Dịch COVID-19: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” - Bài 1:

Trưởng thành từ những lần… báo tin không qua khỏi

LTS: Dịch COVID-19 ập đến, các nhân viên y tế, lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch đã phải trải qua khoảng thời gian chưa từng có với cường độ làm việc cực cao. Và đến giờ họ vẫn mỗi ngày bám trụ tuyến đầu để bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 ở TP.HCM đang có dấu hiệu gia tăng trở lại khi nhịp sống dần bình thường, trẻ em được đến trường học trực tiếp. Điều đáng mừng là số ca bệnh nặng và tử vong vẫn ở mức thấp.

Quay lại nhiệm vụ là một bác sĩ Khoa nội tiêu hóa BV Nhi đồng 2 sau thời gian chống dịch căng thẳng, BS Hồ Quốc Pháp (32 tuổi) hy vọng TP.HCM sẽ giữ vững vùng xanh, không còn cảnh những người thân phải chia lìa nhau do dịch COVID-19.

Bốn tháng mà ngỡ như một đời

“Trở về sau những ngày tháng chống dịch, tôi cảm thấy mọi thứ hiện hữu thật đáng quý. Tôi biết trân trọng cuộc sống hơn. Có những thứ trước đây như hít thở không khí trong lành, nhìn dòng xe cộ, cha mẹ đưa đón con đến trường, không có gì to lớn nhưng chưa bao giờ tôi cảm nhận đẹp và yêu đến thế” - BS Hồ Quốc Pháp chia sẻ bên tách cà phê buổi sáng, điều mà mấy tháng trước đây anh chưa dám nghĩ tới.

Bác sĩ Hồ Quốc Pháp đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: NVCC

BS Pháp nhận công việc mới ở BV Nhi đồng 2 chưa đến sáu tháng thì dịch COVID-19 bước vào giai đoạn cao điểm. Nhân sự của BV lần lượt được phân công đến các điểm nóng để tiếp nhận theo dõi, chăm sóc F0, F1 ở khu cách ly ĐH Quốc gia TP.HCM và BV dã chiến số 11.

“Tôi nhớ thời điểm giữa tháng 7-2020, BV dã chiến số 11 được phân công tiếp nhận 5.000 F1 nhưng số ca mắc COVID-19 lây lan quá nhanh. Tôi được giao nhiệm vụ là trưởng Khoa E của BV dã chiến với con số 1.000 F0 một cách đột ngột. Trong khi đó, các quy trình đều chưa sẵn sàng nên mọi thứ chệch choạc. Hầu như năm ngày đầu tôi như quay cuồng, không ngủ được, chỉ lơ mơ tranh thủ chợp mắt. Bác sĩ lúc đầu chỉ có 10 người, phải một tuần sau mới có thêm 2-4 bác sĩ ở các tỉnh phía Bắc vào chi viện. Nhờ sự hỗ trợ của các đoàn chi viện từ các tỉnh phía Bắc, chúng tôi như được tiếp thêm động lực và vững tâm hơn, khi ai vào cũng mang thật nhiều năng lượng để tham gia chống dịch” - BS Pháp kể và nhớ lại ở thời điểm đó, mình là bác sĩ trẻ nhất được phân công phụ trách một khoa điều trị F0.

Chưa hết, ban đầu BV chỉ tiếp nhận bệnh nhân (BN) nhẹ ở tầng một nhưng hai tuần sau BV phải nhận cả BN có bệnh lý nền. “Các đồng nghiệp động viên đi chống dịch khoảng 3-5 tuần thì nhân sự được phép đảo quân một lần để nghỉ ngơi nhưng ở vị trí phụ trách khoa nên tôi luôn tự động viên cố gắng để đi hết chiến dịch. Bốn tháng chống dịch liên tục, ở khu cách ly và BV là đầy đủ những cung bậc cảm xúc mà tôi không thể nào quên trong cuộc đời” - BS Pháp chia sẻ.

Theo BS Pháp, BN chuyển nặng nhanh, kể cả những ca không có bệnh nền khiến các y bác sĩ tại BV đều căng thẳng, chạy đua với thời gian để giữ tính mạng cho họ. Công suất phòng cấp cứu của khoa chỉ thiết kế tiếp nhận 20 BN nhưng có thời điểm lên đến 35 ca, nhiều ca phải thở ôxy liều cao HFNC.

Lao mình vào cấp cứu BN, các y bác sĩ đối mặt thường xuyên với nguy cơ phơi nhiễm khi ở trong môi trường BN sử dụng máy thở phun ra khí hơi nhiều. Đang tập trung đặt nội khí quản cho BN thì tụt khẩu trang là nguy cơ không thể tránh khỏi nhưng không vì thế mà các y bác sĩ lùi bước.

Ca nhân viên y tế nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Khoa E là một điều dưỡng cũng khiến BS Pháp lo lắng, bối rối. Sau đó, nhân sự nhiễm bệnh ngày càng nhiều, có nhân viên phải thở ôxy nhưng may mắn là tất cả đều nhẹ và qua khỏi. “Mỗi lần có nhân sự dương tính trong thời gian chờ bổ sung, để đảm bảo công tác chăm sóc BN được liên tục và giảm tải công việc cho mọi người, thỉnh thoảng nhân viên F0 dù có quyền được nghỉ vẫn tình nguyện phụ khám, phụ trách tầng bệnh của mình. Điều này khiến khí thế làm việc của mọi người trong khoa được động viên rất lớn” - BS Pháp kể lại.

Bác sĩ Hồ Quốc Pháp trao giấy xuất viện cho bệnh nhân ở khu cách ly. Ảnh: NVCC

Sài Gòn, chọn nhớ những điều thương

“Trong hàng ngàn ca được điều trị tại BV dã chiến này, chúng tôi thường lo lắng nhiều hơn cho những BN lớn tuổi và nhiều bệnh nền, vì họ thuộc nhóm nguy cơ diễn tiến nặng hoặc tử vong bất cứ lúc nào.

Nhớ mãi cụ Th, gần 90 tuổi với bệnh nền tăng huyết áp, ngày vào viện cụ viêm phổi, thở khó, phải thở ôxy từ lưu lượng thấp lên lưu lượng cao, trong đầu chúng tôi lúc đó nghĩ cụ sẽ không qua khỏi.

Nhưng rồi “còn nước còn tát, còn thở còn gỡ”, chúng tôi vẫn miệt mài cố gắng và cụ phục hồi ngoạn mục sau một thời gian, như một phần thưởng khiến chúng tôi và gia đình cụ cùng vỡ òa hạnh phúc. Cụ hơi nặng tai, nói chuyện cứ hỏi lại “Hả hả, sao con?”, vậy mà tình cảm lắm, cứ nói “Để tao về nấu cơm gửi vào cho mấy đứa ăn nha”. Nghe mà thương gì đâu”.

Trên đây là một trong những câu chuyện cảm động được BS Hồ Quốc Pháp kể trong tản văn Sài Gòn, chọn nhớ những điều thương do Nhà xuất bản Trẻ phát hành vừa qua, ghi lại những tâm sự của những người âm thầm nắm tay nhau đi qua đại dịch. 

Trưởng thành từ những lần… báo tin không qua khỏi ảnh 4

Thay đổi nhân sinh quan

Khi mọi thứ đi vào guồng, các y bác sĩ đối mặt với vô số ca trở nặng và ra đi trước mắt mà không làm gì được. Việc thông báo tình trạng BN tiên lượng không qua khỏi đối với BS Pháp mà nói không phải là xa lạ nhưng ở BV dã chiến, báo tử cho người nhà khi chưa kịp chấp nhận sự mất mát là việc khó khăn nhất mà BS Pháp từng làm.

BS Pháp nhớ mãi trường hợp đầu tiên nhập viện mới hai ngày có bệnh nền hen suyễn, tăng huyết áp và trở nặng, tiên lượng không qua khỏi và phải gọi điện thoại thông báo cho người nhà. “Chỉ qua điện thoại thôi nhưng mình cảm thấy sự hy vọng và thất vọng, sụp đổ trước mắt người con gái. Qua sáng hôm sau thì người mẹ đi, đến chiều người con gái gọi hỏi lại “Mẹ tôi đi rồi, còn hũ cốt vậy thôi hả. Nhớ ngày đi mẹ tôi còn vẫy tay nói đi mấy ngày rồi về nhưng giờ còn hũ cốt vậy thôi hả em?”. BS Pháp kể lại khoảnh khắc người nhà không tin người thân đã ra đi.

Một người con trai khác khi trao đổi, biết về tình trạng mẹ mình đang diễn tiến nặng đã dặn dò BS Pháp: “Bác sĩ ơi, bao nhiêu tiền tôi cũng lo được, chỉ cần mẹ tôi hết bệnh”. BS Pháp chỉ trả lời: “Mọi BN đều giống nhau anh ạ. Ở đây ai chúng tôi cũng cố gắng lo hết sức cả, các chuyện khác không quan trọng”.

“Đến lúc mong manh giữa sự sống và cái chết, tiền bạc hay vật chất không còn quan trọng nữa, dù hèn hay sang giàu thì ai cũng có nhu cầu là được sống” - BS Pháp cảm khái và nói rằng cuộc chiến với dịch COVID-19 đã tôi luyện, làm thay đổi nhân sinh quan của mình và nhiều đồng nghiệp.

BS Pháp nhớ mãi hình ảnh một bác sĩ trẻ mới ra trường run run tay bút khi lần đầu viết những y lệnh điều trị cho các BN nặng vì chưa quen việc. Cũng bác sĩ này chỉ 1-2 tháng sau lại là một trong những tình nguyện viên lì đòn nhất.

“Trước đây mình quan niệm phải làm thật nhiều tiền, ở nhà sang, cuộc sống vật chất đủ đầy, giờ mình nghĩ có cuộc sống đơn sơ, khỏe mạnh, dành nhiều thời gan cho người thân là trân quý rồi” - BS Pháp bộc bạch.

Mất mấy tiếng mới về đến nhà

Sau bốn tháng chỉ biết cắm mặt ở khu điều trị, lần đầu tiên được chạy xe về nhà, tôi như một người khùng. Đường về nhà chỉ có 30 phút nhưng tôi mất mấy tiếng mới về đến nhà vì chạy xe lòng vòng hít thở không khí bên ngoài.

Vượt qua những ngày tháng chống dịch, tôi cảm thấy cuộc sống vô thường quá, còn sống vui được ngày nào thì sống. Tôi càng muốn cho đi nhiều hơn và sống trọn vẹn từng khoảnh khắc. Tôi nhạy cảm hơn và dễ mủi lòng trước những phận người hơn. Qua cơn đại dịch, tôi mong mọi người hãy cùng nhìn lại, mỗi người hãy trao nhau yêu thương nhiều hơn khi có thể.

            BS HỒ QUỐC PHÁP 

Bài 2: Người lính 2 màu áo và cuộc chiến kép

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm