Cậu bé trả lời ngắn gọn: “Chúng con chỉ thuyết trình hoặc là cãi nhau với thầy giáo”. Thuyết trình thì rõ rồi nhưng tại sao lại cãi nhau với thầy giáo?
Cậu học sinh đưa một ví dụ minh họa: Khi học bài “Chiến tranh thế giới thứ hai” trong chương trình tương đương năm cuối bậc THCS, thầy giáo chỉ giảng sơ lược diễn biến của cuộc chiến từ đầu đến kết thúc và giới thiệu một số bộ phim, sách yêu cầu các em tìm đọc. Sau đó, thầy yêu cầu học sinh về nhà viết bài luận xoay quanh hai câu hỏi: “Nước Mỹ tham gia Thế chiến thứ hai khi nào, trước hay sau trận Trân Châu cảng?” và “Vì sao quyết định tham chiến?”. Thật ra để trả lời được hai câu hỏi đó, học sinh đã phải tìm hiểu hầu như toàn bộ bối cảnh và những mốc thời gian quan trọng đối với nước Mỹ trước và trong giai đoạn lịch sử này, cũng như suy ngẫm về lựa chọn của những người lãnh đạo Quốc hội, nhà nước, đặc biệt là Tổng thống F. Roosevelt lúc đó. Những giờ học sau đó chỉ là những buổi trình bày, chất vấn lẫn nhau giữa trò và trò hay thầy và trò. Điều quan trọng là học sinh không bị buộc phải thuộc nằm lòng các sự kiện, cứ nói những gì mình biết và biết cách đặt câu hỏi.
Theo nhà giáo James Underwood, học sinh phổ thông tại Anh học lịch sử ít nhất 3 giờ mỗi tuần. Sau khi hoàn tất chương trình phổ thông, nếu em nào chọn học chương trình A-level để tích lũy kiến thức vào các trường đại học có môn lịch sử thì họ phải học 5-6 giờ mỗi tuần. Chương trình môn sử cũng không quá nhiều nội dung vì người thiết kế chủ yếu muốn phát triển kỹ năng đa dạng cho các “sử gia” tương lai. Chẳng hạn học về cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, ông cho học sinh dành nhiều thời gian để phân tích nhật ký, bài thơ, các bức thư tình của những người lính. “Để phân tích một nguồn thông tin như một bức thư phải mất rất nhiều thời gian nếu muốn thảo luận về nó, hiểu và liên kết nó với hoàn cảnh lịch sử bức thư ra đời” - ông nói. Ngoài ra, tranh luận là một kỹ năng cần thiết phải trang bị cho học sinh và môn sử là chìa khóa tốt nhất để xây dựng điều đó. Nhà giáo cần rèn cho học sinh những kỹ năng và thái độ sống cho tương lai, trong đời sống thực chứ không chỉ là trường học.
Một đồng nghiệp vừa tham quan trường học ở Israel kể lại: Trong giờ sử, thầy và học sinh học trong một căn phòng thiết kế như con tàu, trong con tàu là một bảo tàng nho nhỏ trưng bày đầy mô hình, những căn phòng bí mật ẩn sau giá sách. Dây thừng, phao cứu sinh, va ly, nồi niêu, Kinh Thánh... vật dụng trong những cuộc vượt biển trốn chạy của dân Do Thái đều có trong con tàu này. “Hơn mọi bài học, hơn mọi lời giảng giải, những cái hốc phòng chật hẹp này ngay lập tức cho người xem được sống về những ngày tháng lẩn trốn căng thẳng, khắc nghiệt của ông cha họ trong suốt lịch sử bị săn đuổi...” - chị nhà báo viết.
Gần đây, trên các phương tiện truyền thông có rất nhiều bài viết tranh luận quanh dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT. Trong đó phần lớn ý kiến phản đối đề xuất của Bộ để môn sử thành môn học tích hợp với các môn giáo dục công dân và an ninh - quốc phòng thành môn mới là công dân với Tổ quốc. Dù đã có hàng trăm bài báo nhưng có vẻ cuộc bàn bạc vẫn chưa đến hồi kết. Trong khi đó, các giáo viên tự hỏi: Vì sao học sinh ngày càng chán và không muốn học sử? Điều gì khiến cho môn sử có tỉ lệ trượt cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp quốc gia?
Để trả lời, có lẽ phải quay lại câu hỏi: Học sử để làm gì? Đối chiếu những cách dạy của “người ngoài” nêu trên, nói đơn giản, học sử chính là trang bị cho học sinh cái nhìn và phương pháp khoa học để tìm hiểu, khám phá và suy ngẫm về quá khứ. Khi xây dựng thái độ tôn trọng đối với lịch sử - đồng nghĩa tôn trọng đối với việc học sử thì việc tích hợp hay không tích hợp không còn cần thiết. Bởi nói như GS-TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, “bản thân lịch sử đã là một môn học tích hợp và liên ngành”.
Một khi các nhà xây dựng chương trình giáo dục từ chối nhìn nhận lịch sử như chính nó thì việc dạy - học sử vẫn chưa tìm thấy lối ra.