Suýt để vuột giải Nobel vì tưởng là… tin vịt

Mùa giải Nobel 2017 đã kết thúc. Nhưng báo giới vẫn còn xôn xao bàn tán những câu chuyện ly kỳ đến khó tin lẫn chút thi vị xoay quanh những giải thưởng danh giá được trao tặng năm nay.

Đoạt giải mà cứ tưởng… tin vịt

Theo tờ The New York Times, ban tổ chức trao giải Nobel không phải là những người đầu tiên gọi điện thoại báo tin mừng cho nhà văn người Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro rằng ông đã trở thành chủ nhân của giải Nobel Văn chương lần thứ 114 trong lịch sử. Cuộc gọi báo đầu tiên đến nhà Ishiguro tại London, nơi ông sống cùng người vợ Lorna, là từ… người đại diện. Nhà văn nổi tiếng trong thể loại tiểu thuyết không tin nổi vào tai mình. Trước cửa nhà ông vài tiếng sau đó là một đám đông những nhà báo và nhiếp ảnh gia. Ishiguro thật thà kể lại: “Thật sự là rất xấu hổ. Chắc những người hàng xóm phải nghĩ tôi là một kẻ giết người hàng loạt hay tội phạm gì đó mất”.

Khi được PV Elizabeth Needham-Bennet của hãng tin BBC gọi điện thoại chúc mừng về giải Nobel Văn chương, nhà văn Kazuo Ishiguro vẫn chưa tin nổi việc mình được vinh danh là sự thật. Ông gặng hỏi ngược lại PV của hãng tin: “Cô có bất kỳ bằng chứng nào để xác thực chuyện này không vậy? Bây giờ thì tôi mới nghe được thông báo chắc chắn từ các bạn. Những người đại diện của tôi có gọi điện thoại báo, họ nghĩ rằng tôi đã đoạt giải Nobel. Nhưng chúng tôi đang muốn kiểm tra lại để cho chắc đây không phải là… tin vịt!”.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin BBC, ông Ishiguro tiết lộ nguyên nhân vì sao ông hoài nghi đến vậy: “Đây đã là thời đại của tin vịt. Tôi thậm chí nghĩ đã có một sự nhầm lẫn nào đó ở đây. Làm sao mà bạn có thể đoán trước được mình sẽ được trao giải Nobel cơ chứ! Đương nhiên là bạn không bao giờ nghĩ đến chuyện đó xảy ra”. Nhà văn gốc Nhật cho biết ông rất lấy làm tự hào vì được vinh dự trao giải Nobel nhưng ông cũng khiêm tốn chia sẻ: “Tôi mong có thể duy trì được không gian riêng tư để đọc và viết. Hy vọng tôi có thể giữ được sự kết nối với các độc giả của mình đọc sách của tôi trong những căn phòng nhỏ và trên những chuyến xe lửa đường dài”.

Phải mất 101 năm, khoa học mới có thể chứng minh được một lý thuyết “tiên tri” của Albert Einstein (giữa). Ảnh: GETTY

“Tiên tri” của thiên tài Einstein

Chủ nhân của giải Nobel Vật lý năm nay là ba nhà khoa học người Mỹ: Rainer Weiss, Barry Barish và Kip Thorne. Những nhà khoa học này đã dẫn dắt dự án giúp phát hiện sự tồn tại của sóng hấp dẫn, một lý thuyết đã được nhà vật lý thiên tài Albert Einstein tiên đoán cách đây... một thế kỷ lẻ một năm.

Để phát hiện được sóng hấp dẫn, các nhà khoa học đã cho chế tạo Đài quan sát sóng hấp dẫn giao thoa kế laser (LIGO) cực kỳ công phu. Hiện có hai cơ sở đặt tại Mỹ, một ở bang Louisiana và một ở bang Washington, cách nhau 1.609 km để đảm bảo phát hiện được sóng hấp dẫn từ vũ trụ, trang Big Think cho biết. Hiện cũng đã có một đài quan sát thứ ba với tên gọi Virgo vừa được đưa vào hoạt động tại Ý. Riêng dự án LIGO có đến hàng ngàn nhà nghiên cứu tham gia, đến từ 20 quốc gia. Mỗi đài quan sát có đường hầm dài 4 km, ghép lại thành một ký tự “L” khổng lồ.

Thuyết tương đối của Einstein công bố năm 1916 nêu rằng vật chất và năng lượng có thể làm thay đổi không-thời gian, tạo ra hiện tượng hấp dẫn như ta vẫn biết. Phép tính của Einstein cho thấy rằng không gian và thời gian đều có động lực, có thể giãn ra và mở rộng, bị rách ra rồi sập xuống thành hố đen. Phép tính ấy cũng dự đoán rằng vũ trụ vẫn luôn mở rộng từ khi vụ nổ Big Bang xảy ra và dự đoán rằng khi những vật thể khổng lồ trong vũ trụ - như những hố đen hay những phần còn sót lại của một ngôi sao chết - di chuyển, sóng hấp dẫn sẽ được tạo ra. Gần 101 năm sau, những nhà khoa học người Mỹ mới có thể tìm ra bằng chứng cho lý thuyết của Einstein. Sai lầm duy nhất của nhà vật lý học thiên tài là đã khẳng định sóng hấp dẫn quá nhỏ đến mức không thể được phát hiện.

Như một nhà khoa học ví von, những tín hiệu mà LIGO bắt được như “tiếng vọng từ Sáng thế”. Một đại diện Ủy ban Nobel Vật lý trao đổi với báo chí sau phần công bố người chiến thắng: Việc loài người phát hiện sóng hấp dẫn được so sánh với cảnh người điếc đột nhiên nghe thấy âm thanh. Một lần nữa, phải mất hàng chục năm nhân loại mới hiểu được những bí ẩn cuối cùng trong thuyết tương đối của bác học Albert Einstein.

Trùm phát xít từng được đề cử… Nobel Hòa bình

Theo hãng tin Sputnik (Nga), không lâu trước khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, trùm phát xít Đức Adolf Hitler cũng từng được đề cử giải thưởng… Nobel Hòa bình.

Vào năm 1938, với các cường quốc châu Âu làm trung gian, Thủ tướng Anh Neville Chamberlain ký kết với Đức thành công Hiệp ước Munich và xem đây là nền tảng để ngăn chặn chiến tranh bùng nổ. Sau khi hiệp ước này được ký kết, ông Chamberlain đã được đề cử cho giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1939.

Trong một nỗ lực phản đối đề cử Nobel cho thủ tướng Anh, nghị sĩ Thụy Điển Erick Brandt thậm chí đã đề cử Adolf Hitler cho cùng hạng mục như một cách để mỉa mai. “Ông ấy nghĩ nếu thế giới có thể ca tụng Chamberlain đã hỏi xin Adolf Hitler đừng gây chiến thì giải thưởng đó cũng có thể trao luôn cho Hitler” - Gustav Kallstrand, lãnh đạo Bảo tàng Nobel, trả lời nhật báo Phần Lan Hufvudstadsbladet. Không lâu sau, nghị sĩ Thụy Điển buộc phải rút lại đề cử và lên tiếng giải thích ý định “chơi khăm” của mình.

Vào năm 1935, trùm phát xít Ý Benito Mussolini cũng từng được hai lá thư đề cử… Nobel Hòa bình từ các giáo sư danh tiếng tại Pháp và Đức. Ông Gustav Kallstrand cho biết vào giai đoạn đó quy trình đề cử giải Nobel khá mở. Các nhà lập pháp trên khắp thế giới, những người từng đoạt giải Nobel trước đó và các nhà nghiên cứu đều được tự do gửi thư đề cử. Trái với các giải Nobel về khoa học chỉ những ai được nhận thư mời từ ủy ban giải Nobel mới được đưa ra đề cử.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới