Dương và Vy lặn lội mang những thùng nho của mình đi chinh phục thị trường mới. Ai cũng hỏi: “Nho Trung Quốc hay nho Mỹ đây?”. Họ cười, có phần bẽn lẽn: “Dạ nho Phan Rang đó, cô ăn thử đi, khác dữ lắm. Nho quê mình mới ngon chớ cô”. Cô khách hàng ăn thử, hỏi cắc cớ: “Biết nho có tác dụng gì không?”. Dương cười toe, mừng rỡ, đúng là đi thi trúng tủ. Anh kéo cái ghế mời khách ngồi, nói một hơi rất dài về nho…
“Trả bài” thành công, nhóm của Dương có được đơn hàng to đùng, đều đặn mang nho ra Hà Nội bán.
Con đường chẳng mấy ai đi
Hỏi Dương nho bán được rồi, tính sao nữa. Anh chia sẻ: “Giá cả bấp bênh cho người dân quê mình dữ lắm, mọi việc đều tùy thương lái. Để tìm lối đi riêng cho nho xanh quê mình trong thị trường chung, tôi đi liên kết với khu vực nông hộ, hình thành khu trồng nho xanh an toàn theo hướng VietGAP, bên cạnh đó cung ứng các dịch vụ bao bì thùng carton đóng nho thành phẩm cho các thương lái thu mua trên địa bàn. Tạo ra một kênh bán hàng tại vùng với mức giá 45.000-55.000 đồng/kg. Đây là sản phẩm đạt chuẩn về độ an toàn, chất lượng, chúng tôi không chạy theo số lượng, đầu tư chủ yếu để tạo chất lượng trái nho. Dự tính sẽ xây dựng một nhà sơ chế nho khoảng 100 m2, tạo công ăn việc làm ổn định cho năm nhân công tại nhà sơ chế, thu nhập với mức lương tháng ổn định từ 3,5 triệu đồng/tháng. Và hơn 20 nhân công làm luân phiên theo vụ. Nhân sự chính có ba người phụ trách ba nhiệm vụ: chủ cơ sở, kỹ thuật trồng (thu-mua), tiếp thị-bán hàng”.
“Là những người nông dân canh tác và làm giàu từ mảnh đất khô cằn quê nhà, chúng tôi chỉ mong muốn được giới thiệu chính sản phẩm mình làm ra, khẳng định với mọi người rằng: “Nho xanh quê tôi sạch, an toàn, tuy số lượng chỉ đủ cung cấp một thị phần khách trong nước nhưng trên dải đất Việt Nam sẽ không có nơi nào có nho như thế”. Đó là ý chí và sự đầu tư bài bản, khoa học. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn giới thanh niên học tập và làm theo những cách làm của chúng tôi, không bỏ quê vào TP sinh sống. Thế hệ đi sau sẽ rút kinh nghiệm và có thể làm tốt hơn thế hệ chúng tôi, có những cách làm kinh tế tốt hơn và đem lại nguồn thu nhập kinh tế cao, tạo nên một vùng nông thôn khang trang, giàu đẹp. Có như thế cuộc sống cộng đồng sẽ thêm một nụ cười, giảm đi một giọt nước mắt”.
Bây giờ mỗi lần ăn nho, chúng tôi lại nhớ lời dặn của Dương: “Phải ăn luôn hạt nhen, rất nhiều chất bổ dưỡng còn hơn cả thuốc trong cái hạt nho đó…”.
Từ lâu nho đã được chứng minh là một loại quả chứa nhiều chất bổ có lợi cho sức khỏe như tăng cường sức đề kháng, chống lão hóa, tốt cho tim mạch, có tác dụng thải độc tố... Trái nho chứa khoảng 65%-85% nước, 10%-33% đường (glucose và fructose), phlobaphene, acid galic, acid silicic, quercetine, anin, glucosides, mono delphinidin và delphinidin, acid hoa quả, acid phosphoric, salicilic, acid chanh, acid formic, acid oxalic, pectin, hợp chất tanin, muối kali, magiê, canxi, mangan, coban, sắt và vitamin B1, B2, B6, B12, A, C, P, PP, K, acid folic và các enzyme. Vì vậy ăn nho giúp con người trẻ lâu, làm giảm nếp nhăn, tăng sức đề kháng, chống lại sự xâm nhập của các loại virus. Ngoài ra trong quả nho còn chứa nhiều đường glucose và fructose dễ hấp thụ, các vitamin và khoáng chất có tác dụng tăng sức đề kháng cho cơ thể. |
Kỳ sau, Chủ nhật 25-10:
Giúp doanh nghiệp tự tạo Mobile App
Trong xu thế các thiết bị thông minh phát triển, Hoàng Nam Hải cùng bạn bè đã nghĩ ra ý tưởng với tên gọi là MAGMA. Đây là ứng dụng trên điện thoại giúp các doanh nghiệp và cá nhân tự tạo ra các ứng dụng mà không cần kỹ thuật, thiết kế và trong thời gian cực kỳ ngắn.