Sửa HP: Chính quyền địa phương vẫn “kẹt cứng”

Sáng 23-10, thảo luận ở tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành HP năm 1992, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Việc thảo luận này hết sức quan trọng như “mài ngọc, càng mài càng phải sáng”.

Tại sao lại bỏ Hội đồng HP?

Theo đại biểu (ĐB) Ngô Văn Minh (Quảng Nam), mọi tổ chức Đảng và đảng viên đều phải sống và làm việc trong khuôn khổ HP và pháp luật. Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình.

“Điều 4 dự thảo HP khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là đúng đắn. Đại đa số nhân dân, cán bộ khi được lấy ý kiến cũng tán thành. Nhưng nếu trong dự thảo có quy định để nhân dân góp ý với Đảng nhằm xây dựng Đảng vững mạnh hơn thì đây là nguyện vọng rất chính đáng” - ông Minh nói.

Tuy nhiên, ông Minh cũng bày tỏ băn khoăn: “Dự thảo HP được xây dựng phù hợp với các nội dung mà cương lĩnh, nghị quyết của Đảng đề cập. Nhưng thực tế, cương lĩnh, nghị quyết chỉ tồn tại với thời gian năm năm thôi, còn HP thì tồn tại 30-40 năm”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng Lời nói đầu trong dự thảo sửa đổi HP 1992 có nhiều điểm cần phải nghiên cứu, hoàn thiện thêm. Ảnh: THÀNH VĂN

So sánh giữa nghị quyết và Dự thảo HP về đề xuất lập hội đồng bảo hiến, ông Minh chỉ rõ: “Nghị quyết Đại hội X, XI của Đảng và trong Nghị quyết trung ương 2, khóa XI vừa qua đã yêu cầu “nghiên cứu xây dựng một cơ chế phán quyết về các hành vi vi phạm HP”. Thế nhưng trong dự thảo HP lần này lại không đưa quy định Hội đồng HP vào. Điều này khiến cho nhiều người khá tâm tư. Tại sao có những nghị quyết của Đảng thì thực hiện, có những điều nghị quyết đề cập nhưng lại bỏ ra ngoài dự thảo?”.

Dân quan tâm đến giá bồi thường

Liên quan đến các quy định về thu hồi đất trong dự thảo HP, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu quan điểm: “Tôi không phản đối việc thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, do vấn đề này dễ tạo sơ hở, lạm dụng nên phải soạn thảo lại nội dung này chặt chẽ hơn trong HP. Theo đó, cần ghi rõ “thu hồi đất vì mục đích phát triển KT-XH gắn với lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia”.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cũng phân tích: “Người dân không phản đối thu hồi đất, điều họ quan tâm là được bảo vệ lợi ích, bồi thường thế nào”. Bà Tâm cho rằng phải bồi thường theo giá thị trường thì mới công bằng dù thu hồi với mục đích nào - lợi ích quốc gia, công cộng hay để phát triển kinh tế. “Không nên có chênh lệch mức giá bồi thường theo mục đích thu hồi đất vì có thể làm ảnh hưởng méo mó quy hoạch sử dụng đất. Người dân sẽ hiểu sao khi việc hai khu đất cạnh nhau nhưng có giá bồi thường khác nhau vì thu hồi sử dụng vào mục đích khác nhau?” - bà Tâm nói.

Cũng theo bà Tâm, thực chất lợi ích quốc gia đã bao hàm cả ý nghĩa các lợi ích công cộng, phát triển KT-XH nên có thể quy định ngắn gọn chung “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia”. Đồng thời, phải quy định “việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch” nhưng cần bỏ cụm từ “được bồi thường theo quy định của pháp luật” vì người dân bất an lo rằng cụm từ này khi thi hành sẽ tạo kẽ hở để lạm dụng.

Vẫn chưa rõ về chính quyền địa phương

Góp ý về chương chính quyền địa phương (CQĐP) trong dự thảo, bà Tâm cho rằng dự thảo HP thiết kế chương CQĐP còn lúng túng, không rõ. “Đọc hai điều khoản mới (111 và 112) thì thật sự không thể hiểu CQĐP là thế nào. Dự thảo đã không định nghĩa được CQĐP nên các quy định về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và mối tương quan với UBND và HĐND càng không rõ” - bà Tâm nói.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng cho rằng Ban soạn thảo dự thảo HP phải “viết lại”, nếu không đề án CQĐP cũng sẽ kẹt luôn. “Một nguyên tắc quan trọng nhất trong thiết kế mô hình CQĐP là quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Chứ nếu duy trì CQĐP ba cấp như hiện nay thì không ngân sách nào chịu nổi. Thu không đủ chi hoạt động thì làm sao cải cách tiền lương, đổi mới, tăng chất lượng quản lý nhà nước. Cứ thế này thì bộ máy cứ ngày càng phình ra, không thể tinh giản được” - ông Lịch nêu ý kiến.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Lời nói đầu có nhiều điểm chưa ổn

Tham gia thảo luận về dự thảo sửa đổi HP 1992 tại đoàn ĐBQH TP Hà Nội sáng 23-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành trọn 10 phút chỉ để nói về những điểm chưa ổn trong phần lời nói đầu của dự thảo. “Dự thảo lần này so với trước được ưu điểm là ngắn gọn, súc tích hơn nhưng chuẩn xác thì chưa, hay thì lại càng chưa, chưa có sức vang vọng như lời hiệu triệu kêu gọi. Có ĐB nói lời nói đầu tốt lắm rồi mà tôi thì còn băn khoăn” - Tổng Bí thư chia sẻ.

“Trong dự thảo chúng ta viết: “Từ năm 1930, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc”. Viết như thế này không ổn, các nhà lý luận sẽ tranh luận, vì vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin là cả một quá trình. Những năm ấy tư tưởng cũng máy móc, giáo điều, nặng nề lắm, nên viết “từ năm 1930” liệu có thuyết phục không khi “Trí, phú, đại, hào: Đào tận gốc, trốc tận rễ”. Hơn nữa, lúc bấy giờ chưa hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng đó hình thành cả quá trình, đến năm 1991 tranh luận mãi mới đúc kết là tư tưởng Hồ Chí Minh nên năm 1930 chưa thể có được” - Tổng Bí thư chỉ rõ.

Về nội dung: “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh…”, Tổng Bí thư cũng cho rằng ghi như vậy không hay và không đầy đủ như HP hiện hành. Bởi HP hiện hành thể hiện rõ ràng chủ thể là nhân dân, còn dự thảo chỉ nói Đảng lãnh đạo thôi nên không ổn, cần sửa lại cho phù hợp.

Ngoài ra, Tổng Bí thư cũng bày tỏ sự không đồng tình với nội dung: “Nhân dân ta đã giành chiến thắng vĩ đại trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) và đổi mới đất nước”.

Theo Tổng Bí thư, việc xếp xây dựng CNXH với đổi mới đất nước bằng nhau, rồi lại mất đi vế “bảo vệ Tổ quốc” trong HP hiện hành là rất thiếu ý và lủng củng. “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH thì lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa. Cho nên nếu có sửa thì phải nói là “… đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đưa đất nước đi lên CNXH” sẽ chuẩn hơn” - Tổng Bí thư kiến nghị.

Điểm cuối cùng được Tổng Bí thư đề nghị sửa là nội dung: “… thực hiện chủ quyền của mình, nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ HP này”. “Sao lại thực hiện “chủ quyền của mình”, sao lại thêm câu này vào? Lâu nay vẫn nói độc lập, thống nhất chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ; chủ quyền, quyền chủ quyền nhưng là ở phạm trù khác, đặt câu này vào là không phải” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

THÀNH VĂN 

Dự thảo quy định kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo nhưng theo tôi phải viết lại cho rõ bởi không khéo dễ bị hiểu lầm, xuyên tạc. Vì kinh tế nhà nước bao gồm: ngân sách Nhà nước, quỹ dự trữ quốc gia, các tài sản quốc gia… nên giữ vai trò chủ đạo là đúng, đừng nhầm lẫn với DNNN.

Hiện nay kinh tế Việt Nam đi theo mô hình 4-4-2 (Nhà nước - dân doanh - nước ngoài) nên nếu cần rõ ràng thì ngoài liệt kê các thành phần kinh tế nên bổ sung câu: “Các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh lành mạnh”.

ĐB TRẦN HOÀNG NGÂN (TP.HCM)

Nếu quy định CQĐP bao gồm HĐND, UBND là sai với nguyên lý, sai với mô hình tổ chức bộ máy hiện tại. Trên thực tế, chúng ta không tổ chức mô hình chính quyền liên bang nên không thể có chính quyền Trung ương và CQĐP. 

Nếu sử dụng thuật ngữ CQĐP thì vô hình trung tạo ra tư tưởng phân quyền, cho rằng địa phương muốn làm gì thì làm. Ví dụ như cấp phép khoáng sản, bán hết khoáng sản. Vậy định phân quyền cho các địa phương cái gì ở đây?

Ông NGUYỄN ĐÌNH QUYỀN,
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH

THÀNH VĂN - BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới