Phùng Mạnh Tuấn (Hà Nội) từng trải qua những ngày buồn chán vì trượt ĐH nhưng chỉ một thời gian ngắn bạn quyết định đối diện với sự thật. Yêu thích công việc nấu ăn, Tuấn quyết định đăng ký vào ngành nấu ăn Trường CĐ Du lịch (Hà Nội). Sau ba năm học ra trường, Tuấn được nhận ngay vào một nhà hàng lớn ở Hà Nội, trong khi nhiều bạn bè có bằng ĐH ra trường vẫn thất nghiệp.
Trượt đại học là… may mắn!
Hiện tại Tuấn đang là nhân viên tại khách sạn Lotte Hotel Hanoi. Nhìn lại quãng đường đã qua, Tuấn cho biết với việc bạn trượt ĐH lại là một điều… may mắn! “Thực ra sức học của mình không tốt nên hồi thi ĐH mình cũng chỉ dám đăng ký trường tầm tầm vì nghĩ có bằng ĐH sẽ đỡ vất vả hơn. Nhưng may mắn là mình không đậu. Mức lương hiện tại của mình tuy không cao nhưng quan trọng là mình được sống với ước mơ thực sự của mình, đi làm luôn cảm thấy vui vẻ, mình muốn phấn đấu để có cái nghề tốt hơn nhằm cải thiện thêm thu nhập” - Tuấn chia sẻ.
Anh Nguyễn Quang Kỳ (TP.HCM) khởi nghiệp từ một công nhân với tấm bằng trung cấp điện. Đi lên từ người thợ nên anh thấm thía giá trị của hai chữ học nghề. Anh bảo những người theo nghiệp người thợ vẫn chưa được định hướng ngay từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường, mà chờ “kẹt cửa” vào ĐH mới rẽ ngang. Chính điều này khiến sự đam mê và kiên trì theo nghề không bền, thậm chí bỏ giữa chừng.
Kiên trì mục tiêu lập nghiệp từ con đường nghề, đến nay anh Kỳ không những có công ăn việc làm ổn định mà còn lập Công ty TNHH SX-TM Inox Hoàng Khang do anh làm giám đốc. Công việc sản xuất và kinh doanh của công ty anh ngày càng có nhiều hợp đồng, chủ yếu trong lĩnh vực cung cấp thiết bị inox cho bếp ăn công nghiệp, nhà hàng và các club bia đang thịnh hành ở TP. Anh đánh giá hiện nhu cầu về thiết kế bếp rất dồi dào với đòi hỏi mỹ thuật và kỹ thuật rất khắt khe như làm ống khói, chạy đường điện, lắp đặt bếp điện, bếp từ rất đa dạng, thu nhập cao nhưng nguồn thợ lành nghề lại rất khan hiếm.
Học viên nghề với chuyên môn giỏi và kỹ năng thuần thục luôn thu hút các nhà tuyển dụng. Ảnh: P.ĐIỀN
Học nghề thực thụ
Hàng trăm ngàn cử nhân, kỹ sư thất nghiệp thời gian qua đã bắt đầu tác động đến nhận thức nhiều bạn trẻ trong định hướng nghề nghiệp tương lai. Đã có nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp THPT tìm đến trường nghề thay vì học lên ĐH. Tại Trường Trung cấp Bách khoa Sài Gòn (huyện Củ Chi, TP.HCM) có nhiều học viên như Hoàng Tuấn Nhật, Nguyễn Văn Tiến… đã từ chối học ĐH để chọn trường nghề vì muốn có một nghề thực thụ nuôi sống mình chứ không phải cầm bằng ĐH đi nhiều nơi nhưng không ai nhận.
Tại TP.HCM, thời gian qua nhiều trường nghề đã nắm bắt được nhu cầu này nên mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, thay đổi phương thức đào tạo gắn với thực hành, liên kết với các doanh nghiệp (DN) tuyển dụng.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Châu Văn Dưỡng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa Sài Gòn, cho biết: “Trường xác định nhiệm vụ hàng đầu là dạy nghề và gắn với việc làm chứ không thể nói chung chung”. Ông Dưỡng cũng cho biết chỉ tiêu tuyển sinh năm nay đã thuận lợi hơn.
“Trường tìm đến các DN nắm bắt nhu cầu họ cần đào tạo nghề gì, kỹ năng ra sao, thái độ ứng xử như thế nào, trình độ ngoại ngữ cấp độ nào để đào tạo học viên đáp ứng các yêu cầu đó. Đồng thời nhà trường cũng giải quyết luôn bài toán mà học viên khi đi xin việc đều gặp phải đó là “chưa có kinh nghiệm nhà trường dành thời gian cho học viên vào các nhà máy, công xưởng, văn phòng làm việc như những người lao động thực thụ” - ông Dưỡng cho biết.
Tương tự, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương (quận 5, TP.HCM) đến nay đã lấp kín 500 chỉ tiêu tuyển sinh. ThS Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Hiệu trưởng, cho biết mục tiêu tuyển sinh của trường tập trung vào những nghề nhu cầu DN cần, đồng thời giảm dần chỉ tiêu những nghề nhu cầu tuyển dụng hạn chế. Ông Hạnh đánh giá nhờ linh hoạt chuyển đổi ngành nghề nên trường có nhiều đơn hàng từ các DN trên địa bàn TP. “Hiện các nghề nằm trong tốp có việc làm cao gồm nghề điện-điện lạnh, tự động hóa, công nghệ chính xác CNC. Riêng nghề cơ khí cung không đủ cầu, học viên ra trường bao nhiêu DN tuyển bấy nhiêu” - ông Hạnh cho biết.
Liên kết đào tạo với 800 DN Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng (quận Tân Bình, TP.HCM) đến nay cũng lấp kín 2.500 chỉ tiêu tuyển sinh. Ông Hồ Văn Sĩ, Phó Trưởng phòng Tuyển sinh-Đào tạo và Giới thiệu việc làm, cho biết qua liên kết đào tạo, tuyển dụng với hơn 800 DN cho thấy nhu cầu nhân lực ngành kỹ thuật-công nghệ (công nghệ kỹ thuật nhiệt, cơ khí, điện-điện tử, công nghệ kỹ thuật ô tô) khá cao và DN thường xuyên tuyển dụng. “DN đòi hỏi tay nghề, kỹ năng và thái độ làm việc ngày càng chuyên nghiệp, tác phong công nghiệp hơn. Do đó trong thời gian thực hành, trường đưa học viên đến các DN để cọ xát thực tế, nắm bắt môi trường làm việc để khi ra trường các công ty không mất thêm thời gian đào tạo lại” - ông Sĩ nói. Thị trường đang “khát” nhân lực thợ lành nghề với mức lương cao; trong khi sinh viên ra trường không tìm được việc làm, làm không đúng chuyên môn hoặc trong tình trạng học xong mà chưa xác định sẽ làm gì với tấm bằng trong tay. Các bạn hãy suy nghĩ về nghịch lý này và tự định hướng nghề nghiệp tương lai của mình. Bà TRẦN THÙY TRÂM, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty Giải pháp nguồn nhân lực L&A Lao động có chuyên môn là tài sản quý giá của các công ty, do vậy chế độ đãi ngộ luôn có lợi cho người lao động. Một công việc ổn định trong thời điểm này không phải là quá khó với người lao động có trình độ chuyên môn nhất định. Bà NGUYỄN HẢI QUỲNH, Trưởng phòng Tiếp thị và Truyền thông nhà tuyển dụng trực tuyến Vietnamworks |