Ngày 20-11, ông Sử Đăng Hoài, Trưởng phòng Quản lý dự án thuộc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, cho biết đoạn đường Võ Văn Kiệt từ ngã ba Ký Con đến chân cầu Lò Gốm bắt đầu được sửa chữa, nâng cao mặt đường. Đoạn này dài 8,48 km đi qua các quận 1, 5 và 6.
Theo ông Sử Đăng Hoài, đường Võ Văn Kiệt (trước có tên là đại lộ Đông-Tây) được đưa vào sử dụng từ năm 2009. Đến nay, tại nhiều vị trí mặt đường đã bị xuống cấp, lão hóa mặt nhựa, rạn nứt chân chim. "Do đặc điểm tuyến đường này đi trên nền đất yếu, chạy dọc theo tuyến kênh Bến Nghé - Tàu Hũ nên thường bị ảnh hưởng bởi triều cường hoặc nước mưa nên tại nhiều điểm thường ngập, đọng nước 10 đến 30 cm" - ông Hoài cho biết. Trong ảnh: Đoạn ngay chân cầu Lò Gốm bị lún, thường đọng nước sau các cơn triều cường và mưa.
Cũng theo ông Hoài, tại các giao lộ trên tuyến, ở phần các làn đường dành cho ô tô có các vết lún, trồi mặt nhựa theo vệt bánh xe. Do đó tại các vị trí này sẽ được cào bóc lớp nhựa cũ, trải lớp nhựa mới chống hằn lún. "Theo quy trình kỹ thuật, một tuyến đường có ba cấp độ sửa chữa nhỏ sau 8-12 năm sử dụng, trung tu sau 12-15 năm và đại tu, sửa chữa lớn sau hơn 15 năm. Vì vậy, sau chín năm đường Võ Văn Kiệt được đưa vào sử dụng thì đợt nâng mặt đường, sửa chữa này là nằm trong quy trình, quy phạm. Lại nữa, đến nay tuyến Võ Văn Kiệt là tuyến trục Đông-Tây của TP.HCM với mật độ xe lưu thông mỗi ngày rất cao nên việc sửa chữa, nâng cấp là cần thiết!" - ông Hoài nói.
Hiện tuyến mương hở thoát nước dọc tuyến, phía nhà dân được mở nắp, nâng cao thành mương lên 20-30 đến 50 cm để làm cơ sở cho việc nâng cao mặt đường tiếp theo. Riêng đáy lòng mương vẫn được giữ nguyên và sau này sẽ thành lòng mương sâu hơn để chứa và thoát nước tốt hơn.
Các bồn cây xanh ở các dải phân cách giữa hai chiều ô tô chạy hoặc dải phân cách giữa làn xe máy với làn ô tô cũng được nâng cao hơn.
Các bồn cây xanh sau hoàn thiện sẽ sâu hơn và sẽ được đổ thêm đất vào, tạo thảm cỏ mới và giữ nguyên hàng cây hiện hữu.
Mặt đường cũ được cào bóc lớp bê tông nhựa cũ, chỉnh sửa tạo ra lớp đáy phẳng phía dưới và sau đó sẽ tráng lớp bê tông nhựa đường mới lên trên cùng.
Theo ông Hoài, do phải vừa thi công sửa chữa vừa phải bảo đảm lưu thông bình thường nên tại các vị trí thi công cuốn chiếu chỉ chăng dây cảnh báo, không có dựng rào chắn bằng tôn.
Tại các vị trí giáp nối lên xuống đầu cầu do có độ lún võng lớn nên đợt này sẽ nâng cao phần đầu đường dẫn lên xuống cầu để cho xe đi êm thuận.
Đợt tiếp tục sửa chữa, nâng cao độ mặt đường Võ Văn Kiệt tại 28 vị trí thuộc đoạn từ cầu Lò Gốm đến giao lộ Ký Con dài gần 8,5 km, đi qua các quận 1, 5 và 6; có tổng mức đầu tư gần 56,5 tỉ đồng. Thời gian thi công là 240 ngày.
Trước đó, hồi tháng 4-2018, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn cũng đã thực hiện nâng cấp đường Võ Văn Kiệt, đoạn từ nút giao Tân Kiên đến cầu Lò Gốm (dài 4 km, qua địa bàn quận Bình Tân, quận 8). Theo đó, đã nâng cao độ mặt đường lên trung bình 30 cm ở một số nơi và cải tạo hầm ga, mương thu nước, bồn cây xanh...