TRONG TAY CƯỚP BIỂN SOMALIA - BÀI 2

Sự thỏa hiệp của chính quyền

Trong quá trình tác nghiệp, các phóng viên của The New York Times (NYT) bất ngờ gặp người đứng đầu chính quyền khu vực bọn cướp đặt sào huyệt. Những sự thật được phơi bày khiến mọi người không khỏi ngỡ ngàng.

Quyền lực không bằng hỏa lực!

“Chúng tôi không biết mấy tên này là ai” - Mohamed Aden nói với phóng viên NYT về những tên hải tặc đã cướp thuyền của vợ chồng Chandler: “Chúng chả là gì cả, chúng tôi gọi chúng là gián, lũ côn đồ. Đây là lần đầu tiên chúng phải đưa một người nào đó vào đất liền, lần đầu tiên chúng bắt được một người nào đó. Phải mất sáu tháng chúng tôi mới xác định được chúng là ai”.

Aden - biệt danh thời thơ ấu được nhiều người biết đến chính là Tiiceey, Chủ tịch hành chính vùng Himan và Heeb, một chính quyền nhỏ, dựa trên nhiều thị tộc mới được hình thành ở miền Trung Somalia. Hai thập niên hỗn loạn không ngừng đã dẫn đến hậu quả là những chính quyền kiểu này xuất hiện khắp đất nước Somalia. 

Theo con số mới nhất, có hơn 20 chính quyền kiểu này ra đời, được các thành viên đồng tộc thành lập, một trong những yếu tố cơ bản của xã hội Somalia không bị cuộc nội chiến phá hủy hoàn toàn. Chính quyền liên bang thời quá độ (TFG) đặt ở Mogadishu, thủ đô ngập tràn súng đạn của Somalia, được Mỹ và Liên Hiệp Quốc viện trợ hàng triệu USD. Nhưng TFG được thành lập ở nước ngoài và không được chính quyền cơ sở ủng hộ bao nhiêu. Nó vừa mới nắm lấy Mogadishu và hoàn toàn không có hiệu lực gì ở miền Trung Somalia.

Sự thỏa hiệp của chính quyền ảnh 1

Bọn cướp biển đầu hàng khi bị tuần dương hạm có lên lửa dồn ép. Ảnh: navy.mil

Aden làm việc trong một ngôi nhà ở Adado, một thị trấn thương mại cách biển 200 dặm. Ông ăn mặc và nói năng như một người bình dân với mũ Kangol và quần rộng thùng thình, một chiếc iPhone lúc nào cũng bên hông. Ông từng là người Mỹ, sống nhiều năm ở TP Minneapolis, bang Minnesota, làm chủ một cơ sở chăm sóc sức khỏe trước khi được những người lớn tuổi hơn trong thị tộc Saleban kêu gọi đứng ra làm người đứng đầu chính quyền vùng Himan và Heeb. Aden đã nỗ lực xây dựng được một chính quyền từ những tạp nham, hoàn thiện một lực lượng cảnh sát có hoạt động, ban hành Luật Môi trường và xây dựng trường học. 

Tuy nhiên, Aden đã và sẽ còn vướng với vấn đề cướp biển. Danh chính ngôn thuận, chính quyền Himan và Heeb có quyền hạn đến vùng bờ biển nhưng thực tế thì Aden không có quyền ở những khu vực do các băng nhóm cướp biển kiểm soát mà hầu hết chúng là người thuộc thị tộc Saleban. “Tôi không có hỏa lực để thổi những tên đó biến đi. Tôi muốn nhưng tôi không thể” - Aden nói.

Hợp tác để phát triển

Thay vì thế, Aden trở nên thân mật với một số tên cướp biển khét tiếng của Somalia, trong đó có mấy tên có biệt danh là Con trai của đứa nói láo, Gốc Đỏ, Răng Đỏ Miệng LớnMiệng Lớn được xem là một trong những cha đẻ của cướp biển Somalia và gần đây đã chuyển qua làm ăn trong việc phân phối khat (một loài cây có hoa chứa chất kích thích gây kích động, mất cảm giác thèm ăn và làm sảng khoái).

Miệng Lớn và Aden phối hợp xây dựng lại đường băng ở Adado để có thể chuyên chở nhiều khat - vốn đã trở thành nguồn thu nhập chính của chính quyền nhỏ bé ở Himan và Heeb (Aden đánh thuế mỗi chuyến bay). “Tôi sẽ làm gì đây? Tôi đang cố gắng phát triển địa bàn của mình” - Aden cười.

Sau khi chiếc thuyền buồm của vợ chồng Chandler bị cướp, Aden đến ngay Miệng Lớn để tìm ra thủ phạm là ai nhưng ngay cả Miệng Lớn cũng không biết. 

Trong những năm gần đây, khi số tiền chuộc tăng vọt, hàng ngàn thanh niên Somalia nghèo túng, vô học đã “đầu quân” vào nghề cướp biển. Bất cứ ai ở Adado cũng biết một gã trai mới nổi tên là Buggas đã đưa chiếc thuyền buồm đến thị trấn Amara gần bờ biển, nơi người dân ở đây luôn ủng hộ hắn. Sự ủng hộ của dân địa phương là rất quan trọng, bởi vì giam giữ con tin - nhất là những trường hợp kéo dài thời gian, có thể đòi hỏi chi phí lớn. Phải cho họ ăn uống và quan trọng nhất là bảo vệ nghiêm ngặt để băng cướp kình địch hoặc dân quân Hồi giáo không… bắt cóc lại con tin lần nữa.

Sự thỏa hiệp của chính quyền ảnh 2

Lực lượng tuần dương Mỹ trong một cuộc vây ráp cướp biển tại Biển Đỏ. Ảnh: WIKI

Mỗi tháng Buggas phải chi gần 20.000 USD để có thể “nuôi” con tin an toàn. Nào là khoản chi cho lương thực, thực phẩm, đạn dược, nào là chi cho bọn thuộc hạ chè chén. Song đắt đỏ nhất vẫn là tiền thuê người phiên dịch để nói chuyện với các con tin và thương lượng về tiền chuộc.

Cả xã hội đồng lõa

Bọn hải tặc có xu hướng mở hoạt động tín dụng - vay tiền từ các thành viên cộng đồng hoặc các tên cướp biển khác để có tiền dùng vào những nhu cầu nói trên, để rồi những người cho vay kia sẽ có ngày hưởng phần khi tiền chuộc được “nộp”. 

Ở Amara, bỗng đâu xuất hiện tin đồn rằng ông Paul, chủ chiếc thuyền buồm bị bọn cướp biển bắt cóc mà chúng tôi đã đề cập trong số báo ngày 27-10, là người giàu có, thậm chí có thể là… nghị sĩ Anh quốc. “Mọi người nói rằng họ chỉ có hai tháng để nộp tiền chuộc và kéo dài thời hạn đó thì con số sẽ lên gấp đôi. Họ đổ ra 5.000 USD, họ sẽ lấy lại 10.000 USD. Đó là một lợi nhuận ngon lành” - Aden nhớ lại.

Vợ chồng ông Paul hy vọng bọn hải tặc sẽ nhận ra rằng họ chẳng giàu có gì để thỏa thuận một khoản tiền chuộc khiêm tốn hơn. Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra. Tên cư?p ớp Buggas tin rằng y có hàng triệu đô la vì trong tay y là hai người da trắng. “Chính phủ Anh sẽ trả món tiền lớn, không vấn đề gì” - y nói.

Nhưng vấn đề là hai vợ chồng Paul không có nhiều tiền. Họ đã bỏ ra khoảng 75.000 USD để mua và sửa chữa chiếc thuyền buồm và họ sở hữu một căn hộ hai phòng ở ngoại ô London với giá khoảng 250.000 USD và một số tiền hưu trí 500.000 USD. Mấy tên hải tặc chế giễu số tiền vặt đó, chúng hô mức 7 triệu USD và bảo ông Paul tìm một nhà đàm phán. “Nhà đàm phán ư? Tôi không có nhà đàm phán nào cả” - Paul trả lời.

Vợ chồng Paul sớm rút ra kết luận rằng bỏ trốn hay chờ được cứu đều vô vọng. Ở vùng này của Somalia, bọn cướp biển tác oai tác quái mà không bị trừng phạt gì cả. Mọi người nhất là thanh niên luôn đến trại và ngồi hàng giờ với bọn cướp biển để nói chuyện, cười, thong thả uống trà, rõ ràng là cả cộng đồng này đồng lõa với bọn hải tặc và không ai giúp họ cả. Đối với Paul, đó quả là một tình cảnh cay đắng.

“Tôi phẫn nộ với cái xã hội Somalia. Tôi phẫn nộ với cả một cộng đồng” - Paul cay đắng nói.

Thân phận con tin

Amara là một vùng rộng đầy gió, được bao bọc bởi những cồn cát và gai cứng. Năm 2009, ở đây chỉ là hàng trăm ngôi nhà được xây dựng bất hợp pháp xen kẽ với những túp lều, một tháp điện thoại di động mọc lên và những con đường cát đầy phân lừa. Vợ chồng Paul bị Buggas đưa đến đó, khóa cửa nhốt lại.

Đối với Rachel - vợ Paul, ngày nào cũng như ngày nào, tất cả đều mơ hồ như ở một cõi nào đó. Bà thức dậy lúc bình minh, ông Paul ngủ thêm chút nữa. Họ sẽ nghiến răng lùa bữa sáng với gan dê, sau đó tắm rửa với một can nước giếng, đọc vài cuốn sách và viết nhật ký. Bữa trưa là món mì spaghetti “chay”, nhiều đến phát nôn. Sau đó là giấc ngủ ngắn và có thể giặt rửa cái gì đó. Buổi tối là đậu ngọt luộc và cơm. Sau đó thì ngủ… 

Những gì họ nhớ được là mùi mồ hôi, mùi nước hoa tởm lợm của những tên cướp. Mọi thứ đều buồn chán khủng khiếp.

“Tôi luôn đấu tranh. Tôi loay hoay để giết thời gian vào sáng sớm, sau đó tôi nằm thừ suy nghĩ. Tôi không muốn đọc, không muốn làm bất cứ việc gì. Tôi sẽ giết thời gian trong 10 phút nữa bằng cách nào đây, nói chi đến 10 tiếng đồng, 10 ngày nữa?” - bà Rachel kể sau khi được giải thoát.

ĐẶNG NGỌC HÙNG dịch

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm