Phân loại bệnh nhân COVID-19 để giảm gánh nặng điều trị

Mô hình tháp bốn tầng điều trị bệnh nhân (BN) COVID-19 ở các địa phương đang phát huy hiệu quả rất tốt trong việc phân loại BN COVID-19.

Để mô hình này phát huy hiệu quả cao hơn, Bộ Y tế đã ban hành quyết định phê duyệt tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2. Theo đó, các BN COVID-19 được chia thành bốn nhóm: Nguy cơ thấp (màu xanh), nguy cơ trung bình (màu vàng), nguy cơ cao (màu da cam), nguy cơ rất cao (màu đỏ).

Chia hệ thống điều trị thành ba tầng

Tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 nhằm đánh giá nguy cơ của người nhiễm SARS-CoV-2 để xác định chính xác nhu cầu điều trị, trên cơ sở đó bố trí hợp lý người nhiễm SARS-CoV-2 vào các cơ sở điều trị phù hợp nhằm tối ưu hóa nguồn lực và duy trì hoạt động phòng chống dịch hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đối mặt với lượng BN COVID-19 tăng liên tục thời gian qua, việc phân loại nguy cơ tốt sẽ giúp hệ thống y tế tránh áp lực quá tải, lúng túng trong điều trị.

Bộ Y tế đang chia hệ thống điều trị thành ba tầng: Tầng 1 là các cơ sở thu dung điều trị ban đầu; tầng 2 là nơi thu dung điều trị cho các trường hợp BN có yếu tố nguy cơ như mắc các bệnh lý nền, người cao tuổi, phụ nữ mang thai…; tầng 3 là tầng điều trị cho các ca diễn biến nặng cần chăm sóc, can thiệp, điều trị chuyên sâu hơn.

Với mỗi tầng được bố trí nguồn lực phù hợp để nâng cao hiệu quả điều trị, như tại tầng 1 sẽ được bố trí lực lượng nhân viên, trang thiết bị phù hợp, không nhất thiết phải có các hệ thống hỗ trợ hô hấp chuyên sâu, hồi sức nặng. Ngược lại, tại tầng 3 sẽ là các trung tâm hồi sức tích cực được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại như ECMO, lọc máu, hệ thống thở ôxy… cũng như đội ngũ y bác sĩ chuyên sâu, đặc biệt là trong lĩnh vực hồi sức tích cực để đáp ứng nhu cầu điều trị cho BN.

Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho hay việc đánh giá mức độ nguy cơ của các BN COVID-19 sẽ được nhân viên y tế thực hiện.

Khu điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 ở TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Số ca xuất viện ở TP.HCM lên hơn 34.000

Sáng 1-8, BV Hồi sức COVID-19 (TP.HCM) đã trao giấy xuất viện cho 10 BN nhiễm COVID-19 nặng đã khỏi bệnh và khỏe mạnh về nhà.

Trước đó, trong ngày 31-7 đã có 3.493 người tại các BV COVID-19 TP.HCM xuất viện, nâng tổng số điều trị khỏi từ khi đại dịch xuất hiện lên 34.639. 

Thiết lập 12 trung tâm ICU COVID-19 quốc gia

Bên cạnh việc phân tầng, phân loại BN, Bộ Y tế cũng tập trung vào các BN nặng thông qua đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện (BV) điều trị người bệnh COVID-19 nặng”. Đề án do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký.

Dựa trên căn cứ hiện nay của cả nước, nhiều BV có giường bệnh hồi sức tích cực nhưng không có hệ thống ôxy trung tâm, hệ thống khí nén nên không sử dụng được máy thở… Khoa hồi sức tích cực của nhiều BV chưa thực hiện được các kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, không xâm nhập, tim phổi nhân tạo (ECMO), lọc máu…

Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, việc tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các BV điều trị người bệnh COVID-19 nặng là nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách, đòi hỏi sự tham gia không chỉ riêng ngành y tế, Chính phủ, các bộ, ban, ngành mà còn là trách nhiệm của chính quyền địa phương và toàn xã hội.

Đề án được xây dựng với quan điểm chủ đạo: Phát huy phương châm “bốn tại chỗ” thông qua nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực của BV các tuyến, đồng thời kết hợp phương châm “ba tập trung” gồm tập trung nguồn lực, tập trung chuyên gia, tập trung người bệnh COVID-19 nặng để điều trị.

Theo đề án, Bộ Y tế chỉ định và thành lập 12 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia quy mô 200-3.000 giường bệnh hồi sức tích cực đặt tại các BV như sau: BV Bạch Mai (Cơ sở 2), BV Việt Đức (Cơ sở 2), BV Bệnh nhiệt đới trung ương, BV Phổi trung ương, BV Trường ĐH Y Hà Nội (Cơ sở 2), BV ĐH Y Dược TP.HCM, BV đa khoa Trung ương Huế, BV Chợ Rẫy, Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 TP.HCM (đặt tại Cơ sở 2 BV Ung bướu TP.HCM), BV đa khoa Trung ương Cần Thơ, BV Trung ương Quân đội 108, BV Quân y 103. Trung tâm Hồi sức tích cực quốc gia là trung tâm trực thuộc Bộ Y tế, chịu sự quản lý và phân công trực tiếp của lãnh đạo Bộ Y tế và cục quản lý.

Chiều 1-8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã đi kiểm tra bốn trung tâm hồi sức tích cực tại TP.HCM để khẩn trương tiếp nhận BN COVID-19.

Chi viện khẩn nhân lực y tế cho các địa phương đang có nhiều ca lây nhiễm, bệnh nặng

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Văn bản hỏa tốc 5258/VPCP-KGVX gửi bộ trưởng Bộ Y tế và chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương.

Văn bản nêu rõ trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tăng cường kịp thời nhân lực chống dịch, đặc biệt là các bác sĩ, điều dưỡng viên điều trị, hồi sức cấp cứu cho các địa phương có số ca nhiễm rất cao như TP.HCM và một số tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang… Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo:

Bộ trưởng Bộ Y tế chủ động, khẩn trương hơn nữa trong việc chỉ đạo tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực điều trị, hồi sức cấp cứu trên phạm vi cả nước; căn cứ yêu cầu và khả năng đáp ứng chung trên bình diện toàn quốc, triển khai ngay phương án điều động, chi viện kịp thời cho các địa phương đang có nhiều ca lây nhiễm, bệnh nặng.

Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan y tế địa phương nâng cao năng lực, tham gia lực lượng chi viện theo sự điều động của bộ trưởng Bộ Y tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm