Sững sờ trước biệt tài hùng biện tiếng Việt của lưu học sinh nước ngoài

Sững sờ trước biệt tài hùng biện tiếng Việt của lưu học sinh nước ngoài

(PLO)- Phần thi hùng biện tiếng Việt của các lưu học sinh nước ngoài khiến khán giả bất ngờ khi ngoài việc nói tiếng Việt rất giỏi, họ còn biết hát cải lương.

Sáng 1-12, vòng chung khảo cuộc thi hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam năm 2023 đã diễn ra tại Đại học Quốc gia TP.HCM

Nhiều phần thi độc đáo

du học sinh Lào đang theo học tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Khamvilay Tui và Somphonheuang Jackkie đã khiến khán giả không khỏi bất ngờ trước giọng hát dân ca sâu lắng, tình cảm.

biệt tài hùng biện tiếng Việt của lưu HS nước ngoài
Đội thi đến từ Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh thuyết trình về làn điệu dân ca ví giặm xứ nghệ. Ảnh: NQ

Đến với vòng chung khảo hùng biện tiếng Việt, hai bạn du học sinh Lào đã thuyết trình về dân ca ví giặm xứ Nghệ.

“Vẻ đẹp dân ca ví giặm được biểu hiện qua giai điệu và ca từ. Ca từ của dân ca ví giặm là những vần thơ cô động, súc tích, câu từ trau chuốt, vần điệu chắt lọc hấp dẫn và làm say đắm lòng người. Ví giặm mang hương thở và âm sắc của đất và người xứ nghệ. Từ lời ăn tiếng nói hàng ngày như nỏ, mô, răng, rứa, tê, ri trở thành những âm sắc riêng biệt mà không một làn điệu dân ca nào có được....” - KhamvilayTui bộc bạch

Bài hùng biện kết thúc trong làn điệu dân ca ngọt ngào do hai bạn thể hiện.

biệt tài hùng biện tiếng Việt của lưu HS nước ngoài
Lee Ah Nam, sinh viên khoa Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: NQ

Đạt giải nhất tại vòng sơ khảo cuộc thi, Lee Ah Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM bày tỏ : “Tôi đã học tiếng Việt được 15 năm để có thể nói chuyện như người bản địa. Không giống với ngôn ngữ mẹ đẻ tiếng Hàn, tiếng Việt có thanh dấu nên hơi khó".

Xuất hiện trong bộ áo dài màu vàng, Lee Ah Nam cho biết tại vòng sơ khảo nhóm của em đã giới thiệu về điệu lý 3 miền của Việt Nam.

"Tại cuộc thi này, chúng em chọn loại hình nghệ thuật cải lương. Bởi trường của em là đại diện duy nhất của khu vực miền Nam lọt vào vòng trong trong khi đó đặc trưng nghệ thuật tại mảnh đất này chính là cải lương. Em muốn giới thiệu để các bạn biết về hiểu về bộ môn nghệ thuật độc đáo này"- Lee Ah Nam nói thêm.

biệt tài hùng biện tiếng Việt của lưu HS nước ngoài
Phần thi hùng biện của đội thi Trường Đại học Kiên Giang. Ảnh: NQ

Trong khi đó, đội thi đến từ Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng lại thuyết trình về món mì quảng - một món ăn nổi tiếng.

22.000 lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại Việt Nam

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, nhằm tạo điều kiện cho lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam được giao lưu, tạo động lực cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Việt, đồng thời góp phần quảng bá giáo dục, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế, Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc thi Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài học tập tại Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Việt Nam trong tôi".

biệt tài hùng biện tiếng Việt của lưu HS nước ngoài
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định cuộc thi hùng biện tiếng Việt được tổ chức để nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Việt, đồng thời góp phần quảng bá giáo dục, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Ảnh: NQ

Được phát động vào tháng 8-2023, cuộc thi hùng biện tiếng Việt đã trải qua vòng thi sơ khảo sôi nổi tại 03 khu vực Bắc, Trung, Nam với hơn 600 trăm lưu học sinh từ 15 quốc gia đang học tập ở 63 cơ sở đào tạo của Việt Nam đăng ký tham gia.

Tham dự vòng chung kết với 12 đội thi xuất sắc nhất gồm lưu học sinh đến từ các nước Australia, Campuchia, Hàn Quốc, Lào, Nhật Bản, Pháp,Trung Quốc.

Theo Thứ trưởng Phúc, hiện có khoảng 22 nghìn lưu học sinh nước ngoài đang học tập trên 160 cơ sở đào tạo Việt Nam. Trong 5 năm gần đây (2016-2022), Việt Nam tiếp nhận, đào tạo hơn 45.000 lưu học sinh nước ngoài đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trung bình, hằng năm có từ 4.000 đến trên 6.000 lưu học sinh được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục của Việt Nam.

biệt tài hùng biện tiếng Việt của lưu HS nước ngoài
Phần thi hùng biện về mì quảng đến từ đội thi Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NQ

Cùng với xu hướng đào tạo của các nước trên thế giới, lấy nền tảng ngôn ngữ là chìa khóa mở cánh cửa đầu tiên trong hành trình học tập đầy hứa hẹn nhưng cũng nhiều thử thách, Bộ GD&ĐT xác định yếu tố then chốt quyết định chất lượng giảng dạy, học tập của lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam là trình độ tiếng Việt. Chính vì vậy, việc nâng cao năng lực tiếng Việt luôn được xem là một nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt trong quá trình đào tạo tại tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn quốc.

"Việc dạy và học tiếng Việt không chỉ là việc giảng dạy ngôn ngữ, trang bị công cụ tiếp thu kiến thức mà còn là việc quảng bá văn hóa, lan tỏa bản sắc dân tộc và nâng cao năng lực giao tiếp liên văn hóa cho lưu học sinh đang học tại Việt Nam nói riêng, người nước ngoài và những người yêu thích ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam nói chung" - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đọc thêm