Suy diễn để buộc tội

Theo hồ sơ, khi điều hành công ty chuyên sản xuất nước đá Đường Sơn Quốc (Cà Mau), Quách Hải Thọ đã nhiều lần bị lập biên bản, phạt hành chính vì vi phạm sử dụng điện.

Nhân viên trộm điện, quản lý liên lụy

Ngày 6-5-2008, Điện lực Cà Mau tiếp tục kiểm tra Công ty Đường Sơn Quốc, phát hiện tại hiện trường một số vật dụng được cho là dùng để triệt tiêu dòng điện vào côngtơ, làm giảm điện năng tiêu thụ. Điện lực Cà Mau đã truy thu gần 400 triệu đồng tiền thiệt hại do công ty gây ra. Cạnh đó, phía điện lực cắt hợp đồng cung cấp điện cho công ty và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Công an tỉnh Cà Mau đề nghị xử lý.

Tiếp đó, hơn ba tháng sau, một người làm công cho Công ty Đường Sơn Quốc bị bắt quả tang câu móc điện cho công ty hoạt động. Cơ quan điều tra cho rằng người này đã làm theo yêu cầu của Thọ. Sau khi xâu chuỗi các sự việc, cơ quan điều tra đã khởi tố Thọ về tội trộm cắp tài sản với vai trò chủ mưu.

Chứng cứ yếu, suy diễn

Tại phiên sơ thẩm của TAND tỉnh Cà Mau, Thọ một mực kêu oan, cho rằng mình không hề hay biết việc người làm công trộm điện. Theo Thọ, lời khai của người làm công mâu thuẫn, khi thì nói làm theo lời Thọ, khi thì bảo tự ý làm chứ Thọ không chỉ đạo gì nên không thể kết tội bị cáo.

Tuy nhiên, tòa cho rằng việc người làm công leo lên trụ điện để câu móc điện là nguy hiểm. Mục đích của câu móc điện là nhằm phục vụ lợi ích của chủ công ty. Thọ chính là người chỉ đạo, tổ chức cho người làm công thực hiện hành vi trộm cắp điện này.

Suy diễn để buộc tội ảnh 1

Từ đó, tòa đã phạt Thọ ba năm sáu tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Ngoài ra, tòa còn buộc Thọ và các đồng phạm phải bồi thường cho Điện lực Cà Mau hơn 4 triệu đồng thiệt hại. Sau phiên sơ thẩm, Thọ kháng cáo, tiếp tục kêu oan.

Tại phiên phúc thẩm mới đây của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, đại diện VKS đã đề nghị tòa hủy án để điều tra, xét xử lại.

Theo VKS, những căn cứ buộc tội Thọ tổ chức cho người làm công trộm điện chưa thuyết phục. Lời khai của người làm công không thống nhất về vai trò của Thọ. Tòa sơ thẩm buộc tội bị cáo chủ yếu dựa trên suy luận rằng trước đây Công ty Đường Sơn Quốc đã từng nhiều lần bị lập biên bản, phạt hành chính vì vi phạm sử dụng điện. Lần câu móc điện này mục đích là nhằm phục vụ lợi ích của chủ công ty. Thọ là người điều hành công ty nên có vai trò chủ mưu. Suy luận này thiếu khách quan, gây bất lợi cho bị cáo.

Đồng tình, tòa phúc thẩm nhận định chứng cứ buộc tội Thọ còn yếu. Việc xác định thiệt hại trong đêm bị trộm cũng chưa đúng. Chẳng hạn như giá điện sinh hoạt khác với giá điện kinh doanh nhưng khi giám định lại gộp điện sinh hoạt và điện kinh doanh cùng một mức giá…

Cuối cùng, tòa phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Cà Mau, đúng như đề nghị của VKS.

Vì một nền tố tụng tiến bộ

Muốn buộc tội một người nào đó thì trách nhiệm thu thập chứng cứ thuộc về các cơ quan tố tụng. Các chứng cứ này phải chặt chẽ, chứng minh rõ ràng người đó phạm tội. Còn khi ra tòa, chứng cứ buộc tội yếu thì tòa cần phải trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung, củng cố chứng cứ buộc tội. Tòa không được suy luận theo hướng bất lợi cho bị cáo.

Luật pháp của các nước đều áp dụng nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị cáo. Đây là một nguyên tắc cơ bản trong một nền tố tụng tiến bộ. Trong vụ án này, tòa suy luận động cơ, mục đích của một bị cáo khác rồi buộc tội Thọ là chưa đúng, chưa khách quan. Án bị hủy là phù hợp chứ không thì dễ gây oan cho bị cáo.

Luật sưNGUYỄN THANH LƯƠNG,
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre

TIẾN HIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm