Nguyên nhân của việc thay đổi này là hành động khắc phục cho một Quyết định 2377 đầy sai lầm trước đó là “HS có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ (hệ số 1) và được quy đổi thành điểm 9 hoặc 10”.
Khi Quyết định 2377 được ban hành, nhiều phụ huynh đã đầu tư tiền bạc, công sức đưa đón con mình đi học, thi để có chứng chỉ ngoại ngữ. Thế nhưng công sức của họ trở thành công cốc. Khi Sở GD&ĐT quyết định không thi môn ngoại ngữ, không công nhận chứng chỉ để quy đổi điểm, một phụ huynh đã bật khóc tức tưởi với lãnh đạo sở này vì công sức của cả mẹ con đổ sông đổ biển.
Phụ huynh phẫn nộ vì cách làm đường đột, không khoa học khi không được thông báo trước của Sở. Còn việc đầu tư tiền bạc cho con cái học hành, nâng cao kiến thức thì chả mất đi đâu. Vì mục đích đầu tư là trang bị kiến thức cho con cái suốt chặng đời còn lại. Dĩ nhiên không loại trừ những phụ huynh chạy chọt, lo lót cho con mình có chứng chỉ để được cộng điểm. Nhưng sự bức xúc của phụ huynh là rất chính đáng.
Việc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng nhìn nhận có 40% chất lượng chứng chỉ ngoại ngữ “có vấn đề” để sửa sai và tạo sự cạnh tranh công bằng giữa tất cả em HS là đáng ghi nhận. Vì thực tế, không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện để cho con đi học lấy chứng chỉ ngoại ngữ. Việc ban hành Quyết định 2377 đã tạo ra sự không công bằng ngay từ vạch xuất phát trong kỳ thi. Nhận sai là việc nên làm hơn là ém nhẹm cho qua và lờ đi một quyết định sai trái, bất công.
Nhưng giá như sở này công bố sớm hơn, thông tin kịp thời hơn thì sẽ không có sự phản ứng dữ dội của phụ huynh. Bởi việc thông tin sớm những thay đổi của kỳ thi hoàn toàn nằm trong bàn tay Sở và các trường.
Mặt khác, việc truy trách nhiệm để xảy ra sự việc trên cần phải được làm rõ. Trong đó cần làm rõ trách nhiệm ai đã tham mưu, ai ký Quyết định 2377 trái với các quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT và của TP? Ký một quyết định không công bằng, trái quy định như vậy vì năng lực hay vì động cơ nào khác? Ngoài ra, Đà Nẵng cũng cần điều tra làm rõ vấn đề chất lượng của các trung tâm ngoại ngữ đã cấp chứng chỉ “có vấn đề” được báo chí đề cập để xử lý nghiêm trước pháp luật. Điều đó cũng là để lấy lại sự công bằng cho chính các em học hành và thi cử đàng hoàng.
Hơn hết, 13.000 HS sắp thi lớp 10 và các em HS của Đà Nẵng (hiện tại và trong tương lai) không thể trở thành “con chuột bạch” cho các quyết định trái, thiếu sự công bằng. Ngoài việc điều tra, xử lý trách nhiệm, ngành giáo dục TP cũng cần có lời xin lỗi gửi tới các phụ huynh và nhất là các em HS.