Nhiều vấn đề ĐB quan tâm góp ý dự thảo sửa đổi Luật liên quan đến các lĩnh vực miễn giấy phép xây dựng (GPXD) nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, tình trạng quy hoạch “treo” và quyền lợi của người dân, tình trạng xây dựng không phép, sai phép…
Cần quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương
Trình bày ý kiến trực tuyến, ĐB Cao Đình Thưởng cho rằng tình trạng xây dựng trái phép đang ngày càng diễn ra phức tạp, nhất là tại các đô thị lớn. Nhiều trường hợp chủ đầu tư xây lố tầng để trục lợi dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng. “Vẫn biết sau khi sự việc vỡ lở, chủ đầu tư bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng hệ lụy là thất thu ngân sách nhà nước, người dân chịu thiệt hại lớn khi bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua căn hộ tại các công trình vi phạm” - ông Thưởng nói.
ĐB Thưởng cho rằng việc xử lý công trình vi phạm thông thường là chậm trễ. Để khắc phục tình trạng này, ĐB Thưởng cho rằng QH cần phải quy định đồng bộ trong quy định pháp luật về xây dựng với các luật khác như Luật Đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản…
Tòa nhà số 8B Lê Trực ở Hà Nội vi phạm xây dựng vuợt tầng. Ảnh Internet
Cùng với đó, cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, gây hậu quả nghiêm trọng. “Vì hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định rõ rách nhiệm của chủ tịch UBND các cấp cơ sở đối với lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng. Việc xác định rõ người, việc đi liền với trách nhiệm, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý trật tự xây dựng” - ĐB Thưởng nói.
Ông Thưởng cũng cần phải sửa đổi quy định pháp luật hình sự và các văn bản pháp luật theo hướng quy trách nhiệm liên đới đối với cơ quan cấp phép xây dựng, tăng mức xử phạt đối với tội xây dựng trái phép. Đồng thời tăng mức phạt vi phạm hành chính liên quan đến hành vi xây dựng không phép, sai phép.
Ông Thưởng cho rằng trong việc sửa đổi Luật, cần tránh tình trạng phạt rồi cho tồn tại, vì hình thức này sẽ không có tính răn đe. Nhất là với mức phạt hiện nay quy định cao nhất cho hành vi này là 1 tỉ đồng. theo ĐB Thưởng, nếu xây dựng vượt thêm một tầng, phạt 1 tỉ trong khi chủ đầu tư có thể có thêm vài chục căn hộ, thu về cả trăm tỉ đồng. Chủ đầu tư sẵn sàng bỏ ra 1 tỉ đồng để thu về cả trăm tỉ đồng, sẵn sàng chịu phạt để hợp thức hóa sai phạm của mình” - ĐB Thưởng nêu.
Theo ĐB Phạm Văn Hòa, một trong những nguyên nhân của nạn vi phạm trật tự xây dựng là do bất cập trong quy trình cấp phép xây dựng. Theo ông Hòa, quy trình cấp phép xây dựng hiện nay lẽ ra phải bao gồm ba khâu: thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay Luật Xây dựng đang tách ra ba khâu riêng biệt, vừa đẻ thêm thủ tục hành chính, vừa kéo dài thời gian cấp phép xây dựng, chủ đầu tư phải đi lại rất nhiều cơ quan. Do đó, ĐB Hòa đề nghị cần phải rà soát lại các hết các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động xây dựng, sửa đổi, lược bỏ các công đoạn không cần thiết.
Trong báo cáo giải trình, ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường trình bày tổng hợp ý kiến của nhiều ĐBQH đề nghị cần quản lý nghiêm trật tự xây dựng.
UBTVQH đánh giá, quản lý trật tự xây dựng là một trong những vấn đề được xã hội hết sức quan tâm và có quan hệ trực tiếp với hoạt động cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, việc thực hiện quản lý trật tự xây dựng không chỉ gắn liền với pháp luật về xây dựng mà còn liên quan đến pháp luật về đất đai, quy hoạch, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, tổ chức chính quyền địa phương...
Về cơ bản, Luật Xây dựng hiện hành đã có quy định liên quan đến bảo đảm trật tự xây dựng. Một số hạn chế trong quản lý trật tự xây dựng thời gian vừa qua chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện pháp luật chưa nghiêm, thiếu kịp thời. Vì vậy, UBTVQH thấy rằng không nên quy định lại những nội dung về quản lý trật tự xây dựng tại Chương V dự thảo Luật.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung, làm rõ trách nhiệm UBND cấp tỉnh, huyện về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo phân cấp của Chính phủ.
Cần quản lý chặt cấp phép xây dựng ở nông thôn
Tại khoản 2 Điều 89 dự thảo Luật Xây dựng quy định 11 nhóm công trình thuộc diện miễn giấy phép xây dựng. Trong đó, không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; nhà ở riêng lẻ thuộc vùng miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.
Đây là nội dung trong dự thảo Luật được ban soạn thảo tiếp thu ý kiến từ ĐBQH. Tuy nhiên, tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu đều đánh giá, đây là quy định cần thiết và thông thoáng cho các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, cần phải quy định cụ thể hơn với các công trình miễn giấy phép xây dựng.
Theo ĐB Trương Thị Yến Linh, dự thảo Luật chưa nêu rõ quy mô công trình được xây dựng bao nhiêu. Thực tế, nhiều công trình xây dựng với quy mô lớn nhưng không phải xin giấy phép xây dựng, cũng không có hồ sơ thiết kế. Do vậy, không ai đảm bảo được chất lượng công trình, thực tế sẽ có những trường hợp gây nguy hiểm cho cộng đồng xung quanh khi công trình không đảm bảo an toàn.
Dự thảo Luật cũng quy định, chủ công trình miễn phép xây dựng sẽ không phải thông báo cho chính quyền địa phường. Các ĐB lo ngại, việc này sẽ gây khó khăn cho chính quyền địa phương.
ĐB Cao Đình Thưởng đề nghị, cần tách biệt các công trình miễn giấy phép xây dựng tại khu vực nông thôn tại các khu vực ngoại thị, ngoại thành thuộc thị xã, thành phố với khu vực nông thôn ở các xã thuộc huyện để đảm bảo tính hiệu quả trong quản lý nhà nước.
Ông Thưởng cho rằng trong thực tế, các dự án phát triển đô thị tại các TP khi Nhà nước mới có chủ trương khảo sát lập dự án, chưa công khai quy hoạch, một bộ phận người dân đã lợi dụng để xây dựng các công trình trên đất nhằm trục lợi việc đền bù giải phóng mặt bằng. “Điều này gây thất thoát tiền của của nhà nước và khó khăn trong quản lý nhà nước và ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực, ảnh hưởng đế tiến độ thực hiện các dự án” - ĐB Thưởng phân tích.
Đề nghị sửa đổi thành công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc xây dựng điểm dân cư nông thôn, nhà ở riêng lẻ thuộc vùng núi, hải đảo thuộc khu vực ko có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng, trừ công trình nhà ở riêng lẻ dc xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử văn hóa. Công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ khu vực nông thôn tại các khu vực đô thị từ loại 4 trở lên.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tiếp thu ý kiến của các ĐBQH trong việc hoàn thiện dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi. Trước đó, nhiều ý kiến của ĐBQH đã được ban soạn thảo tiếp thu, sửa đổi trong dự thảo sửa đổi Luật Xây dựng.