Bên cạnh những trò chơi thực sự văn minh, mang tính trí tuệ và gắn kết, có không ít những trò chơi rất dung tục, phản cảm.
Khi xem những clip trò chơi đăng tải tràn lan trên các mạng xã hội, tôi đã từng nghĩ liệu có một ngày nào đó những thứ trò dung tục ấy sẽ bị lan vào trường học hay không? Và điều đó đã đến.
Tôi khoan nói đến ai đúng, ai sai, ai phải chịu trách nhiệm trước vụ việc ở Trường THPT-THSP Cần Thơ, điều tôi muốn bàn đến là đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại và dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác tổ chức và chất lượng của các sự kiện trường học, một mảng vô cùng quan trọng trong việc hình thành các kỹ năng cho học sinh.
Bản thân đã từng đảm nhận trọng trách này nên tôi thấy sự cần thiết và ý nghĩa giáo dục của từng sự kiện. Và cũng rất hiểu để tổ chức thành công một sự kiện mang đầy đủ ý nghĩa và đảm bảo tính giáo dục cho học sinh thì không phải là điều dễ dàng. Rất tiếc cả một mảng lớn trong giáo dục nhà trường hằng năm lại chỉ được đoàn thanh niên và hội đồng đội quan tâm. Các bộ phận còn lại và cả xã hội dường như bỏ ngỏ.
Các thầy cô làm công tác sự kiện gần như đơn độc trên con đường ấy và hầu hết không ai trong số họ được đào tạo một cách bài bản.
Quay lại với đoạn clip mà các em học sinh đưa lên mạng. Tôi thấy thương các em, bọn trẻ còn nhỏ chưa đủ để phân biệt! Đôi khi vì vui, vì ham giành chiến thắng mà xả thân tham gia...! Tôi trách những người lớn chứng kiến đôi khi và “vô tình” bị cuốn theo trò chơi với những tiếng cười “nhạt nhẽo” rồi cứ thế cuồng nhiệt cổ vũ theo mà “quên” nhận ra cái trò mà tụi trẻ đang tham gia chơi nhiệt tình ấy rất phản giáo dục, được mô phỏng từ một game sex show (của Nhật Bản - họ làm cho một đối tượng và một mục đích hoàn toàn khác).
Điều tôi sợ nhất sau mỗi lần báo chí và xã hội phản ánh một hiện tượng nào đó chưa đúng hoặc cần rút kinh nghiệm của giáo dục là sự thu mình của các trường học, của các thầy cô.
Tôi không mong sau sự kiện này, các nhà trường vì sợ mà hạn chế tổ chức sự kiện vì như thế là tước đi quyền được trưởng thành và gắn kết của các em. Tôi cũng không mong các bậc phụ huynh vì chuyện này mà cho rằng đó là những hoạt động không giúp ích gì trong việc thu nạp kiến thức chuẩn bị cho các kỳ thi của các em. Vì học sinh tới trường không chỉ để học những kiến thức trong sách vở, các em cần được hoạt động trong các sự kiện để hoàn thiện thêm nhiều kỹ năng khác chuẩn bị cho tương lai.
Điều cuối cùng tôi mong chuyện này sẽ như một lời cảnh báo cho tất cả chúng ta, đừng quá dễ dãi trong khâu tổ chức, đừng lấy những tiếng cười dung tục chốc lát mà vấy bẩn tâm hồn bọn trẻ.
Và mong chúng ta hãy dành sự quan tâm đúng mực đối với các hoạt động phong trào trường học. Đừng thờ ơ, đừng bỏ ngỏ, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.