Sức mua thực phẩm tươi sống, rau củ quả... giảm vì COVID-19

Mới đây Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM đã báo cáo Sở Công Thương về năng lực sản xuất các mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ngoài thông tin về tình hình sản xuất, cung ứng các mặt hàng thiết yếu của các doanh nghiệp (DN) trong ngành, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, còn cho biết: Tất cả DN vẫn giữ nguyên lực lượng, chăm lo tốt sức khỏe, đảm bảo an toàn cho người lao động. Đồng thời, tăng công suất sản xuất, sản lượng dự trữ để không những đảm bảo cung ứng đầy đủ mà còn tăng dự trữ cho thị trường trong dịch COVID-19.

Tuy nhiên theo bà Chi, các DN trong ngành vẫn đang gặp một số khó khăn. Cụ thể, trước tác động chung lên toàn ngành kinh tế của dịch COVID-19, hiện nay ngoài các mặt hàng thiết yếu đang có nhu cầu tiêu dùng cao, DN phải tăng sản lượng sản xuất. Một số nhóm hàng khác như thực phẩm tươi sống, rau củ quả,... có dấu hiệu chững lại khiến sản lượng hàng bán ra của DN ngành thực phẩm sụt giảm.

Nguyên nhân là nguồn cầu rất lớn tại các nhà hàng, khách sạn, trường học tạm nghỉ cũng như nhiều điểm bán hàng tạm ngưng hoạt động. Ngoài ra, khó khăn khi xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ,... cũng một phần làm cho nhóm hàng này sụt giảm sản lượng.  

Rau củ quả tại các siêu thị luôn thu hút người dân chọn mua.

Một khó khăn nữa là giá nguyên vật liệu trong nước còn cao đã ảnh hưởng khả năng dự trữ nguyên liệu, thành phẩm. Đơn cử như giá heo hơi tác động đến thực phẩm chế biến như giò các loại, thịt nguội phải sử dụng nguyên liệu nạc nóng. Lượng sản xuất, dự trữ phụ thuộc vào nguồn heo hơi cung cấp giết mổ hằng ngày.

Đối với nguồn nguyên liệu, phụ gia thực phẩm nhập khẩu giá đầu vào chênh lệch do biến động tỉ giá cũng khiến DN rất khó khăn.

“Thường gặp nhất là tình trạng giá nguồn nguyên liệu, phụ gia nhập khẩu tăng tại nơi xuất xứ hàng hóa trước đây buộc DN phải lựa chọn nhập với giá cao hơn hoặc phải thay đổi xuất xứ hàng hóa” - bà Chi cho hay.

Theo bà Chi, hiện DN cũng gặp áp lực tài chính rất lớn. Dù doanh số giảm nhưng DN vẫn phải trả các chi phí cố định để duy trì hoạt động, trả lương và các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… cho người lao động để ổn định cuộc sống.

Chưa kể, chi phí tăng cường các biện pháp ứng phó phòng dịch COVID-19 như khẩu trang, cồn, xà phòng, hóa chất sát khuẩn nhà máy, xe vận chuyển hàng, an toàn cho người lao động tăng gấp 30 lần so với ngày thường.

Người tiêu dùng đang đứng chọn mua thực phẩm chế biến tại siêu thị.

“Thời gian qua, Chính phủ đã ghi nhận những đề xuất từ phía DN và đã đưa ra các chính sách hỗ trợ cho DN giãn thuế, đồng thời chỉ đạo ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất. Chúng tôi đề xuất thành phố thực hiện nhanh các chính sách hỗ trợ trên cho DN, giúp DN bổ sung nguồn vốn nhằm tăng sản xuất, dự trữ đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tại thành phố” - bà Chi nhấn mạnh.

  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm