Sửa đổi hàng loạt đạo luật để cụ thể hóa quyền con người

“Có đến 28 đạo luật sắp tới đây cần được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để cụ thể hóa trực tiếp những quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân. Trong 28 văn bản này có 12 văn bản thuộc lĩnh vực quyền dân sự chính trị và 16 văn bản thuộc lĩnh vực quyền kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân. Và dự kiến những luật, bộ luật về quyền con người, quyền công dân sẽ được Quốc hội xem xét ban hành trong năm 2014-2016”. TS Nguyễn Văn Hiển, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), đã cho biết như thế tại Hội thảo định hướng thể chế hóa bằng pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện quyền con người trong Hiến pháp 2013, do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 28-3.

Tại hội thảo này, các đại biểu cho rằng Hiến pháp 2013 đã bổ sung một số quyền mới của con người, của công dân như mọi người có quyền sống, mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường, công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội… nhưng việc quan trọng còn lại là phải thể chế hóa các quyền này để đảm bảo được thực hiện trên thực tế. “Hiến pháp quy định đều đầy đủ, đều hay cả nhưng để hiện thực hóa những quy định đó thế nào thật khó hình dung” - nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nói và cho rằng cần phải có bước đi cụ thể trong việc này. Muốn thế, theo ông Lộc, phải biết rõ trình độ chúng ta đang ở đâu, có thể làm được những gì trong những cái Hiến pháp đã đề ra đó. Vì thực tế hiện nay, một số quyền con người, quyền công dân cho đến ngày hôm nay còn đang bị “treo” hoặc chậm được cụ thể hóa. Lý do của tình trạng này, theo TS Hiển là vì “một phần do chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội, một phần do lỗi của các cơ quan chuẩn bị dự án luật trình lên chưa bảo đảm tính khả thi” - ở một khía cạnh khác, PGS-TS Phạm Hữu Nghị (Viện Nhà nước và Pháp luật) nhìn nhận Hiến pháp 2013 có điểm mới đáng chú ý là ghi nhận nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân. Cụ thể, khoản 2 Điều 14 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”. Với quy định này, ông Nghị cho rằng quyền con người, quyền công dân là những quyền mà con người, công dân có toàn quyền định đoạt. “Đây là những quyền không thể bị tước đoạt, chúng chỉ bị hạn chế theo quy định của luật (chứ không phải văn bản dưới luật)” - ông Nghị nói.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm