Sửa đổi pháp luật: Dẹp bớt xin-cho, thủ tục lòng vòng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-11, Bộ Tư pháp phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng”.

Tham dự hội thảo có Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long...

Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP

Ý kiến thẳng thắn từ một nhà khoa học

Hội thảo dành nhiều thời gian cho tham luận của đại diện các bộ, ngành và phát biểu của các chuyên gia.

Đáng chú ý, GS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp, người từng tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng, tổ chức triển khai Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị về chiến lược lập pháp và Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp, nhận định: Sau hơn 15 năm, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, phủ khắp các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, công tác thi hành pháp luật thì xuất hiện nhiều lo ngại, bất cập, hạn chế, đến mức Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh “tổ chức, thi hành pháp luật” ngang với nhiệm vụ xây dựng pháp luật.

Theo ông Hoàng Thế Liên, những hạn chế, yếu kém trong tổ chức, thi hành pháp luật có nhiều nguyên nhân. Bên cạnh nguyên nhân chủ yếu là chất lượng bộ máy công vụ thì cũng có nguyên nhân từ chất lượng hệ thống pháp luật. “Chúng ta cần nhận thức rõ hơn mục đích của pháp luật. Pháp luật sinh ra là để phục vụ xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Nhưng ở khía cạnh này thì chất lượng pháp luật còn thấp” - ông Liên nói.

Muốn cải thiện, trước tiên Nhà nước phải ưu tiên đầu tư cho công tác xây dựng pháp luật chính là đầu tư cho thể chế, đầu tư cho động lực phát triển quốc gia, tuy nhiên việc đầu tư còn hạn chế.

Dân chủ trực tiếp là công cụ kiểm soát quyền lực nhà nước

Dẫn báo cáo Việt Nam 2035 của Ngân hàng Thế giới mà mình có tham gia xây dựng, GS Hoàng Thế Liên đưa ra một số đề nghị.

Theo đó, hệ thống pháp luật thời gian tới cần được hoàn thiện theo hướng cam kết, đảm bảo các nguyên tắc về chủ quyền nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, chính nhân dân là chủ thể kiểm soát quyền lực nhà nước để tránh lạm quyền, lấy dân chủ trực tiếp làm công cụ kiểm soát quyền lực. Đây là những vấn đề đã được bàn rất nhiều trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013.

Ông Liên cũng đề nghị pháp luật quy định rõ ràng hơn, chi tiết hơn nguyên tắc công dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm, thậm chí cần nâng lên là luật không cấm. Đồng thời làm rõ hơn nguyên tắc công chức chỉ làm những gì pháp luật quy định.

“Cần nhận thức thể chế chính là động lực của phát triển. Thể chế mà chúng ta tạo ra thời gian qua đã thúc đẩy phát triển nhưng động lực đến hiện tại là cạn kiệt, cần có những cải cách” - ông Liên nói.

Theo ông Liên, pháp luật cần tạo ra các không gian pháp lý rộng rãi hơn để người dân thực hiện các quyền tự do. Có vậy mới có sáng tạo, phát triển cho chính mình và cho đất nước. Như thế, cần rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật hiện hành, còn chứa đựng nhiều quy định cấm, điều kiện kiểu xin - cho, những hạn chế bằng thủ tục lòng vòng.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung làm rõ những thách thức, cơ hội và những vấn đề pháp lý đặt ra trong việc triển khai thực hiện định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật...

Hoàn thiện theo hướng lấy người dân là trọng tâm

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá những ý kiến phát biểu sát với thực tiễn tình hình xây dựng, thi hành pháp luật hiện nay, làm rõ định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật theo văn kiện Đại hội Đảng XIII; đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục cụ thể hóa các định hướng đó trong việc hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đổi mới mạnh mẽ tư duy trong xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, lấy chính quyền cơ sở là hạt nhân, lấy người dân là trọng tâm cũng là chủ thể thụ hưởng trong xây dựng chính sách, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

Cùng với đó, chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, đồng thời thực hiện tốt các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại đã ký kết.

Ông cũng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, “đầu tư xây dựng là đầu tư cho phát triển” và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng đầu tư nguồn lực, các điều kiện đảm bảo cho công tác nhiệm vụ này.

Trước khi diễn ra hội thảo, có nhiều sự kiện, kết luận quan trọng về việc hoàn thiện pháp luật, thể chế.

Cụ thể, ngày 15-9, hội nghị toàn quốc đầu tiên của các cơ quan nội chính mà Tổng bí thư dự, phát biểu chỉ đạo.

Ngày 16-9, hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế do Thủ tướng chủ trì.

Ngày 14-10, Bộ Chính trị họp, ra Kết luận 19-KL/TW về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa X.

Ngày 3-11, hội nghị toàn quốc triển khai Kết luận 19, do Thường trực Ban bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp tổ chức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm