gian lận BHXH (Điều 218); gian lận BHYT (Điều 219); trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động (Điều 220). Nhiều chuyên gia ủng hộ việc hình sự hóa các hành vi trên, xuất phát từ thực tế những năm gần đây tình trạng chiếm dụng, chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT ngày càng gia tăng ảnh hưởng đến người lao động. Lĩnh vực kinh doanh BH cũng xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng, nhất là BH nhân thọ và phi nhân thọ.
Có chuyên gia nhận xét việc thiết kế thành các tội riêng về BH như trên là hợp lý chứ không nên áp dụng một số tội có sẵn trong BLHS hiện hành như lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS), lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140 BLHS). Bởi lẽ kinh doanh BH là lĩnh vực có đặc thù nhất định, có nhiều dạng vi phạm khác nhau, xảy ra phổ biến...
Tuy nhiên, tại một hội thảo góp ý dự thảo BLHS (sửa đổi) do đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức mới đây, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) lại có quan điểm khác về việc bổ sung tội danh trục lợi trong kinh doanh BH. Theo luật sư Hậu, việc này là hình sự hóa quan hệ dân sự, sẽ gây chồng chéo với các quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Hậu đặt vấn đề: “Rõ ràng quan hệ cung cấp dịch vụ BH là quan hệ giữa hai chủ thể dân sự, giữa bên sử dụng dịch vụ là khách hàng và bên cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp (DN) kinh doanh BH. Bản chất của hoạt động kinh doanh BH là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi. Sẽ là quá ưu ái đối với các DN kinh doanh BH nếu đưa quy định này vào BLHS. Nếu DN hoạt động trong lĩnh vực khác như sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ khác cũng bị khách hàng lừa chiếm đoạt tiền thì liệu rằng Nhà nước có thiết kế thêm các điều luật riêng trong lĩnh vực đó để bảo vệ họ?”.
Theo luật sư Hậu, khi xảy ra sự kiện BH thì DN phải có trách nhiệm rà soát, kiểm tra các thông tin, hồ sơ hưởng BH để tránh trường hợp chi trả mức BH vượt quá thiệt hại thực tế. Và nếu có trường hợp chi trả vượt quá thiệt hại thực tế thì cần xem đây là một dạng rủi ro mà DN phải lường trước để tính vào phí BH mà mình cung cấp. Đồng thời đối với trường hợp khách hàng sử dụng hồ sơ giả hoặc có yếu tố gian dối nhằm chiếm đoạt, trục lợi khoản tiền BH thì có thể xem xét áp dụng Điều 139 BLHS để xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm Người nào làm sai lệch thông tin khi sự kiện BH đã xảy ra; tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng BH; lập hồ sơ giả, hiện trường giả hoặc thay đổi tình tiết về tổn thất, sự kiện BH; khai tăng hoặc khai khống mức độ tổn thất, sự kiện BH, chiếm đoạt tiền BH có giá trị từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì bị phạt tiền từ ba lần đến năm lần số tiền đã chiếm đoạt hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm. (Theo Điều 217 dự thảo BLHS sửa đổi) |