Sự cố chìm tàu ​​chiến Moskva của Nga có làm thay đổi cục diện cuộc chiến Ukraine?

(PLO)- Việc tàu Nga bị đánh chìm là đòn giáng mạnh vào Moscow và niềm tự hào của quân đội Nga, song hầu như không có khả năng thay đổi cục diện cuộc xung đột Ukraine.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo hãng tin AFP, Nga đã xác nhận tàu tuần dương tên lửa Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen, đã bị chìm trong lúc được kéo về cảng sau vụ nổ hôm 14-4.

Phía Ukraine nói rằng lực lượng của họ đã tấn công con tàu, song Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa đưa ra xác nhận. Ngày 15-4, một quan chức cấp giấu tên cao của Lầu Năm Góc cho biết soái hạm Moskva đã bị trúng hai tên lửa chống hạm Neptune của Kiev trước khi chìm ở Biển Đen. Đây được coi là một "đòn giáng mạnh" vào Moscow.

Nga mất những năng lực nào?

Nga có các hệ thống phòng không mạnh mẽ được triển khai ở Crimea mà nước này đã thu giữ từ Ukraine vào năm 2014, nhưng tàu Moskva có thể cung cấp năng lực bảo vệ phòng không tầm xa và cơ động cho toàn bộ Hạm đội Biển Đen cũng như đóng vai trò là một trung tâm chỉ huy và kiểm soát nổi.

Tàu được trang bị tên lửa chống hạm và tên lửa đất đối không, nhưng không được trang bị tên lửa hành trình Kalibr hoặc tên lửa siêu thanh thế hệ mới nhất của Nga. Tuy vậy, việc đánh mất con tàu làm suy giảm đáng kể khả năng phòng không của Hạm đội, đặc biệt là trong các nhiệm vụ tầm xa.

Tàu tuần dương tên lửa Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen Nga. Ảnh: 19FORTYFIVE

Tàu tuần dương tên lửa Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen Nga. Ảnh: 19FORTYFIVE

Thủy thủ đoàn ra sao?

Moscow cho biết con tàu sở hữu một một thủy thủ đoàn khoảng 500. Lực lượng này đã được sơ tán thành công sang các tàu khác trước khi được đưa về cảng Sevastopol ở Crimea hôm thứ 15-4. Ukraine cho biết có khả năng đã có người thiệt mạng, nhưng Nga chưa nói gì về vấn đề này.

Cục diện cuộc xung đột Ukraine bị thay đổi?

Theo AFP, việc tàu Nga bị đánh chìm hầu như không có khả năng thay đổi cục diện cuộc xung đột Ukraine, nhưng Bộ Quốc phòng Anh cho biết tổn thất của nước này có khả năng khiến Nga xem xét lại tình hình lực lượng hải quân của mình ở Biển Đen.

Các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, mặc dù vụ chìm tàu ​​sẽ có tác động mang tính biểu tượng và có khả năng làm dấy lên câu hỏi về năng lực hải quân lâu dài của Nga, nhưng nó sẽ khó có tác động lớn đến diễn biến của cuộc xung đột khi Hải quân Nga cho đến nay vẫn chưa đóng vai trò lớn.

Liệu Hải quân Nga có thay đổi cách thức hoạt động?

Theo AFP, Hải quân Nga có thể sẽ thay đổi cách hoạt động, nhưng sự thay đổi đó không quá quan trọng. Sau khi tàu Moskva xảy ra vụ nổ hôm 14-4, khoảng 5 tàu chiến Nga ở phía bắc Biển Đen đã di chuyển ra xa bờ biển hơn, khoảng 80 hải lý.

Các quan chức Mỹ cho rằng những con tàu này vẫn có khả năng thực hiện các cuộc tấn công vào Ukraine từ khoảng cách đó và ít có khả năng bị Ukraine nhắm mục tiêu.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho biết khả năng quân đội Ukraine đánh tàu chiến Nga ở Biển Đen có thể buộc Hải quân Nga phải triển khai thêm hệ thống phòng không và các phương tiện khác để bảo vệ.

Theo AFP, Nga có thể sẽ phải gặp nhiều khó khăn để thay thế các năng lực quân sự mà tàu Moskva mang lại. Moscow có hai tàu khác cùng lớp, đó là Marshal Ustinov và Varyag, lần lượt phục vụ cho Hạm đội phía Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương của Nga. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia kiểm soát việc tiếp cận Biển Đen qua eo biển Bosphorus, sẽ không để các tàu chiến này vào khu vực ở thời điểm hiện tại.

Vụ đánh chìm này đã giáng đòn lớn đối với niềm tự hào của Nga. Mặc dù soái hạm Moskva đã “quá già cỗi” nhưng nó lại là biểu tượng của Hạm đội Biển Đen và niềm tự hào của quân đội Nga.

Theo đánh giá của ISW, vụ đánh chìm tàu Moskva, dù do tên lửa Ukraine tấn công hay do một sự cố nhầm lẫn, vẫn là “một đợt thắng lớn về mặt tuyên truyền của Ukraine". Các nhà ngoại giao và chuyên gia phương Tây cho rằng các sĩ quan cấp cao trong Hạm đội Biển Đen rất có thể sẽ bị cách chức vì vụ chìm tàu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm