Chờ đến lượt tái khám tại phòng khám sa sút trí tuệ, BV Thống Nhất, TP.HCM, bà Nguyễn Thị Tuyền (65 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) cho hay bà ở với gia đình con trai và phụ việc nội trợ. Từ giữa năm 2018, bà bắt đầu có biểu hiện hay quên như đi chợ về nhà để chìa khóa ở đâu là không nhớ. Nhiều lần bà ra chợ định mua một số gia vị về làm món ăn nhưng khi đến chợ rồi không nhớ phải mua những thứ gì. Các cuộc hẹn tổ dân phố bà phải ghi vào sổ chứ không thể nhớ. Nghiêm trọng hơn, có lần bà nấu ăn nhưng lại đi sang nhà hàng xóm chơi và quên tắt bếp.
Quên cả tên con cháu mình
“Lúc đang tám chuyện với hàng xóm, tôi nghe mùi cá kho cháy khét lẹt nhưng không mảy may nghĩ gì mà nói với bà hàng xóm là ai nấu ăn mà để cháy. Không ngờ người hàng xóm phát hiện khu vực bốc khói và mùi cá cháy không đâu khác là nhà tôi thì tôi mới sực nhớ ra, tá hỏa chạy về nhà. Lúc này nồi cá đã cháy đen, không còn giọt nước, khói bốc mù trời. Lo sợ có ngày cháy nhà, tôi đến bác sĩ để khám và được phát hiện bệnh thoái hóa thần kinh Alzheimer” - bà Tuyền kể lại.
Theo bà Tuyền, từ khi đi khám và uống thuốc đều đặn, trí nhớ của bà cải thiện đáng kể. Bản thân bà trước kia làm nghề dạy học nhưng từ khi nghỉ hưu thì bà chỉ tập trung công việc bếp núc. Nay được bác sĩ căn dặn vận động trí óc để cải thiện trí nhớ, bà bắt đầu nhận dạy học vỡ lòng cho các bé trong xóm.
Không may mắn như bà Tuyền, mới đây, bà Trần Thị Chức (75 tuổi, ngụ quận Tân Bình) được người nhà đưa vào bệnh viện khám do viêm khớp cổ chân. Tại khoa Nội cơ xương khớp, các bác sĩ nghi ngờ bà bị thêm bệnh thoái hóa thần kinh Alzheimer nên chuyển chuyên khoa Nội thần kinh để chẩn đoán kết hợp điều trị. Tại đây, khai thác bệnh sử, người nhà cho biết bà bị chứng bệnh hay quên hơn hai năm nay. Biểu hiện là bà hay mất ngủ, ban đêm thường lục lọi đồ đạc và đòi đi ra ngoài. Ngoài ra, bà bắt đầu quên tên con cháu trong nhà và ăn cơm rồi nhưng nghĩ là chưa ăn, đòi ăn tiếp. Người nhà chỉ nghĩ đó là bệnh của người già và không đưa đi khám cho đến khi bà đi lại yếu, phải ngồi một chỗ và tiểu tiện tại chỗ. Các bác sĩ nhận định trường hợp bà Chức do phát hiện giai đoạn muộn nên tình trạng bệnh khó cải thiện và chỉ điều trị nhằm làm cho bệnh không trầm trọng thêm.
BS Nguyễn Thị Phương Nga đang khám cho bệnh nhân bị sa sút trí tuệ do Alzheimer. Ảnh: HL
Các biểu hiện của bệnh Alzheimer
BS CK2 Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng khoa Nội thần kinh, BV Thống Nhất, TP.HCM, Ủy viên Ban chấp hành Hội Alzheimer và sa sút trí tuệ Việt Nam, cho biết bệnh Alzheimer được xác định là bệnh lý thoái hóa thần kinh, ảnh hưởng lên trí nhớ và một số chức năng nhận thức khác. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng sa sút trí tuệ (chiếm 60%). 40% còn lại do nhiều nguyên nhân khác như sau chấn thương sọ não, sau tai biến mạch máu não, u não, tràn dịch não thất...
Bệnh biểu hiện ở giai đoạn đầu thường là hay quên. Ở giai đoạn nặng, bệnh ảnh hưởng toàn bộ hoạt động của cơ thể như không nhận biết được xung quanh cũng như nhận biết sự nguy hiểm, cơ nuốt, cơ hầu họng bị ảnh hưởng nên bệnh nhân dễ bị suy kiệt, suy dinh dưỡng, viêm phổi, suy giảm miễn dịch. Bệnh thường xảy ra ở người trên 60 tuổi và gia tăng tỉ lệ gấp đôi cứ sau năm năm.
BS Nga cho biết thêm, số liệu thống kê trong vòng 10 năm trở lại đây, số người mắc bệnh lý Alzheimer đang có dấu hiệu gia tăng trong cộng đồng. “Trong 10 năm trở lại đây, số lượng bệnh nhân khám và điều trị sa sút trí tuệ rất nhiều, một trong những nguyên nhân là nhận thức của người dân bắt đầu được nâng cao. So với trước đây, nhiều người có tâm lý chủ quan rằng người lớn tuổi bị lẫn (tức suy giảm trí nhớ) là chuyện bình thường nên không điều trị” - BS Nga thông tin.
Người bị Alzheimer giai đoạn nhẹ thường có biểu hiện như suy giảm về trí nhớ, quên những chuyện xảy ra gần đây trong khi những chuyện về xa xưa nhớ rất kỹ. Các biểu hiện như không nhớ những cuộc hẹn, bộ phim đã coi tối qua, quên các cuộc họp tổ dân phố mà người nhà nhắc cũng không nhớ được, hỏi tới hỏi lui một nội dung, bà nội trợ đi chợ quên mua đồ hoặc quên đồ ở chợ, khả năng tính toán suy giảm, khả năng nói chuyện, từ ngữ bị hạn chế, thường đi lạc hoặc môi trường quen thuộc trở nên lạ lẫm, khả năng quản lý công việc điều hành bị ảnh hưởng…
Không thể điều trị khỏi hoàn toàn Đối với những trường hợp xác định Alzheimer, bác sĩ cần giải thích với người nhà và bệnh nhân đây là bệnh lý thoái hóa thần kinh, bệnh có khuynh hướng đi xuống. Bệnh không thể điều trị khỏi hoàn toàn mà cần điều trị để kéo dài thời gian bệnh nhân duy trì nhận thức, hoạt động sống, sinh hoạt và giao tiếp xã hội thường ngày. Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm, hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn giai đoạn trung bình và nặng, khi không còn nhận biết được người thân. Theo các chuyên gia, Việt Nam đang bước vào quá trình già hóa dân số với tỉ lệ người trên 65 tuổi tăng ngày càng nhanh. Kéo theo đó, các bệnh lý liên quan đến tuổi già cũng tăng lên đáng kể, trong đó có tình trạng sa sút trí tuệ. Vì vậy, mọi người cần có hiểu biết và nhận thức đúng về bệnh này. |